Du lịch lấy cảm hứng từ mạng xã hội đã trở nên phổ biến, bởi vì nó tiết kiệm thời gian và giảm nhiều rủi ro cho du khách khi tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch đi du lịch. Tuy nhiên, lợi ích này không phải lúc nào cũng tích cực.
Một du khách đang selfie ở Pháp
Chi phí ẩn của du lịch selfie Không có gì đáng ngạc nhiên khi mọi người ngày càng dựa vào mạng xã hội để xác định, đánh giá và lựa chọn điểm du lịch, nhà cung cấp dịch vụ. Đáp ứng nhu cầu này, TripAdvisor ra đời, bắt đầu bằng việc cung cấp thông tin (hình ảnh, video, bình luận, blog...) cho sự lựa chọn điểm đến.
Xác định, tìm kiếm, chia sẻ kinh nghiệm du lịch và thông tin được coi như những cách chủ đạo hàng đầu khiến mạng xã hội đã làm thay đổi du lịch. Tuy nhiên, sự lạm dụng điện thoại thông minh đã tạo ra những “du khách luôn online” khi đi du lịch. Với họ, điện thoại di động đã trở thành bộ não thứ hai bên ngoài khi họ đang rong ruổi trên đường. Họ luôn sử dụng thiết bị thông minh này để chia sẻ kinh nghiệm du lịch tại một địa điểm nào đó trong thời gian thực. Trong một vài trường hợp, việc sử dụng điện thoại di động liên tục trong những ngày nghỉ đã đưa du khách đến tình trạng nhân tính hóa các thiết bị và xem chúng như những người bạn đồng hành riêng tư.
Những du khách luôn chăm chăm selfie sẽ thấy và trải nghiệm nơi mình đến phần lớn thông qua ống kính camera và các bình luận, phản hồi mà họ nhận được từ những hình ảnh họ đăng lên mạng. Theo cách này, sự hài lòng của họ không còn phụ thuộc vào chất lượng nơi họ đến và những trải nghiệm, mà lại phụ thuộc vào những icon “like” hoặc những bình luận tích cực. Selfie đã thực sự thay đổi cách mà người ta trải nghiệm nơi mình đến bằng cách mà họ thấy và họ cư xử tại nơi đến.
Chỉnh đốn văn hóa của du kháchHồ sơ và bài viết trực tuyến được các du khách đăng và quản lý cẩn thận để làm nổi bật các tính tích cực, những trải nghiệm xã hội thú vị và cho thấy cái tôi lý tưởng của họ.
Instagram hiện nay có đến hơn 220 triệu hình ảnh có hashtag #selfie và hơn 330 triệu hình ảnh có hashtag #me. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều du khách chia sẻ thông tin không chính xác và không thực tế. Họ check-in giả mạo, thậm chí giả vờ đang hạnh phúc mặc dù là đang trải qua những điều kiện du lịch tồi tệ và khủng khiếp. Họ tin rằng, nó không làm hại bất cứ ai, nhưng nó có thể bóp méo trải nghiệm của du khách thực sự và đưa ra những kỳ vọng sai về các điểm đến. Du lịch selfie cũng đưa đến sự trải nghiệm dễ dãi của những du khách trước ống kính camera để chứng tỏ quyền lực kinh tế và vị trí xã hội. Đây là một lĩnh vực cần nghiên cứu để đảm bảo việc sử dụng công nghệ không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý, tinh thần, tình cảm hoặc thậm chí cả thể chất của du khách.
Rõ ràng, không thể chống lại các nhu cầu cơ bản của con người, hoặc phủ nhận, từ chối lợi ích của công nghệ. Nhưng thay vào đó, những gì chúng ta cần là giáo dục nghiêm túc du khách và công dân sử dụng mạng xã hội cẩn thận trước và trong khi đi du lịch.
Sau nhiều vụ du khách bị giết, bị lên án hoặc bị bắt vì vô tình xúc phạm văn hóa và con người địa phương, hoặc làm hỏng thiên nhiên địa phương, một số nước châu Âu đã ban hành lệnh cấm selfie tại những địa danh nổi tiếng, ví dụ như Tháp Eiffel. Còn các viện bảo tàng và một số nơi thu hút khác cấm dùng gậy selfie để bảo vệ các cổ vật, thậm chí cả cơ thể các du khách khác.
Những người này không biết là đang tự rước rắc rối để có được những bức hình chụp họ hoàn hảo - khi tạo ra ít nhất một khoảnh khắc nhân tạo - trong công cuộc tìm kiếm hình ảnh chân thật của họ.
HẠNH CHI - Báo SGGP