Kỳ 1: Từ làng cổ Đường Lâm đi Nghĩa Lộ
Kỳ 2: Đi chợ phiên và ngắm ruộng bậc thang chín vàng
Kỳ 3: Hoàng hôn Khau Phạ đẹp không thốt nên lời
Kỳ 4: Cung bậc sắc vàng Mù Cang Chải
Kỳ 5: Mây Lai Châu trôi đến Ô Quy Hồ
Kỳ 6: Rời Sa Pa đi qua Mường Khương
Kỳ 7: Về miền Si Ma Cai xa hiu hắt
Kỳ 8: Dấu ấn dinh vua Mèo
Kỳ 9: Vượt đèo khó, 'bò' qua Xín Mần
Kỳ 10: Đường cong Hoàng Su Phì
Kỳ cuối: Trở về trên đê Phú Thọ
Ngày thứ 3 của chuyến đi thật sự là một ngày 'ngập mặt' đúng nghĩa với ruộng bậc thang. Nhưng tôi ngắm mãi vẫn chẳng thể thấy chán.
Ngôi nhà nhỏ bên thửa ruộng bậc thang thuộc xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang ChảiTối qua hơn 8 giờ chúng tôi mới đến thị trấn Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái). Nhiệt độ ngoài trời bỗng đột ngột xuống thấp. Dọc theo quốc lộ 32, gió thổi mạnh khiến cho ai nấy đều lạnh run. Khi nghe thông báo nhiệt độ hiện tại là 13 độ C, ai nấy đều rú lên thích thú.
Lại một buổi sáng dậy trễ. Hơn bảy giờ mọi người mới chuẩn bị đi ăn sáng. Trong khi đó, ngoài kia bầu trời trong xanh, nắng đã lên ấm áp. Tôi quyết định dời buổi ăn sáng trễ hơn và vội vã cầm máy, lấy xe chạy đi chụp hình ngay.
Khi vừa ra khỏi thị trấn tầm 2 km, tim tôi như nghẹn lại khi nhìn thấy một màu vàng rực ấp áp lan tỏa từ các mảnh ruộng bậc thang, men lên nóc các tòa nhà trong thị trấn rồi vượt lên trên cả những con đồi phía sau.
Thị trấn Mù Cang Chải trong buổi sớmBầu trời trong xanh, nắng chan hòa xuống con suối uốn quanh bên dưới con đường. Đứng bên này, nhìn thấy bên kia người dân thu hoạch lúa mà tôi cuồng tay, cuồng chân, muốn tìm cây cầu bắt qua bên suối để sang.
Lúa đang chín dần, mùa gặt đang rộn rã
Lúa như leo lên chạm cả bầu trời
Một thửa ruộng bên kia suối đang được thu hoạch
Ở đây, người ta thường cắt lúa chín đế đấy cho thân khô bớt rồi mới đập hạt raRuộng lúa có ở mọi nơi: ở bên con suối, ở trên chừng đồi, bao quanh phố thị. Không có thời gian, du khách chỉ cần đi trọn trục đường quốc 32 là đủ mãn nhãn với từng đường cong, nếp ruộng bậc thang.
Nếu như bị choáng ngợp với lúa vàng, du khách có thể dừng lại ngắm những chùm ngô khô được treo trước hiên nhà trong khi gia chủ đang ngồi đan áo ung dung tự tại. Chỉ cần mở lời chào hỏi và trò chuyện, bạn sẽ thấy người dân thật thà, dễ mến đến chừng nào.
Trước mùa lúa là mùa ngô, nhiều gia đình còn treo ngô đầy hiên nhà
Một bà cụ không nói được tiếng Việt, chỉ cười khi chúng tôi hỏi thăm
Bí đỏ cuối mùa nằm lăn lóc trên nóc nhà
Tôi hỏi chị chờ ai, chị ấy bảo chờ xe ôm. Tôi hỏi đi đâu tôi chở cho. Chị ấy bảo đi Chế Cu Nha - Cũng là điểm tôi đang muốn đếnRuộng bậc thang huyện Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái có quy mô lớn nhất nước nhờ đất đai thổ nhưỡng nơi này phù hợp với lúa nước. Đặc biệt, nhờ những con suối chảy quanh tất cả các con đồi trong khu vực mà hầu hết các xã trong huyện đều có thể làm ruộng bậc thang.
