Không phải hình ảnh hoa sen thật như hình dung, triển lãm 'Ao sen' tại TP HCM của Kato Shojiro là cuộc chơi thú vị của sắc màu, hình khối và những ý niệm về cuộc sống.
Năm 1994 và 1995, Kato Shojiro từng triển lãm tranh tại Bảo tàng mỹ thuật TP HCM. Lần thứ ba trở lại Việt Nam, Kato Shojiro cho biết, ông rất thú vị trước đổi thay của Sài Gòn. Khi được hỏi vì sao chọn chủ đề Ao sen cho hơn 22 bức tranh ra mắt lần này, họa sĩ Nhật trầm ngâm: "Một lần ở Nhật, tôi đến thăm phòng tranh của họa sĩ Lê Thánh Thư, một họa sĩ Việt Nam rất nổi tiếng, và được xem một bức tranh vẽ hoa sen. Tôi đã khóc trước sức ám ảnh kỳ lạ của bức tranh này. Cảm hứng về sen đến với tôi như thế".
Kato Shojiro cho biết tác phẩm của ông không sao chép hình ảnh thật của sen mà đó chính là "ao sen" trong tâm tưởng, những suy nghĩ riêng, trăn trở về sự chuyển động và thay đổi của cuộc sống. "Tôi hy vọng mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau tùy theo trí tưởng tượng của họ".
Thật vậy, nếu không có tên của cuộc triển lãm gợi ý, người xem có thể nghĩ đây là một loạt tranh trừu tượng. Mỗi tác phẩm trong loạt tranh là bản sao của nhau nhưng được thể hiện với sắc độ màu khác nhau. Điểm nổi bật của tranh là cách thể hiện hình ảnh hoa sen trên một mặt phẳng, đặt trên hậu cảnh lung linh - mặt nước ao gợn sóng.
Những sắc độ màu lúc đậm, nhạt, lúc trầm dịu, lại có lúc mạnh mẽ và chói sáng trên tranh vẽ đã giúp hình tượng của hoa sen Việt mang sắc thái biểu cảm mới, dù vẫn là vẻ đẹp giản dị, trầm mặc phương Đông.
"Trong hội họa Nhật Bản, giấy và màu không chỉ là chất liệu, mà chính là một phần của bức tranh. Chúng có ý nghĩa, và cũng cần được làm cho thêm phần sinh động", Shojiro giải thích.
Ông mô tả, công việc sáng tác của ông gồm hai yếu tố. Một là "vẽ đi vẽ lại" bằng một cử động tay đơn giản, và yếu tố kia là "kỹ thuật" tô bột màu (pigment) lên mặt hậu của tờ giấy. Ông thử tạo nhiều lớp bột màu vào giấy, và thiết lập một không gian độc lập, điều mà một tác phẩm hội họa cần phải có.
Chất liệu vẽ các bức tranh theo phong cách hội họa Nhật Bản này chủ yếu bằng mực tàu (màu đen), vỏ sò (trắng), bột khoáng chất (xanh dương, lục), son, các hợp chất thủy ngân (đỏ), vàng quỳ, bạc quỳ... Vì các loại bột màu đều từ gốc thiên nhiên, nên số lượng màu không nhiều. Do đó, màu sắc trong các tác phẩm của Shojiro còn đơn giản.
Dù vậy, sức hấp dẫn của tranh đến từ bố cục của chúng. Trên các bức vẽ, biểu tượng hoa sen là những đốm màu lung linh, nhịp nhàng, nhấp nhô nổi lên theo các đường chéo của bức tranh. Biều tượng cứ thế lặp lại không có điểm chấm dứt, vượt ra khỏi biên của bức tranh. Kỹ thuật này tạo cảm nhận về sự mênh mông, vĩnh cửu và vô hạn.
Triển lãm bắt đầu từ ngày 26/7 và kéo dài đến ngày 9/8, tại phòng tranh Tự Do, số 53, Hồ Tùng Mậu, quận 1, TP HCM.
Họa sĩ Kato Shojiro sinh năm 1954 tại Tokyo, Nhật Bản. Ông là một họa sĩ nổi tiếng theo phong cách Nhật Bản. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Hội họa Nhật Bản (Nihonga), ĐH Nghệ thuật Tama, Tokyo.
Shojiro đã được tặng nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng dành cho Họa sĩ mới tại Triển lãm mỹ thuật hiện đại châu Á lần thứ 25 năm 1989; Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật hiện đại châu Á lần thứ 26 do Hội hữu nghị các họa sĩ châu Á tổ chức năm 1990; giải thưởng lớn triển lãm Mỹ thuật hiện đại châu Á lần thứ 30 năm 1994; Giải thưởng lớn triển lãm mỹ thuật Nhật Bản Seiko lần thứ 23 (2001). Ông từng trưng bày tranh ở Ginza Gallery House tại Tokyo, và Trung tâm Văn hóa thành phố Đài Trung, Đài Loan.
Ngoài ra, Shojiro đã tham gia gần 60 triển lãm chung và riêng tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.
Thoại Hà - vnexpress