Người ta thường chọn những điểm đến mơ ước cho riêng mình. Hồi nhỏ, tôi mê nước Anh. Chẳng có một lý do cụ thể. Đơn thuần như một kiểu “cliché” của trẻ con. “Mày muốn đi đâu nhất?” “Tao muốn đến nước Anh!”Bây giờ gần 30 tuổi đầu, tôi vẫn chưa đến được nhiều nơi. Trong danh sách đó, có nước Anh. Visa của nước Anh nổi tiếng xin khó. Bạn bè mời gọi nhưng nơi chốn ước mơ ấy tôi vẫn chưa từng đặt chân tới. Bài học đầu tiên: đừng tưởng mơ mộng từ thời tấm bé mà đã đủ!
Khi có được cuốn hộ chiếu trong tay, như rất nhiều người Việt Nam khác, Bangkok là điểm đến đầu tiên. Đơn giản vì không cần đến đại sứ quán xin visa, ta nghiễm nhiên đặt vé là bay. Trong danh sách này, tôi cũng đã hớn hở đi một loạt các đảo, các địa danh tại Singapore, Malaysia... Những chuyến đi này ít khi thay đổi cuộc đời tôi, chỉ thay đổi khả năng tiêu tiền và mua sắm của tôi.
Quay lại chuyện chính, những lần đi gần mà vẫn cần visa, tôi đã đi Quảng Châu, Thượng Hải, Đài Loan và Hong Kong. Tuyệt đối không có liên quan gì đến nỗ lực của bản thân – tôi đi công tác. Đương nhiên là công ty liên quan khác xin hộ visa. Đôi khi tự nói với mình – có những thứ siêu khó – như chuyện tôi tự đi xin được visa chẳng hạn. Nhưng có những thứ siêu dễ, bạn chỉ cần có một vài hệ thống hỗ trợ – như một chị làm hành chính của cơ quan, là đâu vào đó.
Không phải tự dưng tôi sợ việc đến đại sứ quán. Khi mới 22 tuổi, tôi quyết định đi Mỹ, thăm nhà người yêu. Anh nói: Em cần phải đến Mỹ, không phải vì hay hơn, mà để nhìn thấy điều khác biệt. Tôi chần chừ mãi rồi cuối cùng gật đầu cái rụp, vì được anh hứa hẹn cho đi một chuyến road-trip kéo dài một tháng – tức là cứ trèo lên ôtô, đi một tháng mới về. Tôi chuẩn bị giấy tờ, đăng ký một khoá học một trường bên Mỹ, chụp ảnh và đối mặt với nỗi sợ của tất cả mọi người – đại sứ quán Mỹ. Lúc bấy giờ, ai ai cũng nói, đi Mỹ cực kỳ khó. Nhân viên đại sứ quán – một phụ nữ Việt kiều hơn ba mươi tuổi – nhìn tôi với ánh mắt sắc lạnh, như muốn nói ngay từ ánh nhìn đầu tiên: cô còn quá trẻ, chưa có chồng, không gì ràng buộc, được bảo lãnh bởi một ông già người Mỹ (bố bạn trai tôi), kiểu gì cô chẳng tìm cách ở lại?! Thế nên câu hỏi phỏng vấn tôi nhận được là: Theo cô, tại sao có nhiều người Việt ở lại Mỹ thế? Tôi cũng suy nghĩ đôi chút, rồi cân nhắc trả lời: Tôi không biết, mỗi người có một lý do. Có lẽ những người đó cho rằng Mỹ là một cuộc sống tốt đẹp hơn? Hỏi tiếp: Thế chẳng lẽ cô lại không muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn sao? Tôi rùng mình im lặng, thừa hiểu rằng mình đã rơi tụt xuống một bẫy đã được giăng sẵn. Phần còn lại giữa chúng tôi chỉ là thủ tục.
Kể cả khi người phụ nữ này nói rằng sẽ không cấp visa, tôi vẫn như đang lơ lửng, ngô nghê hỏi tiếp: Vậy lần tiếp theo, còn giấy tờ gì tôi cần bổ sung?
Trả lời: Cô không hiểu sao? Cô chẳng thiếu giấy tờ gì cả!
Đó là câu chuyện của sáu năm trước. Tôi thề là sẽ không bao giờ quay lại đại sứ quán Mỹ và nghĩ đến chuyện đến Mỹ nữa. Hoặc giả tất cả các nước cần lấy visa. Nếu không có một người trợ giúp. Suốt sáu năm, dù có rất nhiều cơ hội, nhưng tôi chưa từng nghĩ đến chuyện đối mặt với nó. Nước Mỹ trong tôi dừng lại ở đó – ở cánh cửa đại sứ quán.