Đã đến Mù Cang Chải rồi, không thể không đi vào các xã như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình, Lao Chải... Ở đó, ruộng bậc thang chẳng những nhiều mà còn có những đường nét lạ, hút hồn khách du lịch. Chúng tôi quyết định buổi sáng thăm Chế Chu Nha, buổi chiều vào La Pán Tẩn. Các xã còn lại chỉ còn hẹn dịp khác chứ không thể nào đi hết được.
Con đường vào xã Chế Cu Nha nhỏ hẹp, nhiều quanh co và dốc cao kinh khủng. Có lúc tưởng chừng như tôi không thể nào cầm lái chạy lên trên được nữa. Nhưng khi đã đến được rồi, cả một khung cảnh sắc vàng tầng tầng lớp lớp khiến cho bạn quên đi mọi ưu phiền.
Lúa đang chín rộ
Một ông lão đi bắt cá suối mang về cho buổi trưa
Màu vàng của ruộng nương báo hiệu một vụ mùa bội thu cho người nông dân
Thung lũng trông như một tấm thảm hoa
Người dân nghỉ ngơi, ăn trưaTrời trưa nắng gắt, chúng tôi phải quay về thị trấn ăn trưa và nghỉ ngơi đến 3 giờ chiều để tiếp tục khởi hành.
Đường đi vào xã La Pán Tẩn khá xa mà chúng tôi cứ dừng xe ngắm cảnh ven đường nên trời nhanh chóng về chiều. Cuối cùng, xã Dế Su Phình bên tay phải được chọn làm điểm đến cho buổi chiều bắt đầu có mây mù sắp đến.
Các thiếu nữ nghỉ tay sau một hồi cắt lúa
Cả gia đình đều ra ruộng
Đây là phương tiện và hình thức thu hoạch lúa thường dùng của người dân vùng cao
Khung cảnh này rất thường được chụp với bất kỳ khách du lịch nào đến Mù Cang Chải
Ba chị em chơi bên đường vội xếp hàng ngay ngắn khi chúng tôi lấy bánh kẹo ra
Các em nhỏ đi học về. Hôm nay thứ hai có lễ chào cờ nên mỗi em mang theo một cái ghế. Riêng trên nắp hộp cơm màu đỏ có một con chuột. Tôi hỏi để làm gì, em nói để làm thịt ăn, ngon lắm!
Hai em bé gái xinh đẹp thích thú vô cùng khi được chụp hình
Dế Su Phình có những khu vực ruộng bậc thang đẹp mê ly
Đây là tấm hình cuối cùng của ngày thứ 3, một ngày trôi nhanh nhưng cực kỳ ý nghĩaChúng tôi rời Dế Su Phình khi mặt trời đằng Tây đã chìm vào trong núi và cơn mưa nhỏ vừa lan tới.
Không biết nếu vào La Pán Tẩn sẽ gặp điều thú vị gì, riêng ghé Dế Su Phình, tôi yêu quá các em bé nhỏ nơi đây. Chạy xe ra về mà lòng tôi cứ nhớ những bước chân nhỏ xíu líu ríu của các em chạy theo, chỉ để cho vui chứ không vì tấm hình hay viên kẹo.
Phượt ký của Nguyễn Hữu
(còn tiếp)
Kỳ 1: Từ làng cổ Đường Lâm đi Nghĩa Lộ
Kỳ 2: Đi chợ phiên và ngắm ruộng bậc thang chín vàng
Kỳ 3: Hoàng hôn Khau Phạ đẹp không thốt nên lời
Kỳ 4: Cung bậc sắc vàng Mù Cang Chải
Kỳ 5: Mây Lai Châu trôi đến Ô Quy Hồ
Kỳ 6: Rời Sa Pa đi qua Mường Khương
Kỳ 7: Về miền Si Ma Cai xa hiu hắt
Kỳ 8: Dấu ấn dinh vua Mèo
Kỳ 9: Vượt đèo khó, 'bò' qua Xín Mần
Kỳ 10: Đường cong Hoàng Su Phì
Kỳ cuối: Trở về trên đê Phú Thọ