Tạm tránh xa những đua chen ngột ngạt của cuộc mưu sinh, tìm về sự bình yên bên miệt vườn sông nước, 8.3, gần 20 chị em làm báo (Báo ảnh Đất Mũi) chúng tôi tổ chức một tour du lịch đến với Thới Sơn, Cồn Phụng.
“Trăm nghe không bằng mắt thấy”, chúng tôi đã có dịp thảnh thơi bên dòng sông thơ mộng với những vườn cây trái sum suê trĩu quả, những cồn nổi... ở nhiều tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ... nhiều năm qua đã trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
“Du lịch sinh thái là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn khá tốt nhằm mục tiêu nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hóa hiện hữu”. Riêng du lịch sinh thái miệt vườn còn là một trong những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân các tỉnh miền Tây Nam bộ. Du lịch sinh thái miền Tây đa dạng với nhiều loại hình như chợ nổi trên sông, du lịch sinh thái rừng ngập mặn... Đồng thời, cồn nổi trên sông cũng là một trong những điểm lý tưởng để khai thác loại hình du lịch này.
Du lịch cồn nổi hấp dẫn du khách bởi nét thoáng đảng, vẻ nên thơ của nó. Cồn Thới Sơn (Tiền Giang), Cồn Phụng (Bến Tre) là một trong những điểm đến lý tưởng của nhiều khách du lịch. Sức hấp dẫn, quyến rũ của xứ sở cù lao, giúp người ta quên đi sự ồn ào, bí bức của phố phường.
Nằm ở hạ lưu sông Tiền, Thới Sơn có diện tích khoảng 1.200ha. Toàn xã Thới Sơn là một vùng chuyên canh cây ăn trái, quanh năm được phù sa bồi đắp. Hai bên đường vào khu du lịch là những vườn cây trái sum suê với nhiều chủng loại như: mít, cam, bưởi, mận, xoài, ổi... Đến Thới Sơn, du khách được tham quan cách làm kẹo dừa bằng phương pháp thủ công, mua những mặt hàng mỹ nghệ, đồ dùng sinh hoạt gia đình làm từ cây dừa...
Rời Thới Sơn, du khách chỉ có thể đi bằng thuyền đến với khu du lịch Cồn Phụng (Cồn Đạo Dừa). Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, ngay cửa ngõ tỉnh Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 12km (đường bộ) và 25km (đường thủy). Cồn Phụng có di tích Đạo Dừa trên diện tích chừng 1.500m2, hiện được bảo tồn nguyên trạng các hạng mục kiến trúc được xây dựng từ thời giáo chủ Đạo Dừa - Nguyễn Thành Nam: sân 9 con rồng; tháp hòa bình (cửu trùng đài) - nơi ông Đạo Dừa ngồi giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo, tòa tháp có kiến trúc lạ mắt với những mảng đắp chạm rồng, phượng được gắn bằng những mảnh vỡ của bát đĩa, ấm chén; một đỉnh lớn.
Khu du lịch Thới Sơn, Cồn Phụng càng thu hút hơn bởi nó nằm ở điểm nối hai bờ của cầu Rạch Miễu (chiếc cầu mang thương hiệu Việt Nam). Lênh đênh trên sông Tiền cũng là dịp để khách tham quan được ngắm toàn cảnh cầu Rạch Miễu, nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre. Đứng trên cầu nhìn xuống là những dãy nhà bè san sát, với hai bên bờ sông là dãy cù lao với những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng trong vườn cây thơ mộng.
Đến Thới Sơn, Cồn Phụng hấp tấp, du khách sẽ bỏ lỡ cơ hội thưởng thức nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ, như chèo xuồng dọc theo những rặng dừa nước xanh tươi, tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức mật ong hương nhãn, hay nghe những bài ca vọng cổ ngọt ngào...
Du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ. Tuy nhiên, mô hình sinh thái miệt vườn ở nhiều nơi còn giống nhau về diện mạo, thiếu hình ảnh mang tính khám phá để thu hút du khách. Các điểm du lịch là nơi quảng bá hình ảnh quê hương, cũng là hình thức bảo vệ và tôn vinh ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Về xứ sở cù lao cây xanh, trái ngọt, sông nước mênh mông, con người sẽ được sống với thiên nhiên, hòa mình vào bầu không khí trong lành, tha hồ thưởng thức đặc sản của địa phương như dừa nước, ca cao, bánh tráng dừa, kẹo dừa... Thới Sơn, Cồn Phụng một lần đến tuy chưa thể khám phá hết nét quyến rũ, nên thơ của nó, nhưng khi chia tay xứ sở cù lao thơ mộng, chắc chắn hình ảnh những chiếc thuyền chở đầy du khách, quà lưu niệm, vị đạm đà của kẹo dừa hay sự mát ngọt của ly dừa nước sẽ còn đọng lại trong lòng du khách phương xa.