Lễ hội biển Brest 2008 vừa khai mạc tại Vịnh Brest (Pháp) với những thuyền buồm nổi tiếng, những kiểu dáng thuyền truyền thống của hàng chục quốc gia. Tại Lễ hội biển Brest năm nay, hình ảnh làng biển, làng chài Việt Nam được xem là một điểm nhấn hấp dẫn.
Được tổ chức bốn năm một lần, Lễ hội biển Brest năm nay cho thấy một sức sống mới so với bốn lần tổ chức trước đó. Với 25 nước đăng ký tham gia; quy tụ 15.000 thủy thủ, hơn 2.000 thuyền buồm truyền thống của các nước, trong đó có 50 thuyền lớn như thuyền Mi-xê-a của Romania dài 82,1 m; thuyền Thiên nga trắng của Brazil dài 70 m; hơn 800 nhà báo đến từ các hãng thông tấn, báo chí và truyền hình các quốc gia, Lễ hội biển Brest năm 2008 trở thành lễ hội lớn nhất từ trước tới nay. Tại lễ hội lần này, những người yêu biển từ khắp thế giới đã được tận mắt chứng kiến những thuyền buồm nổi tiếng, những kiểu dáng thuyền truyền thống của các quốc gia. Quan trọng hơn, đây là cơ hội tuyệt vời để khám phá các nền văn hóa đa dạng đến từ các châu lục trên thế giới.
Là một trong năm khách mời danh dự tại lễ hội lần này cùng các nước Na Uy, Croatia, Madagascar và Galice, Làng Việt Nam và đội tàu, thuyền truyền thống tại Lễ hội biển Brest 2008 trở thành điểm nhấn hấp dẫn và là một trong những nơi thu hút nhiều khách tham quan nhất trong ngày khai mạc.
Ðoàn đại biểu TP Hải Phòng (thay mặt Việt Nam tham gia sự kiện văn hóa quan trọng này) với gần 100 người gồm các nghệ sĩ, ngư dân, cán bộ các ban, ngành. Ðể chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, các hiện vật của làng biển Việt Nam như thuyền rồng, thuyền buồm, đội thuyền nan, thuyền thúng và các công cụ sinh hoạt truyền thống của làng biển đã được đóng công-ten-nơ gửi đi từ tháng 5. Chiếc thuyền buồm là hiện vật được bảo quản công phu nhất dài tới 12 m. Ba chiếc thuyền rồng, loại thuyền đặc trưng trong các cuộc bơi thuyền truyền thống tại các lễ hội của Việt Nam, được trang trí công phu và độc đáo.
Những ngư dân lão luyện của các làng chài Ðồ Sơn, Thủy Nguyên bắp tay, bắp chân nổi cuộn. Anh Phạm Quang Phúc, Ðội trưởng đội bơi tàu, thuyền xã Lập Lễ, Thủy Nguyên vui vẻ nói: Ở Việt Nam, tôi đã tham gia nhiều giải đua của thành phố, nội dung chèo thuyền rồng và thuyền thúng. Sang đây, đặc điểm địa hình thuyền đông, sóng to và gió rất lớn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm dạn dày sóng gió, anh em tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Ðội hình bơi thuyền rồng gồm những thanh niên trẻ, khỏe, nước da rám nắng. Hai thuyền rồng, mỗi thuyền gồm tám tay chèo và một lái, lao vun vút trong sự ngạc nhiên và trầm trồ của người xem.
Anh Lưu Ðình Tiến ở phường Vạn Hương, Ðồ Sơn, một tay chèo trẻ trung, kể: Năm nào tôi cũng tham gia bơi thuyền ở địa phương. Ðây là lần đầu tôi được tham gia bơi thuyền ở nước ngoài như thế này. Quả là ấn tượng và hồi hộp.
