Sở Du lịch TP kiến nghị UBND TPHCM cho thuê công ty tư vấn nghiên cứu đề án phát triển du lịch đường sông
Thuyền chở hành khách tham quan khu du lịch Cần Giờ - hình
ảnh hiếm hoi trên tuyến đường sông Sài Gòn - Cần Giờ.
Chỉ còn 3 đơn vị khai thácQua tìm hiểu, chúng tôi được biết trước kia TP có rất nhiều doanh nghiệp khai thác các tuyến du lịch đường sông. Song hiện nay chỉ còn 3 đơn vị khai thác, gồm: Làng Du lịch Bình Quới, Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, đội tàu canô du lịch Vườn kiểng. Tuy nhiên, các đơn vị này chủ yếu khai thác các tour ngắn, phục vụ dịch vụ ăn uống là chính. Vì thế, Sở Du lịch TP nhìn nhận: Loại hình du lịch này chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Theo khảo sát của Sở Du lịch TP, TPHCM có hai tuyến đường sông đầy triển vọng để phát triển du lịch là tuyến Sài Gòn - Củ Chi, tuyến Sài Gòn - Cần Giờ. Tuy nhiên, hiện hai tuyến trên vẫn chưa có bến cho tàu du lịch (cầu tàu ở khu du lịch Vàm Sát chưa đạt yêu cầu) neo đậu. Thời gian qua, tuyến Sài Gòn-Cần Giờ dù được Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương dùng thuyền buồm để chở hành khách nhưng thuyền buồm này có vận tốc quá chậm. Nếu đi từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến ngã ba sông Lôi Giang (Cần Giờ) phải mất hơn 3 giờ do đó khó có thể thực hiện các tour đến khu lâm viên du lịch Cần Giờ và bãi biển 30-4. Chưa kể, khi đến sông Vàm Sát, các thuyền lớn đều bị vướng các cây cầu có tĩnh không quá thấp nên phải chuyển qua đưa rước hành khách bằng canô dẫn đến việc chi phí tăng cao.
Tương tự, tuyến Sài Gòn - Củ Chi có cự ly dài 60 km thời gian đi và về từ 5 - 6 giờ cũng bị vướng các cây cầu có độ tĩnh không thấp vì vậy chỉ dùng canô, không thể tổ chức các đoàn từ 20 - 30 người, dẫn đến chi phí cũng quá cao.
Mở tuyến Sài Gòn - Đồng Nai
Để đánh thức tiềm năng của hệ thống sông rạch, mới đây, Sở Du lịch TP đã có buổi tọa đàm với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nhằm đánh giá lại thực trạng và tìm giải pháp phát triển du lịch đường sông TPHCM. Theo Sở Du lịch, TPHCM có thể liên kết với Bình Dương và Đồng Nai để mở các tuyến du lịch tầm trung đồng thời cũng có thể mở các tuyến tầm xa đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang tận Campuchia.
Trước mắt, Sở Du lịch đã tiến hành khảo sát để mở tuyến du lịch Sài Gòn - Đồng Nai với ba lộ trình đi qua nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng của TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, tuyến Sài Gòn - Đồng Nai được xem có thể phác họa gần như trọn vẹn quá trình hình thành và phát triển vùng đất Đồng Nai - Gia Định xưa. Về lâu dài, Sở Du lịch kiến nghị UBND TPHCM cho thuê công ty tư vấn nghiên cứu đề án phát triển du lịch đường sông. Trong đó, hoạch định rõ hoạt động du thuyền nhỏ, du thuyền cao cấp đường dài, liên tỉnh, canô du lịch. Đồng thời nghiên cứu sử dụng hệ thống kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, tuyến du lịch dọc bến Chương Dương-Hàm Tử để phát triển du lịch đường sông nội đô.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, theo Sở Du lịch, TPHCM cần có chính sách quy hoạch bến bãi, xây dựng cầu cảng, ưu đãi để khuyến khích các đơn vị xây dựng các điểm đến, điểm dừng, phương tiện. Ví dụ như giảm thuế từ 1 - 3 năm cho việc đầu tư du thuyền cao cấp, đơn vị đầu tư cầu tàu...
<Nguồn: baodulich.com>