hanoi travel agency - Xúc động và ngỡ ngàng là tất cả những gì bật ra trong tâm thức chúng tôi khi chuyến xe dừng lại ở trạm biên phòng Bản Giốc và nhìn sang bên kia đường: thay cho những mái quán lụp xụp nằm ở phía đối diện cổng trạm năm nào là một khu resort sang trọng nép mình bên triền núi.
“Sài Gòn - Bản Giốc”, một địa danh của phương Nam xa xôi lại nằm kề bên tên của một bản làng, một vùng thác tuyệt đẹp cuối trời xứ Bắc. Một âm vang thị thành phồn vinh đô hội đứng cạnh một địa danh thiêng liêng luôn thao thức trong cõi lòng những con dân đất Việt.
Đất nước có hàng ngàn khách sạn, khu nghỉ dưỡng nhưng không phải nơi chốn nào cũng gợi lên cho chúng tôi những niềm cảm khái thiêng liêng như khi đến Bản Giốc. Đã nhiều lần lên đây từ những năm trước, bao giờ cũng thế, cảm giác sau cùng đọng lại vẫn là niềm day dứt. Những nỗi day dứt ấy dồn nén, cất giữ... và bây giờ như được vỡ òa giải thoát khi trước mắt chúng tôi là những dãy nhà với kiến trúc giản dị mà sang trọng tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt nhìn ra dòng thác như đang rót xuống từ lưng trời. Thác Bản Giốc đã tuôn bao nhiêu nước xuống dòng Quây Sơn thì cũng chảy vào tâm thức dân Việt bấy nhiêu niềm xúc cảm nắng mưa cuối trời biên ải.
Những năm tháng đi đi về về với biên ải, chúng tôi hiểu giá trị của một ngôi nhà dân chênh vênh bên đường biên, một lá cờ bay trước sân trường các em nhỏ đang học, một bài hát tập thể của con trẻ cất lên xua tan sự tĩnh lặng chốn núi rừng. Không như ở miền xuôi, những điều đó nơi biên ải chính là hiện thân cụ thể của chủ quyền. Huống chi giờ đây, ngay bên đường biên là một khu nghỉ dưỡng sang trọng và bề thế.
Ký ức khôn nguôi…
Lúc trưa, chúng tôi đã ghé vào nhà hàng Phương Cưu. Đấy cũng là tên của bà chủ nhà hàng, chị vốn là thợ chụp ảnh dịch vụ du lịch ở thắng cảnh, nên những buồn vui của ngọn thác này bao nhiêu năm qua đều in đậm vào trí nhớ của chị. Và dù chỉ là một thợ ảnh dịch vụ nhưng chị Phương Cưu lại có cốt cách của một… nhà báo. Rất nhiều bức ảnh về Bản Giốc của những năm tháng đấu trí đấu lực ấy được chị chụp lại và cất giữ như một tư liệu quý, trong đó có tấm ảnh chụp những căn lều dựng bên triền sông để làm dịch vụ bị bọn người xấu tràn qua phá sập vào những năm 1990. Những năm đó, mồ hôi và nước mắt của người dân Bản Giốc đã thấm đẫm bên triền thác này để giữ từng viên đá, từng gò bãi bến sông.
Nếu đã từng theo dõi chuyện phân định biên giới sẽ hiểu rằng để có những cột mốc trấn ải trên đường biên hôm nay là cả một cuộc đấu trí đấu lực ròng rã nhiều năm. Và để mọc lên bên đường biên xa xôi cách trở một khu du lịch cao cấp như thế này đã là sự cống hiến và phần nào hi sinh. Ngay như anh Huỳnh Công Hải, giám đốc khu du lịch Sài Gòn - Bản Giốc, dù không nói về mình nhưng chỉ riêng chuyện mỗi lần từ Bản Giốc ra Cao Bằng, rồi từ Cao Bằng về Hà Nội, sau đó mới về TP.HCM thăm vợ con đã là một sự hi sinh. “Tôi chỉ mới ra đây một thời gian, sao bằng bà con dân bản, bằng những cán bộ chiến sĩ biên phòng đã gắn bó đời đời nơi đây” - Hải cười.
