Huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Hiện địa phương đang huy động các nguồn lực nhằm phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn trong thời gian tới.
Nhiều tiềm năng du lịch
Hiện nay, khách du lịch đến Cam Lâm chủ yếu là nghỉ dưỡng, thưởng thức hải sản tươi sống... vì chưa có loại hình du lịch nào khác hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, các nền tảng để phát triển du lịch sinh thái ở Cam Lâm đã có sẵn, nhưng chưa phát huy được hiệu quả do chưa đầu tư đúng mức. Có thể kể đến mô hình du lịch nhà vườn. Hiện địa phương có diện tích lớn vườn xoài nhưng chỉ mới có nhà vườn Sơn Hiển tại xã Cam Thành Bắc làm nhà trưng bày sản phẩm để phát triển du lịch nhà vườn. Bà Trần Thị Kim Hiển - chủ nhà vườn Sơn Hiển cho biết, gia đình vừa đầu tư gần 1 tỷ đồng để tạo cảnh quan, đầu tư hồ cá, các công trình phụ, vườn hoa, chỉnh trang hơn 1,5ha vườn xoài... để thu hút khách. Bên cạnh đó, ký kết phối hợp với các công ty du lịch, khu nghỉ dưỡng tại biển Bãi Dài để đưa khách đến tham quan. Khi khách đến có thể trải nghiệm hái xoài, mua xoài và các sản phẩm làm từ xoài. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, vườn nhà bà sẽ bắt đầu đón khách du lịch.
Được biết, đây là hộ đi tiên phong trong phát triển du lịch nhà vườn ở địa phương. Với nhiều hộ khác, cần hỗ trợ thêm kiến thức, kỹ thuật trồng trọt để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm phát triển thương hiệu xoài Cam Lâm và phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, đầm Thủy Triều là khu vực có thể phát triển du lịch gắn liền với sông, biển như các trò chơi thể thao trên biển, ca nô đưa khách tham quan đầm Thủy Triều... Với cung đường lên Hòn Bà, dọc đường có suối Đá Giăng, từ lâu nay có một số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, nghỉ chân nhưng chỉ là tự phát, chưa có định hướng để phát triển lâu dài...
Đẩy mạnh phát triển du lịch
Theo lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm, với những tiềm năng vốn có, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách là việc làm rất cần thiết. Vì vậy, UBND huyện đã có kế hoạch phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu kế hoạch đến năm 2020, doanh thu từ du lịch sẽ tăng 19,5% hàng năm, đến năm 2030 tăng 25%; khai thác được các tài nguyên du lịch trên địa bàn huyện, xây dựng được các sản phẩm du lịch gắn với địa phương; hình thành sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp và du lịch cùng phát triển...
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lâm, đơn vị được giao chủ trì triển khai, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đầu tư phát triển 4 loại hình du lịch gồm: du lịch nhà vườn; du lịch trên đầm Thủy Triều; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái rừng, suối. Trong đó, với loại hình du lịch nhà vườn, đơn vị đã tiếp cận và hướng dẫn làm thủ tục, định hướng phát triển du lịch cho nhà vườn Sơn Hiển; bên cạnh đó, một số hộ có vườn xoài đã được tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm làm du lịch ở miền Tây, sắp tới sẽ tiến hành học hỏi kinh nghiệm ở tỉnh Quảng Nam.
Bà Mai Thị Thu Trang - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cam Lâm cho biết, đối với du lịch trên đầm Thủy Triều, sẽ đẩy mạnh việc phối hợp trong quy hoạch, xây dựng các dự án khả thi để phát triển du lịch; phối hợp cùng Sở Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành khảo sát nhằm xác định phương án khả thi để có kế hoạch phát triển. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh du lịch văn hóa, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng như đình, chùa..., đặc biệt là 2 di tích thuộc cụm di tích cấp quốc gia như mộ bác sĩ A.Yersin và chùa Linh Sơn Pháp Ấn, kết hợp với Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Với du lịch sinh thái rừng, suối, sẽ hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các điểm du lịch sinh thái, tận dụng lợi thế biển và di tích để thiết kế tour du lịch kết hợp giữa tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan, câu cá, khám phá thiên nhiên...
Tuy nhiên, theo bà Trang, khó khăn trước mắt là chính sách về du lịch, vì tỉnh chưa phân cấp quản lý du lịch về cấp huyện, nếu triển khai, địa phương chỉ mới thực hiện về góc độ quản lý nhà nước là hỗ trợ kỹ thuật, định hướng phát triển, vay vốn... “Trong năm 2019, chúng tôi sẽ triển khai việc xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và sản phẩm du lịch của địa phương trên các phương tiện truyền thông. Tiếp đó, sẽ triển khai từng bước, phối hợp cùng các cơ quan chức năng khác để triển khai nhằm tận dụng được các nguồn tài nguyên lâu nay chưa phát huy được hiệu quả để phục vụ phát triển du lịch”, bà Trang cho hay.