Ra mắt Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, ra mắt Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào và đưa những nơi này trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đó là hai thành tựu lớn nhất trong công tác bảo tồn biển mà Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) làm được trong năm 2008.
Quan trọng hơn, đằng sau hai sự kiện này là cả một ý thức hệ đã được thay đổi, đa dạng sinh học biển ở những nơi này được thực sự bảo vệ do ý thức của người dân, còn dân cư sinh sống ở đây đang bắt đầu có nguồn thu từ những tài nguyên mà họ đang giữ gìn.
Đây là những đánh giá được rút ra từ hai buổi hội thảo và tổng kết hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, phát triển du lịch sinh thái và phát triển cộng đồng của MCD cuối tuần qua tại Hà Nội.
Những sinh kế mới
Tour du lịch sinh thái ăn, ở
cùng với người dân tại Giao Xuân.
Đối với công tác bảo tồn môi trường biển, việc tìm ra những sinh kế mới cho cư dân bản địa vô cùng quan trọng. Bởi vì chỉ khi có thu nhập ổn định, tài nguyên mới không bị khai thác theo kiểu tận diệt, ý thức bảo vệ của người dân mới được cải thiện.
Một trong những sinh kế mới hiện đang được MCD áp dụng thành công tại một số vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và miền trung là du lịch sinh thái. Ở Giao Xuân (Xuân Thuỷ, Nam Định), các tour du lịch sinh thái đi thăm vườn quốc gia Xuân Thuỷ, làng chài, làng nghề và tuyến đê biển… hiện đã đi vào ổn định, bắt đầu thu hút hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước.
Mô hình du lịch sinh thái ở đây đã thực sự tạo được sự liên kết, gắn bó quyền lợi của người dân với môi trường thiên nhiên, giống như xây dựng được thêm một hàng rào vô hình bảo vệ môi trường cho khu vực đất ngập nước này. Nhiều người trước đây sinh sống bằng nghề săn chim, khai thác thuỷ sản đều chuyển sang làm du lịch, hoặc tham gia vào đội bảo vệ chim rừng cho vườn quốc gia… Những kinh nghiệm từ mô hình này đã được đúc kết lại và chia sẻ với các khu dự trữ sinh quyển khác thông qua một số cuộc họp tại Hàn Quốc, Hà Lan…
Tiếp nối thành công ở Giao Xuân, mô hình du lịch sinh thái tiếp tục được đưa vào áp dụng tại Khu bảo vệ sinh thái biển Rạn Trào (Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hoà). Rạn Trào là rạn san hô có diện tích khoảng 25ha, cách thành phố Nha Trang chừng 60km. Đây là khu sinh thái biển đầu tiên do chính người dân quản lý, với một nhóm hạt nhân gồm khoảng 9 người, vừa có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ Rạn Trào, vừa hướng dẫn người dân các kỹ thuật nuôi vẹm xanh và hải sâm xen lẫn tôm hùm theo hướng không gây ô nhiễm môi trường.
Chị Hồ Yến Thu, Phó Giám đốc MCD cho biết: “Trước đây, các phương pháp khai thác thuỷ sản quá mức đã làm suy giảm một số nguồn lợi, nhiều rạn san hô đã bị phá huỷ. Sau một thời gian dự án của MCD đến với bà con, bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, việc đưa du lịch trở thành ngành nghề mới cho thu nhập ổn định đã khiến người dân hiểu ra và có ý thức bảo vệ Rạn Trào”
“Hiện nay, cư dân Rạn Trào đã tự xây dựng những chòi bảo vệ ngoài biển, hàng ngày có thuyền đi tuần tra, canh gác trong khu vực. Điều đáng nói là người dân hoàn toàn tự giác, mặc dù dự án khai thác du lịch sinh thái vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm, sơ khai, và những công việc canh gác, tuần tra đều không có thù lao”.
Chị Yến Thu cũng cho biết, Rạn Trào là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, cả về văn hoá và thiên nhiên, vì vậy việc phát triển mô hình du lịch sinh thái ở đây thuận lợi hơn nhiều so với khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, MCD đang bắt đầu đưa vào các tour thử nghiệm tại Rạn Trào, trước hết là tour ngắm san hô... Những nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học ở khu vực này đang đem lại các kết quả đầu tiên: số loài tôm cá đến nay đã tăng lên gấp đôi so với 300 loài từ thống kê năm 2001, hơn 200 cụm san hô được chiết ghép đã phát triển rất tốt trong môi trường tự nhiên.
Ngoài du lịch sinh thái, một số nghề nuôi trồng thuỷ sản cũng đã được MCD đưa vào ứng dụng cho người dân vùng biển, như nuôi ngao, vạng… ở Giao Xuân, nuôi tôm hùm, vẹm xanh… ở Rạn Trào. Nghề nuôi thuỷ sản tại những nơi này đang đi vào ổn định và cho thu nhập khá đều, tạo kế sinh nhai cho dân. Ngoài ra, một số nghề khác như nuôi dế cơm, nuôi dông, dệt chiếu… cũng đang được khôi phục và phổ biến tại Giao Xuân, Nam Phú (Thái Bình) và Vạn Hưng.
Những bài học kinh nghiệm
Đại diện cho người dân ở Giao Xuân, Nam Phú và Vạn Hưng chia sẻ kinh nghiệm tại buổi hội thảo.
Qua quá trình thực hiện các dự án du lịch sinh thái ở Giao Xuân và Rạn Trào, một trong những hạn chế cần khắc phục là chưa có nhiều cơ hội cho người dân chia sẻ trực tiếp ý kiến về những việc họ đang làm, cũng như chưa nâng cao vai trò chủ động.
Trong nhóm nghề nuôi trồng thuỷ sản quy mô nhỏ hiện đang được áp dụng ở Giao Xuân và Vạn Hưng, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ dự án là những người dân nghèo vẫn chưa nhiều.
Ở Rạn Trào, việc thiếu hụt lực lượng làm du lịch chuyên nghiệp, phương tiện chuyên chở khách du lịch đủ tiêu chuẩn đang là khó khăn lớn nhất cho phát triển du lịch nơi đây. Bên cạnh đó, những trở ngại về thủ tục giấy tờ cho khách du lịch nước ngoài ra thăm Rạn Trào do khu vực này liên quan đến biên giới trên biển cũng đang khiến các nhà làm du lịch ở MCD đau đầu tìm cách tháo gỡ.
Việc quảng bá chưa sâu rộng cũng là lý do khiến các điểm du lịch sinh thái mới này chưa lọt vào tầm ngắm của số đông du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, đối tượng rất ưa chuộng loại hình du lịch sinh thái.
Những kinh nghiệm sau bốn năm làm du lịch sinh thái ở Giao Xuân đang được MCD tổng kết để tiếp tục áp dụng ở Rạn Trào, và mở rộng ra tại một điểm mới, là Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận).
TUYẾT LOAN - Báo Nhân Dân