Một trong những địa chỉ khi đến Hội An, du khách không thể bỏ qua là nhà thờ tộc Nguyễn Tường. Ngôi nhà nằm trong một con hẻm đường Nguyễn Thị Minh Khai. Đây cũng là nơi “sản sinh” ra nhóm Tự Lực Văn Đoàn và là nền móng cho nền văn học nước ta.
Nhà thờ có diện tích khoảng 50m2 nhưng trông rất vững chắc, bề thế. Hàng cột bằng gỗ lim đen bóng đỡ khung nhà gỗ xưa lợp mái ngói âm dương. Hai bộ cửa gỗ trước và sau theo kiểu “thượng song hạ bản”. Hai bên là hai bức tường gạch xây cao với họa tiết quả phật thủ, quả lựu như tượng trưng cho sự đông đúc, phồn thịnh. Dẫn lên nhà thờ là hai bậc tam cấp “nam tả, nữ hữu”, vào trong là hai câu liễn hai bên bàn thờ. Trình bày đúng theo phong cách của một gia đình Nho giáo. Ba bàn thờ được thắp đèn sáng choang, trên bàn thờ chính giữa nhà là chân dung cụ Nguyễn Tường Vân.
Theo tư liệu mà tôi đọc ở đây thì ngôi nhà này được xây vào năm 1806. Nghĩa là cách đây hơn 200 năm. Người tạo lập công trình này là Đinh quan Binh Bộ Thượng Thư Nhuận Trach Hầu Nguyễn Tường Vân. Cụ làm quan dưới triều Vua Gia Long. Ban đầu cụ có tên họ là Nguyễn văn Vân, về sau đổi thành Nguyễn Tường Vân.
Có một câu chuyện để giải thích nguồn gốc tên tộc Nguyễn Tường. Đó là một ngày nọ sau khi lên ngôi, Vua Gia Long vào đến Đà Nẵng. Khi đến một nơi, vua thấy có một ngọn núi liền hỏi: “Núi này có tên là gì ?”; cụ Vân trả lời: “Bẩm, núi có tên là Phước Tường”. Vua Gia Long liền nói: “Họ của ta là Nguyễn Phước, vậy họ của khanh là Nguyễn Tường”. Qua câu chuyện này chúng ta hiểu được mối liên hệ rất mật thiết giữ Vua Gia Long và cụ Nguyễn Tường Vân. Dưới triều Vua Gia Long, cụ giữ chức Binh Bộ Thượng Thư, như Bộ trưởng Quốc phòng bây giờ.
Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 thì ngôi nhà cụ tạo dựng vào năm 1806 tại Quảng Nam trên một vùng đất rộng lớn của Hội An. Vì vậy khu dân cư này cho đến nay vẫn còn tên gọi là xóm Dinh.
Người con trai trưởng của cụ Nguyễn Tường Vân là Nguyễn Tường Vĩnh. Ông Vĩnh ở đây (ngôi từ đường này) cho đến khi qua đời. Người con thứ là Nguyễn Tường Phổ đỗ tiến sĩ dưới thời Vua Thiệu Trị. Ông làm thọ giáo ở Quảng Nam rồi sau đó chuyển ra tỉnh Hải Dương làm đốc học (như giám đốc Sở Giáo dục bây giờ). Đến đời tiếp theo là cụ Nguyễn Tường Tiếp, làm tri huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) gọi là Huyện Giám, rồi về hưu tại đây. Cụ có người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Nhu làm Thông phán, nên được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. Ông Nhu mất năm 1918 khi mới 37 tuổi. Ông lập gia đình với bà Lê Thị Sâm và có được 7 người con, gồm: Nguyễn Tường Thụy (Tổng giám đốc bưu điện); Nguyễn Tường Cẩm (kỹ sư canh nông, giám đốc báo Ngày Nay); Nguyễn Tường Tam (tức nhà văn Nhất Linh); Nguyễn Tường Long (tức nhà văn Hoàng Đạo); Nguyễn Thị Thế; Nguyễn Tường Lân (Vinh, tức nhà văn Thạch Lam) và Nguyễn Tường Bách (bác sĩ).
Điều đáng khâm phục là trải qua hàng trăm năm với biết bao biến cố như chiến tranh, thiên tai, lũ lụt. Vậy mà gia đình tộc Nguyễn Tường vẫn còn giữ được các chiếu chỉ, sắc phong của các Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái gần như còn nguyên vẹn.
Những tủ sách đựng các tác phẩm văn học của nhóm Tự Lực văn đoàn. Tiểu thuyết của Nhất Linh, Thạch Lam và Hoàng Đạo đều có đầy đủ (tuy nhiên báo Phong Hóa, tờ báo mà Nhất Linh làm chủ bút thì tôi tìm mãi vẫn chưa thấy).
Trên tường có môt bức tranh sơn dầu do chính ông Nguyễn Tường Tam vẽ khi còn học ở Trường Mỹ Thuật Đông Dương (năm 1924). Ngoài ra những dụng cụ sinh hoạt trong gia đình ngày xưa như bàn ghế, ấm chén, ly tách, bát đĩa, máy hát (quay đĩa) vẫn còn lưu giữ.
Trong quá trình tham quan nhà cổ tộc Nguyễn Tường, tôi được người trông coi ngôi nhà cho xem 11 sắc phong của các vua nhà Nguyễn ban cho các thành viên trong gia tộc, gồm các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái. Nhờ vậy mà tôi biết rõ thêm thân thế của các cụ tiền bối tộc Nguyễn Tường.
