Trong những năm gần đây, Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đáng khích lệ, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Theo Hiệp hội Du lịch VN, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã xác nhận Du lịch Việt Nam đạt doanh thu xuất khẩu ( khách quốc tế vào Việt Nam) 5,5 tỷ USD năm 2011.
Là ngành kinh tế tổng hợp, góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, và đóng góp ngoại tệ cho đất nước, Du lịch cũng là ngành ngoại giao thứ hai, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm phát triển du lịch, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với nhiều chủ trương chính sách, quan tâm hỗ trợ cho Du lịch phát triển, trong đó có việc đơn phương miễn vi sa cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và 4 nước Bắc Âu ( Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan) . Chính sách ưu đãi này đã giúp khách du lịch đến từ các quốc gia này tăng trưởng nhanh, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga là những thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Những con số cụ thể: nếu như năm 2003, chúng ta mới đón được 209.600 khách du lịch Nhật Bản, thì năm 2004, có 267.210 khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam và kể từ 2010 đến nay luôn duy trì ổn định ở mức 450.000 khách du lịch/ năm. Đặc biệt, tính đến hết năm 2012, chúng ta đã đón được 576.386 khách. Hiện nay, Nhật Bản đang có chính sách khuyến khích đi du lịch nước ngoài (năm 2010 có 20 triệu người Nhật Bản đi du lịch nước ngoài, người dân Nhật Bản có gần 30 ngày nghỉ lễ trong năm,) đây là những cơ hội rất tốt để chúng ta sẽ tiếp tục đón nhiều hơn nữa du khách Nhật Bản trong thời gian tới.
Về Hàn Quốc, nếu như năm 2004, có 232.995 khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam thì đến hết năm 2012, ta đã đón được 700.917 khách.
Đối với Nga- một đất nước truyền thống quan hệ tốt đẹp với chúng ta,Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách xứ sở bạch dương. Năm 2012, số lượng khách du lịch Nga vào Việt Nam là 174.287 người, tăng hơn 70% so với năm 2011. Về chi tiêu du lịch, theo thống kê của UNWTO, khách du lịch Nga đứng thứ hai thế giới về chi tiêu khi đi du lịch nước ngoài, sau Trung Quốc. Do vậy, có thể nói tiềm năng phát triển thị trường du lịch Nga sẽ rất to lớn trong thời gian tới.
Đối với các nước Bắc Âu, đây là khu vực thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam, đã được xác định rõ tại Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (12/2011).
Đây là nguồn khách du lịch cao cấp do có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài, phù hợp với định hướng của Chiến lược. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng từ toàn khu vực 4 nước Bắc Âu so với năm 2011 đạt hơn 15%, đặc biệt khách du lịch từ Phần Lan.
Với mức chi tiêu bình quân của mỗi lượt khách/ngày là 105,4 đô la Mỹ (số liệu Tổng cục Thống kê năm 2011), thời gian lưu trú trung bình của khách là 7,8 ngày (thống kê của TCDL) thì tổng chi tiêu của khách du lịch từ các thị trường có thể lên đến hàng tỷ đô la Mỹ. Đặc biệt, khách du lịch từ các thị trường Đông Bắc Á và Bắc Âu chi tiêu cao hơn so với mức bình quân của khách du lịch tới Việt Nam.
Mặt khác, Nhật Bản, Hàn Quốc hiện là những nước đầu tư và tài trợ ODA hàng đầu vào Việt Nam ; Nga là đối tác chiến lược của chúng ta. Việc tăng trưởng của các thị trường trọng điểm trên đã góp phần kích thích sản xuất, đầu tư, đào tạo, hỗ trợ xuất khẩu tại chỗ, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, mang lại nhiều hiệu quả xã hội khác cho chúng ta.
Chính vì vậy, trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn, thiết nghĩ, Nhà nước nên có chính sách quan tâm, hỗ trợ Du lịch phát triển với việc tiếp tục miễn visa cho các thị trường du lịch trọng điểm./. (TCDL)