Trong ánh nắng chiều rực rỡ, cụm tháp Poklong Garai với ba ngôi tháp nhỏ mà hùng vĩ kiêu hãnh vươn mình trên nền trời xanh thẳm.
Ánh nắng cuối chiều nhuộm vàng lấp lánh những đường nét chạm khắc tinh xảo trên ngôi tháp cổ và làm lấp lánh cả ánh mắt ngưỡng mộ, trầm trồ của chúng tôi trong một chiều bình yên, tĩnh lặng giữa vùng đất Ninh Thuận đầy nắng gió.
Tháp cổ Poklong Garai kiêu hãnh vươn mình trên nền trời xanh.
Nằm trên đồi Trầu cao hơn 100m, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) 7km, từ đằng xa đã thấy cụm tháp Poklong Garai nổi bật trên nền trời xanh. Tháp Poklong Garai được xem là trung tâm rực rỡ nhất của nền văn minh Chăm, đạt đỉnh cao trong kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của dân tộc Chăm. Vẻ hùng vĩ là thế, nhưng vẫn có gì đó quen thuộc, bình dị khiến bước chân chúng tôi vội vã hơn dưới cái nắng chiều hè vẫn còn chói chang.
Bước thêm vài chục bậc thang nữa để leo lên đỉnh đồi Trầu, tháp Poklong Garai đón những kẻ lữ khách tới muộn chúng tôi bằng một chiếc cổng hình vòm đơn giản, chẳng có hoạ tiết, hoa văn trang trí. Nhưng đằng sau chiếc cổng mộc mạc đó là
ba ngôi tháp kiêu hãnh vươn mình, khắc lên nền trời xanh thẳm những bức tượng, phù điêu chạm khắc trên đá, trên gốm những hình linga, hình bò thần, đuôi rồng, hình người, hình hoa lá tỉ mỉ, tinh xảo.
Ngay bên cạnh cổng là một tấm biển lớn bằng đá ghi rõ: “Tháp được xây dựng từ thế kỷ XIII-XIV để thờ Vua Poklong Garai (1151-1205) - vị vua có công lớn trong việc dẫn thuỷ nhập điền ở địa phương”.
Ngày xưa, cụm tháp này có 6 tháp, nay chỉ còn 3 tháp tương đối nguyên vẹn, gồm: Tháp chính là nơi vua ở, cao 20,5m, để thờ phượng và hành lễ trong năm; tháp lửa là bếp lửa của vua, cao 9,13m và tháp cổng là nơi vua tiếp khách, cao 5,65m. Ba ngọn tháp nhỏ xinh quây quanh khoảng sân nhỏ, tháp chính rộng nhất chỉ dài 13,8m, rộng 10,7m. Tháp cổng và tháp lửa còn nhỏ hơn, tháp cổng nhỏ nhất - dài 5,1m, rộng 4,85m.
Tôi rón rén đặt chân lên những bậc thềm ngôi tháp cổ, sợ làm vỡ những viên gạch nung đã bị bào mòn nhẵn thín theo thời gian. Lòng tháp bé xíu, tối om. Tôi đứng trong lòng tháp cổng, vừa để tránh cái nắng chiều vẫn còn gay gắt, vừa khoan khoái để những ngọn gió mát rượi thổi tung làn tóc rối.
Từ bóng tối trong lòng tháp lửa nhìn ra, ngôi tháp chính như càng rực rỡ hơn dưới ánh nắng chiều sóng sánh như mật đang nhuộm vàng cả không gian. Từ cửa sau của tháp, có thể phóng tầm mắt theo những ngọn gió lướt trên những mái nhà, hàng cây trải dài đến tận chân trời. Ráng chiều hắt những tia nắng vàng rực lên ba ngọn tháp, càng khắc sâu các hoạ tiết chạm khắc, các bức phù điêu tinh xảo lấp ló sau những lùm cây xanh mát bao quanh, khiến ngôi tháp cổ càng đẹp hơn.
Những bạn đồng hành của tôi mỗi đứa lang thang một góc, cứ lặng lẽ đi, lặng lẽ ngắm, không nói một lời. Rồi mỗi đứa chọn một góc tháp, yên lặng ngồi, tô thêm những chấm áo hồng, áo xanh vào bậu cửa, bậc thềm của ngôi tháp trầm mặc.
Tôi cũng ngồi im như một bức tượng tạc vào khung cửa ngôi tháp cổ, ngắm nghía những nét chạm khắc đầy tài hoa và những viên gạch nung đã lên màu rêu phong, để mặc buổi chiều bình yên, tĩnh lặng chầm chậm trôi đi. Những giọt nắng chiều cuối cùng nhảy nhót cùng bức tượng vũ nữ Apsara trên vòm cửa tháp chính, mơ màng vẽ trong đầu tôi điệu múa thướt tha, yểu điệu của các cô gái Chăm xinh đẹp, dịu dàng trong những lễ hội tưng bừng đầy màu sắc của đồng bào Chăm như lễ đầu năm, lễ cầu mưa hay lễ hội Katê... tổ chức tại đây hằng năm.
Ngân Hà - Báo Lao Động