Đêm ở khu du lịch Sài Gòn - Bản Giốc, ký ức từ mấy năm trước cứ hiện về, thao thiết. Đấy là một buổi chiều cuối thu của bảy năm về trước, Cao Bằng bị ảnh hưởng bởi bão rớt, mưa bụi giăng mờ, màu nước của dòng thác như lẫn trong mịt mùng màu mây, màu sương. Phóng viên ảnh Việt Dũng của Tuổi Trẻ đã bấm một tấm hình quá ấn tượng: Những người dân bản lùa đàn trâu về chuồng, trên vai choàng tấm nilông che mưa tơi tả, hậu cảnh là thác Bản Giốc đượm buồn. Và cùng lúc đó, nhìn sang bên kia biên giới, những khách sạn trên đất Trung Quốc lừng lững. Cái barie dựng chênh chếch ngay trước cổng trạm biên phòng Bản Giốc, trên lối đi xuống thác của Công ty cổ phần du lịch Cao Bằng bán vé cho du khách với cái giá tượng trưng là 15.000 đồng/vé. Và tất cả tương lai của Bản Giốc được diễn tả trên một tấm panô nổi bật dòng chữ: “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”. Bản đồ quy hoạch được xác lập chi tiết đến từng phân khu, và số tiền dự kiến đầu tư vào đây khiến nhiều người không khỏi phấn khích: “Phân kỳ đầu tư phát triển: Giai đoạn từ năm 2008-2010 đầu tư 500 tỉ đồng; từ năm 2011-2015: 1.000 tỉ đồng; từ năm 2016-2020: 900 tỉ đồng”. Làm một phép tính cộng đơn giản, con số đầu tư đó đã là 2.400 tỉ đồng! Thế nhưng những con số ấy vẫn lặng im ở đấy, mãi cho đến cuối năm 2014, Bản Giốc mới thật sự khởi động bài bản từ dự án xây khu nghỉ dưỡng của Saigontourist.
Hoa đời bên triền thác
Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình khi đọc bản tin trên Tuổi Trẻ gần ba năm trước: “Tổng công ty Du lịch Sài Gòn vừa khởi công dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc (Saigon - Bản Giốc resort), tiêu chuẩn 4 sao trên tổng diện tích 31,15ha, chia làm hai khu chính: khu tiếp giáp tỉnh lộ 206 và khu vực nhìn trực diện thác Bản Giốc. Kiến trúc của Saigon - Bản Giốc resort có cảnh quan đẹp, chú trọng không gian, góc nhìn, tạo ra địa điểm lý tưởng để du khách có thể thưởng ngoạn cảnh thác Bản Giốc hùng vĩ...”. Đó không chỉ là bản tin ngắn gọn về một dự án du lịch thuần túy nếu biết rằng hơn cả một thắng cảnh, thác Bản Giốc nơi cuối trời Việt Bắc luôn đau đáu như một phần máu thịt người Việt với bao tháng năm dâu bể cùng nắng mưa miền biên ải.
Và giờ đây những con số ấy được giám đốc Huỳnh Công Hải diễn tả bằng những công trình cụ thể đang mọc lên: khu vực nhà hàng, lễ tân nằm ở khu đất tiếp giáp với tỉnh lộ 206, một cây cầu bêtông vắt ngang qua hẻm núi để nối đến khu nghỉ dưỡng xây tựa vào mái đồi. Phòng ốc đúng chuẩn cao cấp, kiến trúc thân thiện nhưng sang trọng, dịch vụ đầy đủ, tất cả những điều đó có thể gặp ở nhiều khu khu nghỉ dưỡng khác, nhưng ở Bản Giốc có một điều đặc biệt hơn: 95% nhân viên ở đây là người dân tộc Tày, Nùng quê tại vùng đất này.
Có lẽ trong khát vọng về sự đổi mới trên vùng đất phên giậu này, nếu chỉ có phát triển cơ sở hạ tầng vẫn chưa đủ, chính những chàng trai cô gái Tày, Nùng… đang khoác trên mình bộ đồng phục nhân viên khu khu nghỉ dưỡng cao cấp này mới là điều đáng kể. Nông Thị Thanh, người Tày, làm ở bộ phận lễ tân, quê ở ngay xã Đàm Thủy. Học Trường cao đẳng Văn hóa - du lịch Hà Nội xong từ năm 2010, về quê chưa tìm được việc làm, Thanh buôn bán nhì nhằng ở thác. Khi khách sạn bắt đầu tuyển nhân viên, ưu tiên cho cư dân địa phương, Thanh dự thi và trúng tuyển. Và cũng như nhiều nhân viên khác, tất cả những ứng viên đạt tiêu chuẩn đều được đưa vào TP.HCM để học, sau đó về lại đây.
