Quanh đi quẩn lại chỉ vài tour du lịch cũ, sản phẩm đặc trưng nhiều khi lại là “made in China”, du lịch Việt đang thiếu những sản phẩm thực sự ấn tượng và thuần Việt để hút khách.LTS: Sau khi so sánh phát triển du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan, nhóm Marketing Du lịch của ĐH Thăng Long tiếp tục đưa ra đề xuất về định vị hình ảnh Việt Nam và các sản phẩm du lịch Việt Nam. Đây là quan điểm riêng của nhóm tác giả. Mọi ý kiến thảo luận xin gửi về vef@vietnamnet.vnSự khác biệt cốt lõiTrong cuốn
Trump University Marketing 101 của Don Sexton, Chương 11 được đặt tên là "
Đây là chương quan trọng nhất của cuốn sách". Đó là chương nói đến định vị sản phẩm trong tâm trí khách hàng. Quả thật, khó chối bỏ tầm quan trọng của định vị khi doanh nghiệp muốn duy trì và phát triển một sản phẩm khác biệt trên thị trường, mang về thật nhiều lợi nhuận và sự hài lòng của khách hàng.
Với những gì mà Việt Nam đang có, một gợi ý về việc phát triển định vị theo thời gian, tạo ra một tính cách và cá tính riêng biệt cho Du lịch Việt Nam có lẽ là một điều thích hợp. Để chọn được các nét khác biệt cho định vị du lịch Việt Nam, trước tiên, chúng ta thử cùng xem du lịch Việt Nam thực sự có những điểm mạnh, khác biệt nào so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Khác biệt nào là cốt lõi, khác biệt nào là quan trọng đối với khách hàng mục tiêu, chọn khác biệt nào để quảng bá, tập trung trong quãng thời gian nào là cả một chiến lược định vị du lịch Việt Nam.
Điểm khác biệt thứ nhất, đó chính là sự hoang sơ và đa dạng của thiên nhiên Việt Nam. Bên cạnh các địa điểm du lịch đã nổi tiếng, Việt Nam còn có các địa điểm giàu tiềm năng nhưng chưa được khai khác. Việt Nam có địa hình đa dạng (chữ S), phong phú bao gồm cả biển và đồi núi, núi rừng hoang sơ, và đặc biệt nhất trong khu vực đó là đặc điểm thời tiết bốn mùa phù hợp phát triển du lịch quanh năm.
Sự hoang sơ và đa dạng của thiên nhiên Việt Nam là một điểm khác biệt của du lịch Việt. (Ảnh: Camnangdulich) |
|
Điểm khác biệt tiếp theo là về văn hoá. Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa lâu đời, rất đa dạng do có nhiều dân tộc cùng chung sống. Những giao thoa của các nền văn hóa bên ngoài, hòa nhập với văn hóa địa phương tạo nên những nét độc đáo của văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam.
Điểm nổi bật cuối cùng đó là sự an toàn. Đây là một yếu tố tối quan trọng trong việc lựa chọn điểm đến của du khách. Với những hình ảnh của tổng thống Nga Dmitry Medvedev đi bộ từ hồ Gươm về khách sạn, tổng thống Mỹ Bill Clinton đi dạo quanh hồ Gươm đã đủ minh chứng cho điều này đối với du khách quốc tế. bên cạnh đó Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn như APEC 14, ASEAN 17, ASEM 9...
Trải nghiệm "made in Vietnam"Xét về vẻ đẹp tự nhiên, giá trị văn hóa, Việt Nam hoàn toàn không thua kém các nước có ngành du lịch phát triển như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Nhưng theo số liệu năm 2009, tỷ trọng đóng góp cho GDP của ngành du lịch Việt Nam chỉ ở mức 4,25%, trong khi đó con số này ở Malaysia là 14,6%, còn ở Thái Lan là 10,06%. Một trong những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự nghèo nàn sản phẩm du lịch của chúng ta.
Nếu dạo quanh một vòng các công ty du lịch, chúng ta dễ dàng nhận thấy các tour đều na ná giống nhau và chủ yếu tập trung vào loại hình du lịch đại chúng theo những chương trình tham quan ngắm cảnh chung chung.
