Thừa Thiên Huế: Khai trương không gian Tàng Thư LâuSau thời gian trùng tu, phục hồi, di tích lịch sử văn hóa độc đáo Tàng Thư Lâu (344 Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế) vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương, đưa vào sử dụng vào chiều 15/3.
Không gian Tàng Thư Lâu thu hút khá nhiều bạn trẻ đến tham quan, tìm hiểu
Đến dự lễ khai trương có các ông: Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương; Nguyễn Thanh Bình, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tàng Thư Lâu được xây dựng năm Minh Mạng thứ 6 (tức 1825) tại vườn Doanh Phong trong Kinh thành, tồn tại 120 năm (1825-1945), là một kiểu kiến trúc khác biệt so với hàng trăm công trình kiến trúc gỗ thời bấy giờ.
Để tránh sự lây lan của hỏa hoạn, cũng như để bảo vệ tư liệu gốc của quốc gia, công trình được thiết kế xây dựng trên đảo giữa hồ, gồm 2 tầng, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 11 gian, xung quanh đều được xây lan can, 4 bên lầu xây hồ vuông gọi là Hồ Học Hải.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay, nhằm bảo tồn và phát huy một di tích lịch sử văn hóa độc đáo, từ đầu những năm 2000, sau khi công trình được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trung tâm đã xúc tiến việc nghiên cứu, phục hồi di tích Tàng Thư Lâu với mục tiêu đưa nơi này thành một trung tâm lưu trữ tư liệu tầm cỡ quốc gia và khu vực, trả lại đúng giá trị và vai trò của nó như đã từng hiện diện trong lịch sử. Năm 2014, dự án trùng tu, phục hồi công trình này được khởi công và đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu nguồn thư tịch triều Nguyễn, gồm hàng nghìn tư liệu về châu bản, địa bạ, hình ảnh… Dù chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng đồ sộ tư liệu quý giá của triều Nguyễn nhưng cũng giúp khách tham quan có những hình dung ban đầu về giá trị của nguồn tư liệu quý báu đã từng được lưu trữ nơi đây.
Tin, ảnh: Minh Hiền
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế