Hội du lịch Việt Nam

Tác giả Chủ đề:  Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam  (Đã xem 12568 lần)

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam
« Trả lời #7 vào: Tháng Tám 07, 2008, 08:24:56 AM »
Ngũ Động Sơn

Ngũ Động Sơn thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.

Từ thị xã Phủ Lý, đi ngược thuyền sông Đáy 8km là đến động, hoặc từ Phủ Lý qua cầu Hồng Phú, theo quốc lộ 21, đến cây số 8 là tới cửa động.

Ngũ Động Sơn là năm hang nối liền nhau tạo thành một dãy động liên hoàn có chiều dài hơn 100m trong một lòng quả núi. Núi này có tên là núi Cuốn Sơn (Quyển Sơn) vì liên quan tới truyền thuyết về lá cờ của Lý Thường Kiệt bay lên núi và cuốn lại trên núi. Núi còn có tên là Cấm Sơn vì núi này rất thiêng, không ai dám động vào một cây cỏ, cành khô trên núi, trên núi tương truyền có cỏ thi để chữa bệnh nên núi còn gọi là Thi Sơn. Hang Ngũ Động nằm trong lòng núi Cấm thuộc địa phận xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng.



Trong các động có rất nhiều thạch nhũ hình thù khác nhau, kiểu dáng xuất hiện, màu sắc, da nhũ, độ xốp, độ bóng của các hình nhũ cũng rất khác nhau. Có cái mọc chồi từ vách động, khe động, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái nhô lên từ mặt nền. Có những nhũ đá ẩn sâu vào bóng tối, khi có ánh đuốc rọi vào, do hơi nước phản chiếu, ánh lửa ngời lên như châu ngọc. Có những phiến thạch nhũ bên trong rỗng, có nhiều hang hốc ăn thông với nhau, khi đánh vào nghe như tiếng đàn, tiếng trống, tiếng chiêng. Nếu bề dày của phiến đá lớn, chúng sẽ phát ra những âm thanh trầm, còn nếu bề dày của những phiến đá mỏng hơn thì chúng sẽ phát ra những âm thanh trong trẻo ngân nga.

Trên các bức vách của động thiên nhiên kỳ thú đã vẽ nên nhiều cảnh tượng đẹp, gợi những tưởng tượng sinh động về cuộc sốngcon người và cuộc sống xung quanh. Động 4 có một lối nhỏ ra một cái giếng có độ sâu vừa phải, nước trong vắt, có thể nhìn thấy cá đang bơi. Đây có thể là nơi tiêu nước của toàn động trong quá trình lòng núi bị bào mòn và rất có thể đáy giếng có đường ăn thông ra sông Đáy ở phía dưới chân núi Cấm. Lối vào động thứ 5 có những thạch nhũ tạo thành 3 cái cửa tự nhiên cách biệt nhau bởi những cột đá, mỗi cửa có thạch nhũ rủ xuống như những chiếc rèm cửa, có cửa có hình thạch nhũ như đôi voi đang chầu.



Núi Cấm, do không ai chặt cây cối nên đã giữ được một thảm thực vật phong phú, có nhiều cây to, nhiều cây dây leo phủ kín đồi. Trên đỉnh núi còn có một bàn cờ thiên tạo bằng đá. Từ đây có thể phóng tầm mắt ra xa để bao quát toàn bộ vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình của vùng nước non này.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam
« Trả lời #6 vào: Tháng Tám 07, 2008, 08:19:47 AM »
Kẽm Trống


Toàn cảnh Kẽm trống

Trên quốc lộ 1A, cách Hà Nội 80km về phía nam, trên địa phận xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam và xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là địa danh Kẽm Trống.

Kẽm Trống là khoảng trống được tạo ra bởi "hai bên là núi giữa là sông" như lời của nữ sĩ Xuân Hương đã vịnh cảnh nơi đây. Sông ở đây là con sông Đáy, bên tả là núi Rùa, núi Cổ Động, núi Động Xuyên, núi Trinh Tiết. Bên hữu là núi Bài Thơ, dãy núi Bạt Gia gồm các núi Bồng, núi Vọng, núi Thòng Lọng và núi Rồng. Núi ở đây có nhiều ngọn cao thấp, có núi đá, núi đất, nhiều ngọn dựng đứng nhưng cũng nhiều ngọn thoai thoải, tạo nên các thế núi khác nhau. Bờ bên trái, đằng sau những dãy núi nằm sát mép sông Đáy là một hệ thống núi đá vôi trùng điệp, một dải núi đá kéo dài chạy theo hướng Đông Bắc–Tây Nam từ Hòa Bình sang Thanh Hóa.

