Tiền Giang nằm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có 32km bờ biển, cách TP. Hồ Chí Minh 70km. Thiên nhiên và con người Tiền Giang mang đặc trưng của văn hóa sông nước Nam Bộ. Hệ thống giao thông thuận lợi cho du lịch sinh thái và văn hóa.
Tiền Giang là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, gắn liền tên tuổi các anh hùng dân tộc: Trương Ðịnh, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, có địa danh Gò Thành nằm trong di chỉ khảo cổ Óc Eo cách đây hơn 2.000 năm và những lăng, mộ, đền, chùa, đình, miếu có giá trị lịch sử văn hóa như: lăng Hoàng Gia, lăng Trương Ðịnh, đền thờ Thủ Khoa Huân, chùa Vĩnh Tràng, đình Long Hưng. Ðây còn là nơi diễn ra những chiến thắng chống ngoại xâm vang dội Rạch Gầm, Xoài Mút và chiến thắng Ấp Bắc anh hùng.
Với tài nguyên tự nhiên phong phú, ở Tiền Giang đã hình thành nên ba vùng sinh thái rất thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn. Nằm dọc sông Tiền của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành là vùng sinh thái nước ngọt với các cù lao cây trái xanh tươi, các khu dân cư và những kênh, rạch chằng chịt, mênh mông sông nước. Về phía Biển Ðông là vùng sinh thái ngập mặn của khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương, phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ biển và nối tuyến với Cồn Ngang, một cù lao hoang sơ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Tỉnh còn có vùng sinh thái ngập mặn Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, có hệ sinh thái độc đáo, nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, dành cho các nhà nghiên cứu và các du khách ưa tìm hiểu, khám phá.
Dựa trên thế mạnh du lịch sinh thái, lòng mến khách cùng cuộc sống hiền hòa vùng sông nước, Tiền Giang hội đủ những yếu tố thu hút du khách. Ðến đây, họ được hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống cộng đồng dân cư địa phương trong một không gian thoáng mát, đầy cây xanh, tham gia các thú vui dân gian như câu cá, chèo thuyền, tắm sông, thưởng thức những món đặc sản sông nước, miệt vườn, ngắm nhìn phong cảnh sông Tiền và đắm mình trong bản ca nhạc tài tử mang đậm phong cách Nam Bộ, vừa trữ tình, vừa phóng khoáng.
Từ định hướng du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn, ngành du lịch Tiền Giang đã đầu tư triển khai nhiều tuyến du lịch mà tiêu biểu là tuyến du lịch cù lao Thới Sơn. Ðây là cù lao rộng có gần sáu nghìn dân với 569ha vườn gồm nhiều loại cây ăn quả quanh năm, kênh rạch quanh co, đan xen, tạo nên những tuyến đò chèo với hai bên là bần và dừa nước cùng không gian thoáng mát, yên tĩnh, đáp ứng được nhu cầu tham quan, nghỉ mát của du khách.
Tiếp theo là tuyến du lịch dọc sông Tiền đưa khách đến với cuộc sống của cư dân vùng sông nước, thăm khu di tích chiến trường Rạch Gầm, Xoài Mút, nơi nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của vị tướng trẻ Nguyễn Huệ, sau này là Vua Quang Trung, đánh tan quân Xiêm xâm lược. Sau đó, du khách còn được tham quan cù lao Ngũ Hiệp hoặc đến nhà vườn ở xã Vĩnh Kim. Một tuyến du lịch khá lý thú và mang đặc trưng cuộc sống sông nước là tuyến du lịch chợ nổi Cái Bè.
Chợ là nơi mua bán trái cây của đồng bào miệt vườn. Nét đặc biệt của chợ nổi là nếp sống thương hồ của những cư dân quen nghề mua bán trên sông từ thuở xa xưa, được tái hiện qua hình ảnh những chiếc thuyền, ghe bầu, xuồng nhỏ có mái vòm, chất đầy các loại trái cây, rau quả được trồng khắp miền tây.
Ngoài nét nhộn nhịp, sung túc, chợ nổi còn ẩn chứa trong đó một tinh thần cộng đồng hào phóng của cư dân sống dọc theo vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Ðó là nét đẹp của một nền văn hóa dân gian được hội tụ và hòa nhập với nhiều nền văn hóa khác. Nối tuyến với chợ nổi Cái Bè, du khách sẽ đến miệt vườn cây trái, dừng chân ở các nhà vườn để nghỉ ngơi, tận hưởng sự êm ả và không khí trong lành của thiên nhiên, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, phương thức làm vườn của người dân ở cù lao Tân Phong, xã Ðồng Hòa Hiệp, xã Hòa Khánh (Cái Bè); tham quan một số hộ dân ven sông với nghề làm bánh tráng, cốm, kẹo truyền thống hoặc thăm các ngôi nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm nay ở trong vùng. Từ chợ nổi Cái Bè cũng dễ nối tuyến với các điểm du lịch ở Cái Mơn của tỉnh Bến Tre và Bình Hòa Phước của tỉnh Vĩnh Long.
Tuyến cuối cùng trong hành trình du lịch sông nước Tiền Giang là tuyến cồn Cổ Lịch thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, nằm bên cầu Mỹ Thuận. Nếu xuất phát từ TP Mỹ Tho đi bằng đường bộ, du khách sẽ phải vượt khoảng hơn 50km, còn bằng đường thủy thì hết khoảng hai giờ đi đò máy. Cồn Cổ Lịch có vị trí địa lý khá thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ, lại gần các điểm du lịch của tỉnh Vĩnh Long, Ðồng Tháp, Bến Tre, từ đó có thể thực hiện nối tua du lịch mang tính liên vùng. Cồn Cổ Lịch nằm trên sông Tiền với cảnh quan, môi trường thoáng mát, đang được đầu tư xây dựng thành khu du lịch làng quê mang đậm nét văn hóa miền tây Nam Bộ. Du khách sẽ có dịp ngắm nhìn cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng hiện đại đầu tiên của nước ta uốn cong nhịp, mềm mại vắt ngang dòng sông.
Cách Mỹ Tho khoảng 9km là Trại rắn Đồng Tâm hay Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Quân khu 9, nơi bảo tồn các nguồn dược liệu quý; sản xuất thuốc y học dân tộc; cấp cứu và điều trị rắn độc cắn cho quân và dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.