Hà Tiên là một địa phương nổi tiếng cả nước về mặt cảnh quan, được nhiều người ví là “Hạ Long trên cạn”. Đến đây, bạn sẽ được thưởng ngoạn những thắng cảnh đã làm nên “thương hiệu” xứ này, trong “Hà Tiên thập vịnh” của Tao đàn Chiêu Anh Các, với các tác phẩm Đường thi: “Đông Hồ ấn nguyệt”, “Nam Phố trừng ba”, “Thạch Động thôn vân”, “Kim Dự lan đào”, “Châu Nham lạc lộ”, “Bình San điệp thúy”… Viếng những danh lam thắng cảnh xong, bạn còn được Hà Tiên “đãi” những món ăn đậm đà hải vị. Nhưng Hà Tiên có một món nổi tiếng chỉ có mặt trong vòng một tháng mà thôi, đó là nấm tràm. Tuy không có nhiều như ở Phú Quốc, nhưng nấm tràm cũng làm nên tên tuổi một Hà Tiên ẩm thực.
Rừng tràm Hà Tiên rụng lá phủ ngập các lối đi hoang vắng, lâu ngày trở thành lớp mùn. Những cơn mưa đầu mùa ào ạt đổ xuống, hơi nóng ẩm của lớp mùn khiến những mầm non của tai nấm tròn cỡ đầu ngón tay út nhú lên. Chẳng bao lâu nấm rộ. Những tai nấm tròn căng, màu sô-cô-la nổi bật trên đường viền màu trắng sữa, như có một huyền lực khiến bạn mải miết hái trong một niềm vui. Nếu đi thành đoàn, là dịp du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Bạn bè đi xuyên qua những cánh rừng tràm xạc xào lá gió, hái không biết chán những tai nấm như đóa môi trầm hé cười. Chọn một chỗ nào vừa ý. Gà giò chuẩn bị sẵn, cho vào nồi bắc lên bếp ga, luộc vừa chín tới, thả nấm vào. Trong chốc lát, cả bọn quây quần bên nhau, nhẩn nha nhai những tai nấm đẹp như miếng rau câu, vừa giòn vừa xốp, càng nhai càng nghe vị đắng từ từ lan tỏa khắp vòm miệng. Chẳng bao lâu, thật lạ lùng, vị nhân nhẩn ấy biến đâu mất, chỉ còn lại cái hậu ngọt một cách khó hiểu. Húp miếng nước, bạn mới biết nấm tràm ngon còn vì cái vị nhân nhẩn đắng chưa kịp hân thưởng đã nhanh chóng trở nên ngọt lừ trôi tuột xuống tận dạ dày.
Với vị đắng thanh, nấm tràm xào với tép bạc, thịt ba rọi, tôm, mực đều là những món ăn hấp dẫn nhưng đây chỉ là chuyện “thường ngày” của người dân duyên hải này. Ở vùng biển đảo Phú Quốc, nếu đánh bắt được con cá rựa hoặc cá nhồng, người dân nhất định sẽ lấy thịt làm chả cá nấu với nấm. Trước khi múc ra tô, người ta đập một vài trứng vịt thả vô. Món ngon “tuyệt cú mèo” này sẽ là kỷ niệm khó quên đối với bất cứ ai đã một lần được thưởng thức. Cái vị đắng có một không hai của nó hòa trong vị ngọt của con cá rựa, cá nhồng và vị béo của lòng trắng lòng đỏ trứng vịt như cứ làm ngây ngất các chân răng và tê mê khẩu cái.
Nấm tràm không phải chỉ có ở Hà Tiên, Phú Quốc (Kiên Giang) mà còn có mặt ở một số tỉnh miền Trung. Ở Huế, hàng năm, cứ vào cuối thu, sau những cơn mưa, đất trời dịu mát, rừng tràm mọc chi chít những tai nấm như tấm thảm nhung nâu trắng quyến rũ. Người ta ưu ái gọi những cơn mưa ấy là “mưa nấm tràm”. Vốn đảm đang trong việc bếp núc, người phụ nữ Huế sẽ biến những tai nấm xinh đẹp này thành các món ăn ngon cho gia đình. Các bà thường nấu tô canh nấm tràm với tôm tươi và rau tập tàng. Nếu có thêm khoai lang, tô canh càng thêm ý vị. Ngoài việc làm tô canh thêm bùi, khoai lang còn là “bài thuốc” giải chất độc có trong nấm. Cháo nấm tràm cũng là món ngon không thể bỏ qua. Chỉ với vài chục con tôm tươi, một ít thịt ba rọi, thêm thịt bò, hành, ngò, tiêu, ớt, bạn sẽ có một nồi cháo bảo đảm vừa ăn vừa hít hà vì cay, đổ mồ hôi vì nóng. Thật sảng khoái! Nhưng sướng nhất là ăn nấm vào buổi chiều tối, bạn sẽ có một giấc ngủ thật sâu, đúng như lời “quảng cáo” của mấy o bán nấm ngoài chợ: “Ăn mát dạ ngủ ngon!”.