Khi tôi nói mơ hồ về chuyện mùa thu năm nay sẽ đến New York với bạn bè, cũng chỉ như sáng dậy người ta thuật lại một giấc mơ. Tôi nghĩ mình lấy đà đủ lâu, giờ đã đến lúc. Nhưng cú nhảy này bắt đầu thật buồn cười, nhân dịp cả đám bạn rủ nhau đi chụp ảnh thẻ, người thì phải đi Nhật, người thì đi châu Âu, tôi a dua đi cùng. Có file ảnh trong tay, tôi mới biết chuyện chỉ cần nộp hồ sơ xin visa trên mạng, không cần lịch kịch chạy lấy form và ngồi đợi mòn mỏi như thời gian trước. Đến khi có được ngày hẹn phỏng vấn, là 10 giờ rưỡi sáng tám ngày sau đó, tôi vẫn không tin vào mắt mình. Mấy ngày dồn dập tôi lo chuyển tiền vào ngân hàng, vẫn rùng mình nghĩ đến cảnh mình đối mặt với người phỏng vấn. Buổi sáng hôm đó, tôi dậy sớm và uống liền hai ly càphê. Thấy một chị bạn đã từng đi Mỹ online, tôi chào hỏi, mong một niềm động viên theo kiểu: người ta sẽ cho em đi ấy mà! Trò chuyện với chị vài câu, tôi mới té ngửa: tôi chưa hề được gửi xác nhận về cuộc hẹn sáng nay. Đã hơn 11 giờ, hệ thống website của đại sứ quán vẫn gửi cho tôi thông báo rằng mã số của tôi đang có cuộc hẹn lúc 10 giờ rưỡi. Một cuộc hẹn không được xác nhận.
Vào lúc này, khi đang ngồi và mơ mộng về hành trình lá vàng rụng đẹp như mơ tại công viên trung tâm New York, tôi gần như quên mất chuyện trục trặc của “buổi sáng định mệnh”. Lúc ấy chỉ còn biết ngồi thừ ra, nhìn thời gian trôi qua vô nghĩa. Rồi quyết tâm hành động, hì hục đổi mã số hồ sơ, in lại các văn bản... Rồi lại nghĩ đến chuyện từ bỏ. Đúng lúc này, tôi có được lời xác nhận một cuộc hẹn phỏng vấn 11 ngày tiếp theo nữa. Tôi thở hắt ra vì mừng. Rồi lại giật mình nhận ra, mình còn vẫn chưa đi được nửa quãng đường. Cửa ải vất vả nhất vẫn là lúc phỏng vấn.
Khi ngồi đợi đến số của mình được gọi ở đại sứ quán, tôi mặc một chiếc áo kẻ và quần màu hồng, đi giày bốt màu nâu. Tôi nhớ như in, vì lúc ấy, nhìn chằm chằm vào quần áo mình là việc duy nhất giúp tôi giữ bình tĩnh. Lần lượt những người bị từ chối cấp visa thất thểu bước ra, khuôn mặt y như tôi sáu năm trước, nửa thất vọng, nửa hoang mang, nửa như lạc đường. Khi được hỏi câu: “Bạn có dự định lấy chồng ở Mỹ không?” tôi đã không kịp giữ mình khỏi bật cười to. Bạn biết đấy, người Mỹ luôn hỏi những câu đại loại như: Liệu bạn có phải là thành viên của một tổ chức khủng bố không? Bạn có ý định đánh bom nước Mỹ không? Và mong một kẻ khủng bố sẽ thành thật trả lời? “Đúng vậy, tôi định làm một đám cưới giả với một người đàn ông trung niên bụng phệ da trắng để có thẻ xanh ở lại!” – tất nhiên tôi không dại gì trả lời như vậy, dù trong bụng, tôi rất muốn một lần trong đời thử trả lời như vậy, chỉ để biết phản ứng của người được hỏi. Tôi cá hai vị hành khách bị hãng hàng không nội địa cấm bay vì doạ có bom, đã từng thử y chang và đã... thất bại khá thê thảm.
Khi ra khỏi đại sứ quán, tôi không bước đi, mà lơ lửng như bay. Thậm chí tôi nghĩ mình chẳng cần đến Mỹ làm gì sau đây nữa. Việc có được thị thực đi Mỹ – trở thành niềm vui choáng ngợp và đền đáp cho cả sáu năm qua – tôi thực lòng có cảm giác như vậy. Chuyến đi đến New York, San Francisco và D.C của tôi hơn một tháng sau đó rất tuyệt. Nhưng không làm tôi vui bằng lúc nhận được visa. Dù chỉ là ba tháng và chỉ được vào Mỹ một lần đơn lẻ.
Khi ở sân bay JFK, New York, nhân viên hải quan hỏi tôi: Sao mày nói tiếng Anh giỏi thế?
Trả lời: Tao xem nhiều phim Mỹ quá!
“Cộp” – cô này cười ngất và đóng cho tôi một con dấu với thời hạn dài ngoại lệ: được ở lại Mỹ tận ngày cuối cùng của năm 2013.
Giờ thì tôi không tính chuyện đi chơi loanh quanh gần gần nữa. Tôi muốn đi xa hơn, lâu hơn. Giống như chiếc xe đồ chơi đã được lên dây cót, giờ là lúc lao đi. Thử sờ tay phía sau lưng nhé, biết đâu bạn đã có một cái cót chỉ đợi vặn dây, cho một việc nào đó mà bạn đã luôn luôn nghĩ tới.
Thuỳ Minh, ảnh: Zhivago