Cũng như Thanh, Nông Thị Thảo cũng là nhân viên của khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc, quê của Thảo ở xa hơn, xã Đình Minh, nhưng cũng thuộc huyện Trùng Khánh. Thảo cũng đã tốt nghiệp đại học, khoa văn hóa du lịch. Cô nhân viên có nụ cười và gương mặt rất sáng này kể cho chúng tôi nghe ấn tượng đầu tiên của ngày mới vào nghề là chuyện hai du khách người Pháp khi đi du lịch vào đây đã để quên iPad trên một chuyến xe buýt từ Cao Bằng vào, khi xuống xe một lúc lâu mới nhớ ra, nhưng hỏi mọi người xung quanh thì không ai biết tiếng Anh. Khi Thảo xuất hiện và trò chuyện với họ, hai vợ chồng người du khách ấy đã òa khóc vì mừng.
Bản Giốc - nghe tiếng ông cha trong tiếng thác
Nhân viên lễ tân Nông Thị Thảo, người dân tộc Tày Ảnh: TIẾN ĐẠT
Những câu chuyện ấy, ở đâu đó nơi thị thành đô hội là chuyện bình thường, nhưng giữa chốn thâm sơn, mỗi điều bình thường ấy đều rất đáng được nâng niu. Từ những nụ cười tươi tắn ấy, tiếng hỏi chào lễ phép ấy, sự tận tụy phục vụ ấy sẽ nhìn thấy tương lai của một hành trình.
Bản Giốc - nghe tiếng ông cha trong tiếng thác
Phong cảnh quanh khu vực thác Bản Giốc, ruộng đồng và đường tỉnh lộ 206 đi vào thác - Ảnh cắt từ clip Bản Giốc
Thầm lặng với ngày mai
Sau bao nhiêu quan sát, cảm nhận, chuyện trò... rồi cũng phải hỏi anh Huỳnh Công Hải một câu rất thật: “Hỏi thật anh, Bản Giốc là thắng cảnh nổi tiếng, tiềm năng du lịch của khu vực này cũng không ít, nhưng khách lên đây hầu hết là thanh niên sinh viên đi “phượt”, họ không thể chọn cho mình một khu nghỉ cao cấp, trong khi đó khách quốc tế, khách trong nước có điều kiện có nhiều để lấp đầy số phòng kia? Liệu Sài Gòn - Bản Giốc có phải chịu lỗ?”. Hóa ra niềm băn khoăn của chúng tôi lại là điều mà anh Huỳnh Công Hải tính toán trong kế hoạch.
Theo anh Hải tính toán khoảng 10 năm nữa, Sài Gòn - Bản Giốc sẽ thu hồi hoàn toàn vốn đầu tư và có lãi. Khu nghỉ dưỡng chỉ mới đưa vào hoạt động chưa tới một năm, còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện nên chưa thể giới thiệu chào bán trên các trang mạng quốc tế. Cho dù chỉ mới đưa vào hoạt động nhưng công suất phòng ở đây trong mấy tháng qua vẫn đạt bình quân gần 23%. Khá nhiều dịp, khu nghỉ dưỡng kín hết số phòng.
“Chúng tôi đã khảo sát một số nhà dân và hướng đến làm thêm loại hình homestay, cho thuê xe máy, đáp ứng những nhu cầu khác. Hôm một đoàn khách Đức đến đây, họ đề nghị giá chúng tôi mở thêm loại hình leo núi, xung quanh nhiều núi non đẹp, hùng vĩ... Cạnh khu khu nghỉ dưỡng này có ngôi chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc được khánh thành cùng dịp với khu nghỉ dưỡng, khách đến đây vừa chiêm bái danh thắng vừa chiêm bái tâm linh…” - anh Hải bộc bạch.
Đêm đó, trong căn phòng tiện nghi của khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bản Giốc, chúng tôi không thể nào ngủ được. Không phải vì khó ngủ mà vì muốn để tất cả không gian yêu dấu biên ải này ngấm vào trong từng tế bào, da thịt. Càng về khuya, tiếng thác càng lay động, trăng biên ải càng vằng vặc. Trong tiếng thác ấy sẽ nghe vọng về tiếng của ông cha từ ngàn năm trước, tiếng trống trận, tiếng gươm khua, tiếng ngựa hí… Lịch sử gìn giữ cõi bờ nước Việt luôn là những trang sử bi tráng và bất khuất như thế, ông cha ngã xuống như thế, để có được cõi bờ non nước này, có được những danh thắng như Bản Giốc này…
Tiếng chuông âm vọng chủ quyền…
Để hình dung vẻ đẹp của “nước non Cao Bằng” có lẽ không có nơi nào hơn là đứng ở ngôi chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc để phóng tầm mắt ra xung quanh. Chùa được xây dựng trên sườn núi Phia Nhằm, thuộc bản Giốc, xã Đàm Thủy, cách thác Bản Giốc không xa.
