VOV.VN -Có thể khẳng định rằng, rất ít người, cơ quan, doanh nghiệp ở Việt Nam mang “tư duy du lịch” thật sự, để du lịch phát triển.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2015, Việt Nam đặt ra mục tiêu đón 7 - 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36 - 37 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD. Năm 2020 sẽ là 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD. Làm gì để đạt được những mục tiêu không dễ dàng này?
Nếu chỉ nhìn vào con số thống kê lượt du khách vào Việt Nam, có thể nghĩ rằng, ngành Du lịch Việt Nam vẫn đang phát triển tốt, vì tính đến hết 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã đón hơn 4 triệu lượt khách quốc tế, cho dù tháng 5 và tháng 6 có những bất ổn trên Biển Đông và tình trạng manh động ở một số nơi. Điều đó cho thấy, công tác quảng bá cho du lịch Việt Nam tương đối hiệu quả. Thế nhưng, một con số thống kê khác lại cho thấy thực trạng đáng báo động, khi 85% du khách không muốn quay trở lại Việt Nam, mặc dù khi mới đến, họ đều thán phục trước các thắng cảnh của Việt Nam, ít nơi nào có được. Thực trạng này được cảnh báo từ nhiều năm trước, nhưng không có giải pháp khắc phục, mà mỗi năm một tệ hơn. Vì sao vậy?
Khách du lịch đến Việt Nam (ảnh: hanoitourism.gov.vn)
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới du khách nước ngoài không muốn quay lại Việt Nam, và ngay cả du khách trong nước cũng dần xa lánh một số điểm đến đã từng rất hấp dẫn với họ, như đầu tư cho du lịch còn yếu, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, hạ tầng kém, phong cách phục vụ chưa tốt…
Nhưng tựu chung lại, “thủ phạm” đứng đằng sau thực trạng du lịch Việt Nam hiện nay vẫn là tư duy du lịch. Có thể khẳng định rằng, rất ít người, rất ít cơ quan, doanh nghiệp ở Việt Nam mang “tư duy du lịch” thật sự, tư duy du lịch theo hướng nhìn thấy được những việc mình cần làm để du lịch phát triển. Số đông vẫn chỉ coi du lịch là một ngành kinh tế không cần đầu tư vẫn có lợi nhuận, bởi vậy, các địa điểm du lịch ít được quan tâm đầu tư, không những thế còn bị phá hủy, bị bê tông hóa, cơ giới hóa mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.
Những việc làm như bê tông hóa và dựng hàng rào xung quanh “mỏm đá huyền thoại” trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang; đỉnh đèo Khau Phạ nhìn xuống Tú Lệ hay dự án xây dựng tuyến cáp treo lên “nóc nhà của Đông Dương” Phanipang có thể gọi một cách thẳng thắn là những hành vi “giết chết du lịch” chứ không phải đầu tư cho phát triển du lịch. Nếu có cáp treo, liệu những tour du lịch mạo hiểm khám phá Phanxipang còn có sức hút gì nữa? Còn ai muốn tự tổ chức tour lên đỉnh Mã Pì Lèng, Khau Phạ để nhìn những lan can thép và đám cột bê tông?
Ở khía cạnh dịch vụ, tư duy làm du lịch theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” càng bộc lộ rõ hơn. Dù hành vi niêm yết 2 giá bị cấm, nhưng rất hiếm khi các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc niêm yết giá, nên ở những điểm du lịch có đông du khách nước ngoài vẫn xảy ra tình trạng giá bán vé dịch vụ, giá cho thuê phòng khách sạn đối với người Việt Nam và người nước ngoài chênh lệch theo hướng khách nước ngoài phải chịu mức giá cao hơn. Bên cạnh đó, tình trạng chèo kéo, nài ép du khách mua hàng, dọa dẫm, bắt chẹt khách diễn ra ở nhiều nơi, với cả du khách trong nước và du khách nước ngoài. Điều đáng nói là tình trạng này xảy ra ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, chỉ giảm khi chính quyền địa phương quyết liệt xử lý. Nhưng thực tế, nhiều địa phương không thực sự quan tâm đến việc củng cố hình ảnh của địa phương mình nên không mạnh dạn và không thực sự nỗ lực xử lý tình trạng chặt chém, chèn ép du khách.
Tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa và hội thảo Phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với Đại ngàn Tây Nguyên mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, không chỉ những người làm trong ngành Du lịch mà cần vận động cả người dân.
Phó Thủ tướng nói: “Độc lập, chủ quyền bị đe dọa càng cho thấy không có cách nào khác là phải giàu mạnh lên. Tiềm lực mạnh thì giữ nước chắc hơn. Muốn giàu mạnh thì tất cả mọi người đều phải cố vượt lên chính mình. Từ việc lớn đến việc nhỏ. Ra đường từ ăn mặc, tới thái độ… Thay vì cau có, cẩu thả… thì bây giờ hãy nở nụ cười. Mỗi người hãy cho du lịch nụ cười!” Nụ cười ấy, trước hết, cần được hiện lên trên khuôn mặt của những người tiếp xúc đầu tiên với du khách như an ninh hàng không, hải quan... để Việt Nam thực sự là điểm đến thân thiện, ấm áp./.
Thu Thùy/VOV1