Ðúng 11 giờ, sau lễ khai mạc đơn giản và ngắn gọn, các thuyền được lệnh xuất phát tham gia đoàn diễu hành trên Vịnh Brest. Chúng tôi lên chiếc thuyền buồm nhằm hướng Vịnh Brest thẳng tiến. Gió to từ vịnh thổi mạnh. Vật lộn với gió to, cuối cùng thuyền cũng ra gần cửa vịnh. Hai chiếc buồm nhuộm nâu căng lên, hiện chữ “Việt Nam” như hai cánh của con rồng khổng lồ l*ng lộng trên biển. Mọi ống kính máy ảnh, máy quay phim đổ dồn vào chiếc thuyền buồm Việt Nam.
Ðối với người Pháp yêu biển, phần lớn trong số họ chỉ được nhìn thuyền buồm Việt Nam qua bộ phim Ðông Dương nổi tiếng hay qua
những lần tới Việt Nam thăm Vịnh Hạ Long. Lần đầu, thuyền buồm Việt Nam xuất hiện ở Brest. Ðây quả là một sự kiện đáng nhớ. Bất ngờ cũng là ấn tượng của người tham gia Lễ hội Brest dành cho màn trình diễn của đội thuyền thúng và thuyền nan. Những chiếc thuyền thúng tròn xoe được các ngư dân biểu diễn đi vòng quanh cửa vịnh thật lạ. Ðộc đáo hơn cả là đội thuyền nan gồm các ngư dân chèo thuyền bằng chân trông thật nhàn tản.
Khu làng biển Việt Nam giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu của văn minh miền biển Việt. Những chiếc nơm, đó, chiếc giỏ làm từ cây tre bình dị gắn bó với người Việt từ thuở gây dựng nền văn minh sông Hồng hàng nghìn năm về trước. Chiếc hũ, vại sành thân thương chứa trong đó cả một lịch sử sâu xa. Thăm làng biển Việt Nam, người xem được tận mắt theo dõi cách thức làm thuyền thúng của các nghệ nhân cũng là những ngư dân cả đời gắn bó với biển, lấy biển làm kế sinh nhai truyền đời. Khu vực luôn thu hút đông đảo những người đến xem là điểm biểu diễn múa rối nước. Khán đài chật kín người trong mỗi buổi diễn.
Tại lễ hội năm nay, thời tiết trở lạnh bất thường. Giữa mùa hè mà nhiệt độ giảm xuống có hôm chỉ còn 13, 14oC. Vật lộn với cái lạnh, giá rét tê cóng, nhưng không vì thế mà nhiệt huyết của các nghệ sĩ múa rối nước Hải Phòng vơi đi. Những tích trò truyền thống như chọi trâu, đánh cá giới thiệu những nét sinh hoạt của địa phương miền biển làm cả khán đài luôn vang dậy tiếng hoan hô.
Giờ khắc khai trương Làng biển Việt Nam thật hồi hộp. Chỉ trước đó chừng mươi phút, mưa như trút. Vậy mà đến giờ khai trương, trời tạnh ráo, nắng ửng vàng tươi rói. Ðích thân ông thị trưởng TP Brest Francois Cuillandre tới dự lễ cắt băng khánh thành làng biển Việt Nam. Sự có mặt của toàn thể ban lãnh đạo TP Brest tại lễ khai trương Làng biển Việt Nam thể hiện sự tôn trọng và đánh giá cao nền văn hóa Việt Nam đóng góp tại Lễ hội biển Brest lần này.
Nói như cố vấn cao cấp của thành phố, sự có mặt của đoàn Việt Nam lần này góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị vốn có nhiều mặt lên một tầm cao mới. Tầm cao đó thể hiện qua việc ký thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo hai thành phố ngay sau lễ khai trương Làng biển Việt Nam. Với thế mạnh về khoa học biển, y học biển và công nghệ nghiên cứu biển, thành phố Brest sẽ là đối tác quan trọng của Hải Phòng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khai thác thế mạnh từ biển.
Lễ hội biển Brest 2008 sẽ còn tiếp tục kéo dài đến hết ngày 17-7. Trong suốt một tuần lễ hội, các du khách sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu và khám phá các nền văn hóa đa dạng, trong đó nền văn hóa Việt Nam đặc sắc và đa dạng.
(Theo Báo Thương Mại)