Chùa được khởi công tháng 6-2013 với kinh phí đầu tư giai đoạn 1 gần 40 tỉ đồng và được khánh thành cùng ngày với khu resort Sài Gòn - Bản Giốc vào tháng 12-2014. Nếu du khách đến thác Bản Giốc để du lịch danh thắng thì viếng chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc chính là một hình thức du lịch tâm linh tôn giáo. Cả hai công trình cùng nằm ngay bên đường biên giới Việt - Trung, cùng nhìn xuống một vùng thác lịch sử của đất nước nên có ý nghĩa vô cùng đặc biệt để khu vực này trở thành vùng trọng điểm du lịch quốc gia.
Bản Giốc - nghe tiếng ông cha trong tiếng thác
Từ chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc nhìn xuống phong cảnh xã Đàm Thủy - Ảnh: NGỌC QUANG
Chúng tôi lên vãn cảnh chùa khi hoàng hôn đang buông xuống, non nước của biên ải hiện ra trong màu tím khói sương đầy huyễn hoặc. Sư thầy ra lầu Đại Hồng Chung và thỉnh chuông, tiếng chuông vọng từ vách núi này qua vách đá khác, ngân nga giữa thu không, vọng xuyên qua biên giới… Tiếng chuông chùa Việt từ bao đời nay mang cảm giác bình an cho non nước, và giờ đây tiếng chuông chùa Việt ở biên cương vừa mang lại vẻ bình an cho không gian trời đất vừa khiến lữ khách thấy tâm hồn an yên như ở giữa làng quê xóm mạc, dù đây là miền phên giậu cuối trời đất Việt…
Tiếng Quốc ca hòa trong tiếng thác
Bản Giốc - nghe tiếng ông cha trong tiếng thác
Lễ chào cờ của cán bộ nhân viên Sài Gòn - Bản Giốc resort - Ảnh: NGỌC QUANG
Đêm đầu tiên ngủ lại ở Sài Gòn - Bản Giốc, chúng tôi thấy trên chiếc bàn trong mỗi phòng ngủ của resort đều có một lá thư với nội dung đặc biệt. Nói “đặc biệt” bởi đã ngủ rất nhiều nơi chốn khách sạn trong nước cũng như nước ngoài, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhận được một lá thư có nội dung như thế: “Kính thưa quý khách, Sài Gòn - Bản Giốc resort được xây dựng tại vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc.
Ý thức được điều đó, đúng 7 giờ mỗi buổi sáng thứ hai hằng tuần, bài Quốc ca hào hùng lại vang lên trong lễ chào cờ với sự tham gia của ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty TNHH Sài Gòn - Bản Giốc nhằm thể hiện lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu Tổ quốc Việt Nam bất diệt. Buổi lễ sẽ trang trọng và thật sự có ý nghĩa hơn nếu có sự tham gia của quý khách...”. May mắn cho chúng tôi, hôm lên đây đúng vào chủ nhật nên có cơ hội tham gia lễ chào cờ vào sáng hôm sau, đúng vào thứ hai.
Buổi sáng ở rẻo cao biên ải không như miền xuôi, mây và sương vây quanh những sườn núi, nhưng không khí một tuần mới ở Sài Gòn - Bản Giốc resort đã xôn xao trên khoảng sân bên tỉnh lộ 206. Giám đốc Huỳnh Công Hải đã chỉnh tề cùng 40 nhân viên xếp đội hình trên thảm cỏ dưới cột cờ. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tiếng Quốc ca hòa vào tiếng thác đổ: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”. Tiếng Quốc ca vang lên trên miền biên ải, ở một nơi chốn từng được coi là “nhạy cảm” như Bản Giốc khiến lòng cứ rưng rưng! Cùng với những lần hát Quốc ca ở Trường Sa, ở DK1, ở cột mốc A Pa Chải - điểm cực Tây đất nước, lần này được hòa chung tiếng hát với những cán bộ - công nhân viên ở Sài Gòn - Bản Giốc resort sẽ là một ấn tượng khó quên trong cuộc đời chúng tôi.
Anh Huỳnh Công Hải cho biết kể từ dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9 vừa qua, công ty quyết định lễ chào cờ đầu tuần là hoạt động đều đặn khởi đầu mỗi tuần mới ở Sài Gòn - Bản Giốc resort. Nhiều du khách lên đây đúng dịp cuối tuần, nếu ở lại đến sáng thứ hai đều mong muốn được tham dự lễ chào cờ bên triền ngọn thác thiêng liêng như chúng tôi sáng nay!