Sân khấu lớn nhất miền Bắc (10.000 chỗ ngồi) trong khu Thiên đường Bảo Sơn sẽ được xây dựng. Có mặt tại Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Tây trong những ngày gần kề Hà Tây sáp nhập Hà Nội, chúng tôi nhận thấy những người của ngành đang cấp tập hoàn thiện công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại sẽ diễn ra vào ngày 1-8. Đó không chỉ là thời khắc địa giới hành chính Thủ đô được mở rộng, mà còn là thời khắc của một không gian văn hoá-du lịch được mở rộng, đan cài vào nhau, phát triển và hội nhập.
Bảo tồn vốn di sản
Tiếp chúng tôi, ông Trương Minh Tiến-Phó giám đốc thường trực Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Hà Tây nhấn mạnh, Hà Tây là vùng quê không chỉ phong phú bởi các di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, làng văn hoá, làng cổ, làng nghề truyền thống… mà đang còn là nơi lưu giữ các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo ra đời cách đây hàng trăm năm nay như: Hát dô, hát chèo tàu, xẩm, hát trống quân, múa rối,… Ngay khi có chỉ thị Hà Tây sáp nhập Hà Nội, tạo nên vùng văn hoá-du lịch rộng lớn, hơn lúc nào hết, những người làm công tác văn hóa tỉnh nhà đã xác định và có kế hoạch bảo tồn và phát huy những vốn di sản độc đáo này. Đặc biệt, vốn di sản đó còn là “lễ vật”, góp vào sự kiện trọng đại 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Một trong những vốn di sản được chú trọng bảo tồn và phát huy là việc khôi phục lại các CLB văn nghệ dân gian của tỉnh cũng như của các huyện.
Toàn tỉnh hiện nay có 7 CLB văn nghệ dân gian đã và đang hoạt động có hiệu quả, đó là CLB hát chèo tàu Tổng Gối, xã Tân Hội (Đan Phượng); CLB hát dô xã Liệp Tuyết (Quốc Oai); CLB hát ca trù thuộc Trung tâm tỉnh; CLB hò cửa đình, múa hát bài bông Phú Nhiêu, xã Quang Trung (Phú Xuyên); CLB ca trù An Khánh (Hoài Đức); CLB ca trù thôn Chanh Thôn, xã Văn Nhân (Phú Xuyên) và CLB ca trù Thượng Mỗ (Đan Phượng). Trong mỗi loại hình nghệ thuật dân gian này đều xuất hiện các tài năng thực thụ và đã có 10 người được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Trả lời thắc mắc của chúng tôi, nếu Hà Tây sáp nhập với Hà Nội thì định hướng bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống đến những loại hình văn hoá phi vật thể của Hà Tây sẽ như thế nào? Ông Tiến cho biết: “Hà Tây sẽ bổ sung những di sản văn hoá phi vật thể như chèo cổ (chèo Tàu), hò cửa đình, hát dô… Các di tích văn hoá vật thể như: chùa Thầy, chùa Tây Phương, đặc biệt là Khu danh thắng nổi tiếng Hương Sơn… và các khu du lịch sinh thái, tâm linh mà Thủ đô không có. Các cụm, điểm văn hoá-du lịch của Hà Tây sẽ tạo nên những tua du lịch hấp dẫn, kéo khách trong nước và quốc tế lưu trú ở các khách sạn Hà Nội tới. Đây là một sự kiện gắn kết tuyệt vời nhằm phát huy và gìn giữ những di sản văn hoá mà Hà Tây và Hà Nội có được”.
Văn hoá “kích cầu” du lịch
Theo báo cáo thống kê của ngành văn hoá-du lịch Hà Tây, trong những năm qua, lượng khách du lịch vào tỉnh ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2008, ước tính đã có 3.350.000 lượt khách du lịch đến Hà Tây, đạt 74,4% kế hoạch năm tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước), tổng doanh thu 440 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch năm (tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước).
Nhiều khu du lịch-văn hoá đã thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, tạo thêm nhiều điểm du lịch mới, sản phẩm du lịch mới như: Sân gôn Hương Núi- hồ Đồng Mô; các điểm du lịch Tản Đà, Thiên Sơn- Suối Ngà, Thác Đa, Đầm Long- Bằng Tạ. Tỉnh Hà Tây còn thực hiện 13 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng làng nghề với tổng số vốn 125 tỷ đồng tại một số khu du lịch trọng điểm như: chùa Hương, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô, Vạn Phúc, Phú Vinh, Chuyên Mỹ… Khi sáp nhập với Hà Nội, những khu văn hoá-du lịch này sẽ là các cụm, điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn.
Một trong những điểm du lịch-văn hoá đặc sắc sẽ chào mừng Hà Tây sáp nhập Hà Nội là Thiên đường Bảo Sơn. Nằm ngay cửa ngõ Hà Nội về phía Tây (Km8/154 An Khánh, Hà Tây trục đường Láng-Hoà Lạc, cách trung tâm Hà Nội 12km). Thiên đường Bảo Sơn là tổ hợp vui chơi giải trí và du lịch văn hóa tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại miền Bắc Việt Nam. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nền văn hoá Việt Nam qua mô hình kiến trúc cổ với những nét đặc sắc sáng tạo ngàn đời của con người Việt Nam cùng với các sản phẩm tinh xảo được chọn lọc từ khắp nơi trên mọi miền đất nước. Dự án Công viên Thiên đường Bảo Sơn gồm 41 hạng mục trong đó nổi bật là Thế giới Đại dương, một thế giới kỳ diệu của 2000 loại cá đến từ các châu lục và sinh vật biển quý hiếm. Khu bảo tàng phố cổ (từ năm 2010 sẽ là Bảo tàng sáp phố cổ) có diện tích 5000m2 tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của người dân Hà Nội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đồng thời trưng bày tượng sáp của các nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Khu sân khấu đa năng, nhạc nước màu – chiếu phim laser, trình diễn xiếc cá heo và hải cẩu được xây dựng trên diện tích 30.000m2 với khán đài tới 10.000 chỗ ngồi. Đây sẽ là một trong những địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giải trí lớn của Việt Nam và khu vực. Với diện tích 50.000m2, vườn thượng uyển được thiết kế nhằm tái hiện kiểu vườn vua chúa ngày xưa. Trong vườn có nhà phong lan, trưng bày khoảng 500 loại lan quý ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nơi đây còn có vườn bướm và bảo tàng bướm với nhiều loài hoa rực rỡ của vùng ôn đới và nhiệt đới. Khu làng nghề truyền thống Việt Nam tái hiện các làng nghề nổi tiếng của Việt Nam như làng nghề gốm sứ Phù Lãng, làng nghề khảm trai và nội thất Đồng Kỵ, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho đến các làng nghề chế tác vàng bạc, đá quý, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, sơn dầu… Các ngôi nhà trong làng nghề là những ngôi nhà cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 với cây đa, giếng nước, đình làng… sẽ đem lại cho du khách những cảm giác thú vị và độc đáo.
Ông Lưu Đức Thắng- Trưởng bộ phận quản lý Thiên đường Bảo Sơn cho biết: “Với dự án này, chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế một mô hình Việt Nam thu nhỏ - với những giá trị truyền thống đang được gìn giữ, những nét đặc sắc nhất của thiên nhiên và văn hoá Việt Nam và cả những kế thừa công nghệ hiện đại của châu Âu và thế giới. Chúng tôi cũng mong muốn thông qua dự án này sẽ góp một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và nền kinh tế nước nhà, đặc biệt là sự kiện trọng đại Thủ đô mở rộng, hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội”.