Canh khoai mài nấu cá trê là một món ăn dân dã độc đáo của huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.
Khoai mài, tức củ mài người ta đào trên rừng hoặc chủ yếu là tự trồng ven các sườn đồi, quanh nhà, quanh vườn lấy củ ăn. Cây khoai mài có thân dây, củ ăn sâu dưới đất, dài cỡ hai - ba gang tay, mỗi củ nặng từ 1-5 kg , mỗi cây có nhiều củ.
Củ khoai mài vỏ màu nâu sẫm, ruột là tinh bột mầu trắng. Khoai được trồng từ tháng năm, thu hoạch vào tháng 10 lịch âm. "Tháng năm khoai nằm dưới đất/ Tháng 10 khoai cất vào kho" (tục ngữ). Trồng khoai mài phải đào rãnh sâu đổ thật nhiều mùn rác, phân chuồng mục, đánh luống như luống khoai lang, trồng xuống những miếng khoai để giống đã cắt nhỏ chấm vào tro bếp. Độ 15 - 20 ngày khoai mọc mầm thì cắm que cho dây leo. Đến tháng 10 thu hoạch về nhà, cất đi ăn dần hoặc bán. Theo Đông y, khoai mài (hoài sơn) "có vị ngọt, ấm, tính bình, bổ tì thận, ích tâm phế, mạnh khí lực, chữa ho lao, suy yếu đau lưng, di tinh, bạch đới, lị, ỉa chảy". Khoai mài là món ăn bổ dưỡng rất ngon, bùi và rẻ. Người ta có thể luộc chấm muối vừng, nấu canh các loại ăn thay cơm cũng tốt. Đặc biệt là khoai mài nấu cá trê.
Khoai mài gọt vỏ, rửa sạch, xắt ra từng miếng nhỏ. Cá trê làm sạch nhớt, chặt ngạnh, chặt vây, cắt bỏ hai cục "hoa khế" ở dưới 2 ngạnh cá (nếu không cá rất tanh). Dùng dao khứa dọc thân cá hai ba nhát hoặc cá lớn thì xắt hai ba khúc rồi ướp mắm muối, gia vị cho vừa ăn. Đổ nước đun cho khoai mài vừa chín tới thì cho cá cùng một ít lá é, lá ngô non thái nhỏ, đun sôi lại vài phút là ta có một nồi canh khoai mài cá trê thơm, ngọt, ngon và bổ. Bắc ra rắc ít lá hành, rau mùi thái nhỏ càng dậy mùi thơm.
Khoai mài nấu với cá trê
Mày ăn cho mập mày mê con ù
Người dân Đồng Xuân có ca dao về món canh khoai mài cá trê như vậy đấy. Tuy là món ăn dân dã nhưng trong các bữa yến tiệc sang trọng ở các nhà hàng, khách sạn chắc gì đã có.
Nguồn tin: Báo Nhân Dân