Đêm 12 – 11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã diễn ra lễ khai mạc Festival Cồng Chiêng Quốc Tế lần thứ I. Tham dự lễ hội ngoài khách mời, còn có 34 đoàn cồng chiêng của 23 tỉnh, thành phố đại diện cho 11 dân tộc có cồng chiêng trong nước và đặc biệt có sự tham gia của 5 nước trong khu vực Đông Nam Á gồm: Campuchia, Myanmar, Lào, Indonesia, Philippines.
Festival Cồng Chiêng Quốc Tế lần thứ I được đánh giá là quy mô hoành tráng và sôi động nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội này được tổ chức tại Gia Lai và được xem là một trong những nỗ lực cụ thể hóa chương trình hành động để bảo tồn, phục hồi giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng - Di sản đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cồng chiêng là biểu trưng của văn hóa Tây Nguyên
Đêm khai mạc đã thành công rực rỡ với sự góp mặt của hơn 3.000 nghệ nhân và diễn viên. Cồng chiêng là sự biểu trưng của sự thiêng liêng, giàu có của dân tộc Tây Nguyên.
Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên một lần nữa tôn vinh và quảng bá giá trị di sản văn hóa, góp phần tăng thêm sự hiểu biết, tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc Việt Nam đồng thời là cơ hội để cồng chiêng nước nhà được ngân vang bay xa hội nhập với bạn bè Quốc tế. Ngoài các hoạt động liên quan đến cồng chiêng, đât còn là dịp để các doanh nghiệp cũng như nghành du lịch nắm bắt được thời cơ phát triển, giới thiệu con người, văn hóa, mảnh đất Tây Nguyên với bạn bè trong nước và Quốc tế.
N.X - CA Tp HCM