Có lẽ xưa nhất là sắc phong của Vua Gia Long thứ 9 (ngày 20/3/1808) có đoạn: “Chiếu cho thiêm sự bộ Hộ là Nguyễn Tường Vân nay chuẩn ban Ký lục trấn Bình Thuận tước Nhuận Trạch Hầu. Phàm mọi công việc của binh dân trong trấn như kiện tụng, tiền lương, thuế má, hợp sức với lưu thủ cai bạ bàn bạc thi hành... Phải giữ tâm cho trong sạch, thận trọng, làm việc công binh khiến trộm cướp dẹp yên, nhân dân yên ổn để xứng đáng với sự ủy thác”.
Bàn ghế, ấm chén, ly tách, bát đĩa, máy hát (quay đĩa) vẫn còn lưu giữ
Sắc phong của Vua Thiệu Trị thứ nhất (ngày 12/11/1841) có đoạn: “Nay xét Lại Bộ Thanh Lại ti viên ngoại lung xung Cơ mật viện Hành tẩu Nguyễn Tường Vĩnh, văn học đủ coi, tài năng đúng chọn, có đạo đức, rõ việc làm, có tiết tháo, phương lược thích nghi, rằng thận trọng, rằng cần mẫn, khuyên răng đúng mực... nay đặc cách phong làm Triều liệt đại phu Hàn lâm viện thị giảng học sĩ”.
Đặc biệt có một sắc phong của Vua Minh Mạng có nói tới quê quán của cụ Nguyễn Tường Vĩnh, con trai cụ Nguyễn Tường Vân: “Chiếu cho Phó bảng khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838) Nguyễn Tường Vĩnh quê xã Cẩm Phô, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, học thuật khá rộng, tên đứng Phó bảng, chuẩn cho ngươi nhận chức Hàn Lâm viện kiêm thảo tòng cai quản viện”.
Bàn ghế, ấm chén, ly tách, bát đĩa, máy hát (quay đĩa) vẫn còn lưu giữ
Qua các sắc phong này mà chúng ta biết thêm rất nhiều điều. Từ cụ Nguyễn Tường Vân cho đến các đời con, đời cháu của cụ luôn một mực trung thành với triều đình. Vì vậy qua các triều Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái đã giữ những chức vụ quan trọng giúp giữ nước, an dân. Được vua khen ngợi về tài, đức, trong đó đề cao học thuật của các vị, phong những chức vụ liên quan đến Hàn Lâm Viện (Hàn Lâm nghĩa là rừng chữ, tức là nơi nghiên cứu về văn hóa). Nhờ đó, xác định được quê quán của các cụ là xã Cẩm Phô, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn.
Bàn ghế, ấm chén, ly tách, bát đĩa, máy hát (quay đĩa) vẫn còn lưu giữ
Một số sắc phong của các Vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái ban cho các thành viên tộc Nguyễn Tường vẫn còn được giữ nguyên vẹn
Đến đây xin được bàn luận một chút về phủ Điện Bàn xưa. Ngày xưa dưới thời các Vua Nguyễn thì phủ Điện Bàn rất rộng. Bao gồm toàn bộ diện tích huyện Điện Bàn bây giờ, một phần huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) và luôn cả TP Hội An bây giờ. Ngay địa danh Triêm Trung Hạ cũng đã gợi ý cho biết đó là một phần đất thuộc xã Điện Phương. Bây giờ xã Điện Phương vẫn còn các thôn như: Triêm Trung, Triêm Nam, Triêm Đông và Triêm Tây (bên kia sông, giáp giới với xã Cẩm Kiêm, TP Hội An).
Trong thực tế từ xã Điện Phương đến Hội An rất gần, nhất là ngày xưa phương tiện đi lại là thuyền bè. Vì vậy không lạ gì các giáo sĩ truyền đạo từ đầu thế kỷ 17 khi đến xứ Đàng Trong ở thương cảng Hội An lại không ở đó mà lại về Dinh Trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương) xin cư ngụ, truyền đạo ở đó và bắt đầu phát minh ra tiếng Việt (tự điển Việt La Bồ do Alexander De Rhodes biên soạn) về sau trở thành chữ Quốc Ngữ.
Nếu phân tích như vậy thì phủ Điện Bàn thật vinh dự vì đã đã trở thành một nơi có 2 cái nôi: nôi phát sinh ra tiếng Việt và cái nôi của nền văn học Việt Nam (qua khởi xướng Tự Lực Văn Đoàn của 3 anh em họ Nguyễn Tường là Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Tường Long).
Đến thăm ngôi nhà cổ của Tộc Nguyễn Tường ở Hội An tôi thật kính phục, ngưỡng mộ và qua đó mới thấy được cả một gia tộc có bề dày về văn hóa, tri thức kéo dài hơn trăm năm. Vì thế không lạ gì các đời sau đã “phát tích” nên các nhà văn lớn, khai sáng nền văn học nước ta.
Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần vinh danh họ. Cụ thể là ở TP Hội An và huyện Điện Bàn hôm nay cần đặt những tên đường như: Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo. Bởi công lao khai sáng nền văn học Việt Nam từ nhóm Tự Lực Văn Đoàn năm 1934 là không hề nhỏ. Trong lúc những thành viên khác cộng tác cho nhóm này như: Xuân Diệu, Thế Lữ, Huy Cận, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan... cũng đều đã được đặt tên đường từ lâu rồi.