Mấy thập niên trở lại đây nhu cầu đi du lịch của khách quốc tế đã thay đổi rất nhiều. Họ không chỉ muốn đến và quan sát mà họ còn muốn có những trải nghiệm thực tế, có những đóng góp nhất định cho vùng đất họ tới. Chính vì vậy, nhu cầu của khách quốc tế đối với các sản phẩm du lịch chuyên biệt như du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch từ thiện...là rất lớn. Trong khi đó các chương trình loại này tại Việt Nam thực sự là hàng hiếm.
Cùng với đó là sự nghèo nàn về các sản phẩm đi kèm. Việt Nam có hàng trăm làng nghề truyền thống rải rác trên cả nước nhưng khách du lịch quốc tế rất khó tìm ra được được một món quà lưu niệm "Made in Vietnam". Ví dụ điển hình là ngay tại làng lụa nổi tiếng Vạn Phúc, đến người Việt còn phải truyền nhau "bí kíp" để không mua phải hàng Trung Quốc chứ đừng nói là khách du lịch từ nơi khác đến. Có thể nói chúng ta thiếu các sản phẩm đặc trưng, nếu có thì hàng thật làm tại Việt Nam cũng thua kém về mẫu mã chất lượng so với hàng nhái nhập từ các bạn nước láng giềng. Những điều này lý giải một phần tại sao du khách quốc tế đến Việt Nam lại tiêu dùng ít hơn so với khi đến các nước khác (một khách tới Thái Lan bỏ ra trên dưới 500 USD để mua sắm, thì tại Việt Nam chỉ dừng lại không quá 100 USD).
Để phát triển du lịch tại Việt Nam xây dựng một chiến lược sản phẩm du lịch là điều vô cùng quan trọng và rõ ràng, đa dạng hóa sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Trước tiên, Việt Nam cần biết mình có những gì bằng cách thống kê lại nguồn tài nguyên du lịch trên cả nước như:
- Tài nguyên thiên nhiên
- Tài nguyên nhân văn
- Tài nguyên đã và đang được khai thác.
- Tài nguyên chuẩn bị đưa vào khai thác.
- Tài nguyên còn nguyên sơ chưa đưa vào sản phẩm du lịch.
Tiếp nữa là thống kê về nguồn cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch như cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, nguồn lao động, các sản phẩm giải trí riêng lẻ (ví dụ như sân golf, trung tâm thể thao, các câu lạc bộ...).
Sau đó, như một người đi buôn chúng ta cần biết thị trường đang cần gì, sẽ cần gì, các đối thủ của mình đang làm gì...
Vấn đề là bộ phận cung cấp các sản phẩm du lịch trên thị trường là các công ty du lịch chứ không phải là Tổng cục du lịch, trong khi đó phần lớn các công ty du lịch ở Việt Nam là những công ty vừa và nhỏ thậm chí là "siêu nhỏ"; vì vậy việc điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin về thị trường của các công ty này rất hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng một hệ thống thông tin cho ngành du lịch chuyên cung cấp những thông tin mới nhất về thị trường du lịch trong và ngoài nước, các xu hướng du lịch mới trên thế giới, chính sách phát triển du lịch của các quốc gia... Tất cả các thông tin này phải được cập nhật và công bố rộng rãi để trên cơ sở đó, các công ty du lịch có thể liên kết nhiều nguồn lực nhằm sáng tạo ra các sản phẩm mới vừa mang đặc trưng của Việt Nam vừa phù hợp với thị hiếu của khách du lịch.
Mỗi giai đoạn, một sản phẩmViệc phát triển các sản phẩm cũng phải theo một lộ trình nhất định để Việt Nam có thể ghi dấu ấn của riêng mình. Cho một chiến lược 10 năm, lộ trình này có thể chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Ba năm đầu tiên: "Việt Nam, điểm đến của thời đại toàn cầu hóa" với các sản phẩm thuộc loại hình du lịch MICE.
MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng. MICE là thị trường được đánh giá là tạo doanh thu lớn cho ngành du lịch của một nước, nhờ đối tượng khách nhiều, tập trung và chi tiêu cao. So với khách đi lẻ, khách đi nhóm, thì khách du lịch của MICE được xem là khách hạng sang, chủ yếu là các doanh nhân, chính khách... sẵn sàng chi để thưởng thức những dịch vụ cao, tiện ích tốt và sản phẩm đắt tiền. Bên cạnh đó, bằng việc tận dụng các hoạt động bên lề các sự kiện chúng ta sẽ giới thiệu được các loại hình du lịch khác (như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan...) của Việt Nam tới khách hàng mục tiêu.
