Một chút kỹ thuật để “gia vị” vào một chuyến thăm thú hai vùng biển đẹp tuyệt của đất nước, Vũng Rô và vịnh Văn Phong. Mũi Điện, mũi Đôi, hai “ứng viên” cho chức danh cực đông, nơi “đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền tổ quốc”, xứng đáng cho một hành trình khám phá và thưởng ngoạn…
Ánh bình minh đầu tiên trên đất liền
Eo biển xanh mũi Điện
Khác với các “địa cực” còn lại, điểm cực đông là sự tranh cãi của rất nhiều tài liệu về mũi Điện (mũi Đại Lãnh) của Phú Yên và mũi Đôi của Khánh Hòa. Cách tốt nhất, cũng tương đối đơn giản, là đến cả hai địa điểm kể trên, dùng máy định vị vệ tinh GPS để “chấm” tọa độ, so sánh.
Một chút háo hức làm quên đi những mệt mỏi của chuyến tàu đêm Sài Gòn - Nha Trang. Sáng sớm, sau màn điểm tâm bún sứa đặc sản, cả đoàn khởi hành đi mũi Đại Lãnh. Nhóm “chấm điểm” tọa độ cực đông lần đầu tiên này bao gồm các nhân viên, lãnh đạo công ty Vietmark và phóng viên một số báo đài của TP.HCM.
Vũng Rô, vùng biển mà biết bao du khách khi đi ngang qua đèo Cả đều không cầm lòng để không chồm qua cửa kính xe thưởng ngoạn. Con đường vòng theo mé biển với những làng chài lam lũ. Xe dừng lại ở một ngã ba, cả đoàn lục tục kéo xuống đi vào những đồi cát. Một con suối nước ngọt dẫn đường vào mé biển.
Biển Bãi Môn bất chợt xuất hiện ngay trước mặt. Nước trong vắt, xanh như ngọc bích, sóng lăn tăn vờn trên bãi cát. Đứng trên những bậc tam cấp đã hoang phế của con đường dẫn lên ngọn hải đăng Đại Lãnh mà nhìn xuống, Bãi Môn đẹp như một “eo biển xanh”. Cảnh trí xung quanh từ tầm nhìn hải đăng đủ sức tranh vương tranh bá với bất kỳ thắng cảnh biển nào của đất nước.
Mũi Đại Lãnh hay mũi Điện, mũi Khe Gà, thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Tên quốc tế là mũi Varella, theo tên của vị kỹ sư người Pháp xây dựng hải đăng nơi đây. Sau một cây số rưỡi mướt mồ hôi leo lên đỉnh, cả đoàn tập hợp lại tại mốc tọa độ cơ sở biển của hải đăng và đo tọa độ. Chiếc GPS hiệu Garmin của anh Trương Hoàng Phương, giám đốc tiếp thị Vietmark, mang theo cho ra tọa độ là E 109027'704 kinh độ, N 12053’682 vĩ độ.
Trạm trưởng hải đăng Nguyễn Ngọc Thắng khẳng định mũi Điện chính là điểm cực đông đất liền tổ quốc. Nhiều tài liệu thời gian gần đây nghiêng về nhận định của anh Thắng. Anh Phương cũng cho biết là Saigontourist đang dự định xây dựng một khu du lịch ở khu vực này để du khách có thể ngắm những tia nắng bình minh đầu tiên…
Bất ngờ mũi Đôi
Lộ trình từ Đầm Môn ra mũi Đôi được khéo léo chia làm hai chặng, một là lội bộ băng qua “sa mạc”, hai là đi tàu theo ven biển. Địa hình đồi cát của vịnh Văn Phong không đơn điệu chút nào. Có những con suối, những trảng cỏ, ốc đảo xanh, có cả mai rừng lấm chấm hoa và tiếng hót trong vắt của những chú chim sơn ca…
Đường đến Mũi Đôi
Bốn cây số rưỡi lội bộ trên cát, qua hai con dốc cao như một quả núi. Khi những chai nước mang theo vừa cạn thì cả đoàn cũng vừa tới bãi Na. Con tàu của công ty du lịch Văn Phong mang cả đoàn đến bãi Rạn, một bãi biển mà san hô lan đến tận bờ. Một đêm mà bãi Rạn hoang sơ mất đi vẻ “trinh nguyên” khi có một đoàn khách đầu tiên lửa trại vui chơi ca hát thâu đêm để chờ ánh bình minh lên. Ngay khi vừa mới đến bãi Rạn, anh Phương đã lấy máy GPS và bấm thử tọa độ. “Có lẽ sẽ có bất ngờ ngày mai”, anh nói.
Một đêm khó quên đối với mọi người trong đoàn. Cái “gia đình Robinson” ấy người thì dựng lều, kẻ đi kiếm củi, người làm gà, làm cá, người nấu cơm, nướng mồi… Ánh lửa bập bùng soi rọi một bữa cơm dã chiến, những chén rượu đế xoay vòng cùng những màn văn nghệ văn gừng đầy ngẫu hứng…
Sáng sớm, sau “nghi lễ” chụp ảnh quay phim cảnh đón ánh bình minh được “dự kiến” là đầu tiên của đất liền đất nước, cả đoàn lặn lội men theo các vách đá đến mũi Đôi gần đấy để “tái xác định”. Những vách đá cheo leo, vất vả và nguy hiểm cho người leo đến mức có người phải hối hận vì đã lỡ đi theo đoàn.
Lúc 8g sáng ngày 25-5-2008, tại một tảng đá bằng phẳng cách cái mỏm nhọn như sừng tê giác của mũi Đôi vài chục mét, chiếc GPS của anh Phương chấm ra tọa độ là E 109027’899’’ kinh độ, N 12038’941’’ vĩ độ. Cực đông đây rồi, là mũi Đôi của xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa! Đây cũng là sự khẳng định của người Pháp trước đây, thời chưa có máy GPS. Cả sách giáo khoa của ta cũng khẳng định điểm “rìa đông bán đảo hòn Gốm” này là điểm cực đông chứ không như nhiều tài liệu gần đây đã đề cập.
TTO