Với sự góp mặt của những đại diện tiếng tăm như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam... các bạn sẽ thấy đồ ăn rất thú vị!
Châu Á từ xưa đã là cái nôi của nền ẩm thực phương Đông. Đa dạng về món ăn, độc đáo trong cách chế biến nhưng nhắc đến ẩm thực nơi đây, chúng mình không thể bỏ quên sự tinh túy đậm chất Á Đông trong nghệ thuật sắp đặt, bày biện những món ăn. Chúng mình cùng khám phá sự tinh tế, tỉ mỉ đó qua sự góp mặt của những đại diện tiếng tăm như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam nhé!
Ẩm thực Nhật Bản từ lâu đã đứng trong danh sách những vị “đại gia” đứng đầu về nghệ thuật trang trí món ăn. Người Nhật coi ẩm thực là một ngành nghệ thuật mà để thành công trong đó, người đầu bếp phải thật tinh tế để khoác cho “đứa con tinh thần” của mình một vẻ ngoài hấp dẫn nhất, khiến cho thực khách dù chỉ nhìn thôi cũng đã bị hút hồn rồi. “Tam ngũ” là quan niệm của người Nhật trong các món ăn, đó là “ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp”. Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng mặn. Ngũ sắc phải gồm có trắng, vàng, đỏ, xanh, đen và cuối cùng ngũ pháp của món ăn chính là: để sống, ninh, nướng, chiên, hấp. Không chỉ dừng lại ở đó, món ăn Nhật còn chú trọng đến cả việc lựa chọn các bát đĩa đựng thức ăn một cách nghệ thuật tạo nên sự hòa trộn khéo léo và tinh tế của màu sắc. Họ thường bày biện món ăn trên những chiếc bát, đĩa nhỏ xinh, dùng đũa để thưởng thức và đòi hỏi thực khách cũng phải tự tìm cho mình một sự tinh tế nhất định mới cảm nhận được hết phong vị của món ăn.
Đứng thứ hai của ẩm thực châu Á về sự cầu kỳ trong nghệ thuật trang trí món ăn chính là xứ sở Kim Chi. Các món ăn Hàn Quốc sử dụng nhiều nguyên liệu đa dạng: các loại nấm, đậu, rong biển, con trai, cá, các loại rễ cây, rau... với nhiều màu sắc khác nhau màu vàng của trứng rán, màu đỏ của tương ớt, màu xanh của rau, màu đen của rong biển, màu trắng của nấm kim châm...Vì thế, việc chế biến trình bày đòi hỏi sự công phu, tinh tế và mang tính thẩm mỹ cao cũng được đặt lên hàng đầu. Trên bàn ăn của người Hàn Quốc thường bày biện rất nhiều món với nhiều kiểu chén đĩa đủ sắc màu nhưng mỗi thứ chỉ một ít đủ để thưởng thức hương vị mà thôi (đây cũng chính là nét tương đồng khá thú vị của ẩm thực xứ sở Kim Chi và đất nước Mặt Trời Mọc). Cách sắp đặt một bữa ăn cơ bản sẽ bao gồm: cơm cho mỗi người trong bát sâu bằng gốm hoặc thép không rỉ, luôn có nắp đậy ở phía bên trái người ăn, canh nóng cho mỗi người trong một cái bát nông hơn, đặt phía bên phải chén cơm hoặc dùng chung trong bát canh to đặt giữa bàn, thìa và đũa đặt ở phía phải bát canh và cuối cùng là rất nhiều chén nhỏ để chứa các món banchan phụ dùng chung.
Trung Quốc vốn dĩ đã là một “đại gia” đồ sộ trong nền ẩm thực thế giới từ xưa đến nay. Số lượng món ăn đa dạng với nhiều hương vị phong phú nhưng người Trung Quốc cũng không vì thế mà lãng quên đi vẻ đẹp bắt mắt, thu hút của món ăn từ bên ngoài. Người Trung Quốc rất coi trọng sự toàn vẹn nên ngay cả trong các món ăn cũng phải thể hiện sự đầy đủ vì họ quan niệm nếu thiếu đi điều gì thì đó là sự chẳng lành. Sự tinh tế trong các món ăn Trung Hoa chính là sự hội tụ đầy đủ từ hương, sắc, vị đến cách bày biện, trang trí. Món ăn ngon phải đảm bảo có màu sắc đẹp mắt, có hương thơm ngào ngạt làm say lòng thực khách, có vị ngon của đồ ăn được chế biến từ nguyên liệu tươi, và cách trình bày thật thu hút và ấn tượng. Các món ăn không chỉ ngon, đẹp mắt mà còn bổ dưỡng bởi sự kết hợp tài tình giữa các thực phẩm và các vị thuốc như hải sâm, thuốc bắc… Người Trung Quốc thường hình tượng hóa các trường phái ẩm thực của mình một cách nghệ thuật. Ví như trường phái ẩm thực Giang Tô và Chiết Giang như một người đẹp phương Nam; ẩm thực Sơn Đông và An Huy giống một chàng trai khoẻ mạnh, kiệm lời; ẩm thực Quảng Đông và Phúc Kiến là một thanh niên lãng mạn; ẩm thực Tứ Xuyên và Hồ Nam là nhà bác học, nhà bách khoa thư đấy các bạn ạ!
Chúng mình đã thưởng ngoạn nhiều nền ẩm thực các nước bạn bè rồi phải không các ấy? Thế nhưng đừng vì thế mà các bạn quên đi rằng Việt Nam chúng mình cũng không hề thua kém bạn bè chút nào đâu nhé. Nghệ thuật ăn uống của người Việt không chỉ gói gọn trong cách chế biến, bài trí món ăn mà còn bao gồm cả phong cách ứng xử. Phong cách ứng xử chính là cách xử sự đẹp giữa con người với con người trong bữa ăn. Từ xưa đến nay, người Việt Nam vẫn truyền nhau câu nói: học ăn, học nói, học nói, học mở. Cách thức ăn uống tưởng là đơn giản nhưng lại không hề đơn giản chút nào đâu nhá, đó là cả một nghệ thuật mà nếu chúng mình lơ là thì sẽ vô tình đánh mất đi nét đẹp của ẩm thực nước nhà ngay đó. Nếu ở châu Âu, mỗi người sẽ có một suất ăn riêng thì trong gia đình nguời Việt, mọi người cùng ăn chung một mâm. Điều này giúp cho mọi người trong gia đình càng trở nên thân thuộc với nhau hơn. Việc gắp thức ăn cho người khác không thể hiện sự khách sáo mà là sự kính trọng và tình cảm yêu thương của mình dành cho đối phương. Bữa cơm hằng ngày được xem như một buổi họp mặt đông đủ các thành viên của gia đình. Ngày nay, mọi người đều mải mê theo đuổi nhịp sống bận rộn của mình nên đôi khi chúng mình đã vô tình quên đi những khoảnh khắc sum họp thường nhật đáng quý ấy. Nhưng những gì thuộc về văn hóa truyền thống đó vẫn luôn cần được duy trì và trân trọng qua nhiều thời gian phải không các bạn?
Theo: Kenh 14