Hà Nội phát triển du lịch làng nghề:Quy hoạch phải đi trước một bước
Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính và là thành phố có nhiều làng nghề nhất cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển các tour du lịch làng nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi đó, việc phát triển du lịch làng nghề ở Thủ đô vẫn gặp những khó khăn nhất định. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Hà Nội về vấn đề này.
- Xin ông cho biết đôi nét về tiềm năng phát triển du lịch làng nghề của Thủ đô Hà Nội hiện nay ?Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có trên 1.000 làng có ngành nghề thủ công, chiếm xấp xỉ 1/5 tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, nhiều làng nghề đã có từ lâu đời và nổi tiếng trong và ngoài nước, đã được du khách trong nước và quốc tế biết đếnvà đã trở thành những địa điểm của ngành du lịch như:làng Lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã... Đặc biệt có đến 30 xã nghề với 100 làng nghề được công nhận ở Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hoà...Các làng nghề này có mật độ lớn, lại nằm dọc các trục đường giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội nên rất thuận lợi chocác công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn. Trong thời gian qua, nhiều công ty du lịch lữ hành của Hà Nội và các tỉnh bạn đã triển khai các tour đưa du khách đến tham quan các điểm du lịch làng nghề nổi tiếng.
- Trong quá trình tổ chức các tour du lịch làng nghề có khó khăn gì không, thưa ông?Bên cạnh những điều kiện thuận lợi đã nói ở trên, hiện nay việc phát triển tour du lịch làng nghề của ngành du lịch Thủ đô cũng đang có những bất cập cần khắc phục. Hiện hạ tầng cơ sở, đường giao thông vào các làng nghề còn yếu kém, phong cách phục vụ chưa thật chu đáo, chuyên nghiệp, thuyết minh viên du lịch tại làng nghề vừa thiếu lại vừa yếu. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề chưa có nhiều mẫu mã đặc sắc mang phong cách riêng. Ngoài ra, việc môi trường ô nhiễm là rào cản lớn nhấtkhi thu hút khách du lịch. Hiện hầu hết môi trường rác thải, nước thải,khí thải ở các làng nghềđang ở mức báo động như làng nghề cơ khí Phùng Xá (Thạch Thất), các làng nghề dệt, nhuộm như Vạn Phúc (Hà Đông), Phùng Xá (Mỹ Đức), La Phù (Hoài Đức) ... tình trạng nước thải chứa hóa chất không qua xử lý đổ thẳng ra cống rãnh, ao, hồ, mương tiêu. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn, mặt bằng cho sản xuất cũng là những bất cập khiến các làng nghề chậm phát triển không đáp ứng được những yêu cầu của ngành du lịch
- Để đưa làng nghề trở thành một trong những tuyến du lịch chủ lực của Hà Nội, trong thời gian tới ngành du lịch Thủ đô sẽ có những biện pháp khắc phục gì, thưa ông ?Trong thời gian tới ngành du lịch sẽ đẩy mạnh việc quy hoạch tổng thể các làng nghề trên địa bàn Thủ đô bằng cách mời các chuyên gia tư vấn về quy hoạch của các hãng du lịch quốc tế. Đây là việc làm rất quan trọng, bởi có quy hoạch tổng thể thì mới giải quyết được các bất cập đang tồn tại của làng nghề như hạ tầng cơ sở, vốn, đường giao thông, mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường. Trong thời gian qua, tỉnh Hà Tây (cũ) đã xây dựng kế hoạch quy hoạch tổng thể phát triển 10 làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch và đã có 3 làng nghề (sơn tạc tượng Sơn Đồng; mây, tre giang đan Phú Vinh; tiện gỗ xương sừng Nhị Khê) hoàn thành quy hoạch. Thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục lựa chọn thêm một số làng nghề tiêu biểu, từ đó có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất như khu du lịch, nơi trưng bầy sản phẩm thành điểm thăm quan du lịch làng nghề
Để khắc phục tình trạng thiếu thuyết minh viên cho làng nghề, từ nay đến cuối năm du lịch Hà Nội sẽ tổ chức một số khóa bồi dưỡng kiến thức giới thiệu sản phẩm làng nghề cũng như văn hóa làng cho hướng dẫn viên du lịch và cả người dân địa phương. Tổ chức xây dựng một số gia đình nghệ nhân tiêu biểu làm điểm đến cho khách du lịch. Bên cạnh những cố gắng của ngành du lịch, thành phố cũng nên có cơ chế chính sách hỗ trợ trong việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng thêm các khu sản xuất tập trung. Đặc biệt bố trí nguồn ngân sách của Nhà nước trợ giúp các làng nghề từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Với những biện pháp tổng thể như vậy, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới du lịch làng nghề sẽ trở thành tour du lịch đặc trưng của ngành du lịch Thủ đô.
Theo KTDT