(CATP) Ngày 11-2, Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức buổi lễ đón bằng UNESCO vinh danh nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, tỉnh Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh Nam bộ giao đăng cai tổ chức Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất.
Sáng 4-4-2014, trao đổi với phóng viên Báo CATP, bà Lê Thị Ái Nam (Phó chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó trưởng ban chỉ đạo) cho biết: “Ban đầu, Ban tổ chức (BTC) dự kiến từ ngày 20 đến 24-4 sẽ diễn ra Festival ĐCTT. Tuy nhiên, để công tác chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ, BTC quyết định dời lễ khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 25-4, tại Quảng trường Hùng Vương và bế mạc vào tối 29-4.
Festival ĐCTT tại Bạc Liêu sẽ có hơn 20 hoạt động chính; BTC đã triển khai một số cuộc thi sáng tác ngay từ cuối năm 2013 như Giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”, thi ảnh thời sự nghệ thuật, phim tài liệu, thi sáng tác lời mới 20 Bản tổ ĐCTT Nam bộ, sáng tác nhạc, vọng cổ... Hiện nay, các tiểu ban đang khẩn trương chuẩn bị đồng loạt các hoạt động như liên hoan ĐCTT toàn quốc, lễ khai mạc, bế mạc, hội chợ thương mại - du lịch, lễ hội ẩm thực, không gian ĐCTT, hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam bộ” và đang tiến hành đi vận động tài trợ cho Festival...
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu
Ngoài ra, tỉnh đã và đang chỉ đạo kiểm tra nâng cấp các nhà hàng, khách sạn đủ tiêu chuẩn nhằm đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách đến tham dự Festival; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ đô thị tăng cường trồng cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường; UBND TP.Bạc Liêu đang chỉ đạo sắp xếp trật tự mua bán, làm vệ sinh môi trường, tăng vẻ mỹ quan đô thị, nhất là việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng phong cách người Bạc Liêu “Hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”...
Các chủ đầu tư cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình để kịp phục vụ cho Festival như: Quảng trường Hùng Vương, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Tượng đài Mậu Thân, Nhà hát Cao Văn Lầu, tôn tạo khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát...
Không phải khi được UNESCO vinh danh, tỉnh mới bắt tay vào bảo tồn loại hình nghệ thuật ĐCTT mà trước đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo phát triển phong trào ĐCTT l*ng ghép phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; duy trì và phát triển nhiều câu lạc bộ (CLB) ĐCTT ở cơ sở; hỗ trợ trang thiết bị cho các CLB - ĐCTT hoạt động; xây dựng CLB - ĐCTT tại các khu điểm du lịch và trong các trường đại học, cao đẳng; định kỳ tổ chức liên hoan ĐCTT các cấp; chỉ đạo biên soạn giáo trình và đưa nghệ thuật ĐCTT vào trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật; các trung tâm văn hóa đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy ĐCTT, vọng cổ cho nhân dân, nhất là giới trẻ; đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch đưa nghệ thuật ĐCTT vào giảng dạy trong các trường phổ thông... Các hoạt động trên sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, thực hiện tốt cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO”.
THIỆN THẢO -
http://www.congan.com.vn/?atid=882&id=515249&mod=detnews&p=