Đoan môn là một trong năm công trình trên mặt đất của Hoàng thành còn được lưu giữ cho đến hôm nay. Đây là cổng thành phía Nam của Cấm thành, mở ra Hoàng thành, là nơi qua lại của nhà vua, người thân của vua, các quan lại mỗi khi vào chầu vua...
Đoan môn gồm năm cửa - trong đó có một cửa chính, hai cửa phụ, hai cửa ngách - và ba tầng lầu. Ngay tại khu vực Đoan môn, giới khảo cổ Việt Nam mới phát hiện con đường “thần đạo” nối giữa công trình này với điện Kính Thiên và Kỳ đài. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công trình này trong hệ thống kiến trúc Hoàng thành xưa...
Đoan môn có ba tầng. Tầng một là năm cửa thành. Cửa chính giữa dành cho vua, các cửa bên dành cho các quan. Phía trên cổng chính từ ngoài có tấm bảng bằng đá ghi hai chữ Hán: “Đoan môn”. Tấm bảng đá này có từ thời Lý.
Mặt trong Đoan môn được thiết kế hình chữ U. “Trục thần đạo” đi qua cửa chính, hai cửa phụ và hai cửa ngách hình chữ L đối xứng hai bên.
Tầng lầu thứ hai có hệ thống cửa phía trong và phía ngoài phong phú, chia tầng lầu thành nhiều khoang nhỏ. Trước đây, tầng lầu này có mái xếp chéo rất duyên dáng, làm nổi bật hai tầng mái cong bên trên. Tầng lầu thứ hai có khuôn viên rất rộng hai bên, được trang trí bằng những ô đất trồng thảm cỏ, cây xanh...Thậm chí, cả những cây hoa đại cổ thụ cũng xuất hiện trên tầng lầu thứ hai. Điều này cho thấy bề mặt thành được gia cố hết sức công phu.
Đoan Môn