Điều quan trọng hơn là việc định hướng phát triển loại hình du lịch MICE sẽ khuyến khích hoạt động đầu tư vào cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho du lịch từ cả nhà nước lẫn khu vực tư nhân. Ví dụ việc đăng cai tổ chức các sự kiện lớn như ASEM 5 (2004), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2006, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 17 năm 2010...đã khiến cho đầu tư vào xây dựng phát triển mạnh mẽ đồng thời xác lập vị trí của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Ngoài ra chuẩn bị cho các sự kiện như thế này là cách nhanh nhất để cải thiện mối liên kết hành động giữa các cơ quan ban ngành, giữa nhà nước và người dân (một trong những mặt yếu kém đang cản trở sự phát triển của du lịch Việt Nam). Những điều này sẽ là tiền đề tốt để phát triển ngành du lịch trong các giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2: Ba năm tiếp sau "Truyền cảm hứng trên mỗi bước đường của bạn, truyền cảm hứng cho mỗi nụ cười của bạn".
Đây là giai đoạn tập trung thúc đẩy các sản phẩm thuộc loại hình du lịch thiên nhiên. Bên cạnh việc tiếp tục khai thác các sản phẩm đang là thế mạnh như du lịch biển, du lịch sinh thái, cần sáng tạo ra các tour mang tính chất chuyên biệt như du lịch quan sát đời sống các loài (như chim, bướm), du lịch mạo hiểm (đi bộ trong rừng, chinh phục các đỉnh núi, khám phá các hang động)...
Giai đoạn 3: Các năm cuối "Việt Nam, mỗi sự khác biệt- một nét độc đáo" tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nhân văn (như du lịch làng nghề, du lịch văn hóa tham quan các di tích văn hóa lịch sử, du lịch từ thiện).
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng hơn 2000 làng nghề thủ công, thuộc 11 nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá.... Điểm chung của các làng nghề là thường nằm trên trục giao thông, cả đường bộ lẫn đường sông, đặc điểm này được hình thành từ xưa, giúp các làng nghề có thể dễ dàng luân chuyển hàng đi các nơi tiêu thụ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tour, tuyến du lịch. Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, nét văn hoá đặc sắc, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hoá hay một hệ thống di tích lịch sử.
Ngoài các tour du lịch đơn thuần, chúng ta có thể sáng tạo ra các tour du lịch mang tính chất từ thiện hoặc có ý nghĩa xây dựng ví dụ như tham gia giảng dạy hoặc xây dựng tại các trường vùng cao, tour làm từ thiện tại các vùng hay bị thiên tai tàn phá...; bởi hiện nay một trong những xu hướng mới của khách du lịch thế giới là họ muốn góp phần xây dựng vào cuộc sống cho người dân vùng đất họ tới.
Việc mỗi giai đoạn một chủ đề không phải là trong giai đoạn này chúng ta chỉ cung cấp sản phẩm loại hình này mà bỏ quên các loại hình khác mà tùy theo tinh thần của từng giai đoạn mà ta tập trung phát triển từng nhóm đặc trung. Song song với đó vẫn phải tiến hành các hoạt động xúc tiến cho các loại hình khác.
Sự thay đổi theo từng giai đoạn này có thể nói là tạo những nét nhấn nhá trong bức tranh tổng thể du lịch Việt Nam nhằm hấp dẫn du khách trên nhiều phương diện. Nếu lần này tôi đến để chiêm ngưỡng pháo hoa trong cuộc thị "Pháo hoa thế giới" thì lần sau tôi sẽ trở lại để khám phá thiên nhiên hoang dã hay hoặc lịch sử vùng đất này. Có như vậy Việt Nam mới luôn giữ được hình ảnh tươi mới, phong phú và đa dạng trong mắt du khách.
Các nước láng giềng đều đang tận dụng tối đa mạng internet và các ngôi sao để quảng bá cho du lịch. Việt Nam có thể học gì từ những "chiêu" này? Mời độc giả đón đọc bài viết tiếp theo của Nhóm Marketing Du lịch (ĐH Thăng Long). Mọi ý kiến thảo luận xin gửi về vef@vietnamnet.vn.Tác giả: NHÓM MARKETING DU LỊCH (ĐH THĂNG LONG)