Trong núi có rất nhiều hang động. Nếu đứng ở ngoài nhìn vào khó mà tin trong núi lại có hang vì miệng hang nhiều khi chỉ là những kẽ nứt nhỏ, nằm ẩn sau những tảng đá to, phải lách mình mới vào được. Vào bên trong mới thấy các hang động có diện tích khá rộng, nhiều hang xuyên hẳn qua một quả núi, có hang có thạch nhũ rủ xuống tạo nên những hình thù phong phú.

Về phía tả ngạn sông Đáy có một con sông đào dài gần 2 cây số, cả hai đầu đều nối với con sông Đáy, chảy ôm núi Rùa và núi Cổ Động trong quần thể thắng cảnh Kẽm Trống. Chuyện kể rằng, trong cuộc tuần du từ kinh đô Huế ra Bắc Hà, vua Minh Mệnh muốn xuôi dòng sông Đáy để ghé thăm Kẽm Trống và Dịch Lộng. Nhưng khi nghe bài thơ của Hồ Xuân Hương vịnh cảnh Kẽm Trống, thấy những ẩn ý nghịch ngợm, nhà vua không chịu đi qua đoạn sông này mà bắt nhân dân trong vùng phải cấp tốc đào một con sông mới để thuyền ngự vượt qua. Do vậy mới có con sông đào chảy vòng này. Dân gian còn lưu hành một truyền thuyết khác về con sông đào này. Tương truyền, dưới triều Lê, có một vị tướng tài làng Đoan Vĩ (Thanh Liêm) đánh đâu thắng đấy được phong đến tước Quận Công. Một lần qua đây, quan Thượng Chế trông thấy huyệt đất tốt, lại có những địa danh như bến Vua, ngòi Rồng nên về tâu với vua là phải chặt đứt long mạch của vùng để ngừa hậu hoạ là mảnh đất này phát, ngai vàng có thể về tay Quận Công. Nhà vua bắt dân trong một ngày đêm phải đào xong con sông. Lệnh ban ra, nhân dân phải lập tức thi hành, trong khi đào sông, dân bị chết rất nhiều, máu hòa đỏ nước.


Một vùng non nước kỳ thú

Trên lưng chừng núi Trinh Tiết có ngôi chùa Phật tích (còn có tên gọi khác là Trinh Tiết sơn tự) thuộc địa phận thôn Đông Xuyên, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Chùa Phật Tích tương truyền được dựng vào thời Trần và được xây dựng lại vào thời Lê Trung hưng, kiến trúc theo kiểu chữ nhị, gồm 2 tòa, mỗi tòa 3 gian, đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần gần đây nhất là năm 1930. Chùa Phật Tích thờ Phật, trong hậu cung thờ thêm công chúa thời Trần 17 tuổi tên là Trần Thị Bạch Hoa, con vua Trần Thuận Tông. Vì phản đối việc Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông phải đi tu để nhường ngôi cho thái tử An mới có 3 tuổi nên bà phải đi lánh nạn. Tới đây thấy phong cảnh hữu tình, bà cho thuyền dừng lại, cho dựng chùa, dốc lòng thờ Phật và sau thác tịch ở đây. Vì thế, chùa mới có tên là Trinh Tiết, và từ đó, núi cũng có tên là núi Trinh Tiết.

Bên phải chùa có ngôi miếu thờ Đức Ông, một vị thần trong tín ngưỡng dân gian (có thể là thần núi Trinh Tiết). Do cảnh đẹp, do câu chuyện về nàng công chua có khí tiết, rất nhiều du khách đã tới vãn cảnh chùa. Tại chùa Phật Tích còn lưu giữ nhiều bài thơ của các vị vua chúa, các danh sĩ, các tao nhân mặc khách đề vịnh (vua Lê Lợi, Thái sư Trịnh Kiểm, danh sĩ Bùi Huy Bích, nhà thơ Hồ Xuân Hương, nhà thơ Nguyễn Du, vua Minh Mệnh, tri phủ Nghĩa Hưng Lê Văn Thành…).
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam
« Trả lời #5 vào: Tháng Tám 07, 2008, 08:14:31 AM »
Hang Luồn – Ao Dong

Từ thị xã Phủ Lý qua cầu Hồng Phú, theo quốc lộ 21, đến cây số 11, rẽ trái 500m là tới hang.


Quả núi có cửa hang

Trước cửa hang, có hai quả núi thấp đứng đối nhau tạo nên một cửa đá đồ sộ chắn ngang trước cửa hang. Mặt bằng trước hai quả núi này rất rộng, đây là một điểm dừng chân lý tưởng để ngắm toàn cảnh khu vực núi non và hang Luồn.


Đi thuyền trên ao Dong

Đây là khu vực được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi cao, ở giữa thung lũng này nổi lên một dãy núi thấp, dãy núi này có hang Luồn. Miệng hang Luồn chính là mặt trước của dãy núi nhìn ra cửa đá. Trước mặt hang là một bãi đất rộng có một con kênh lớn chứa nhiều nước. Về mùa mưa, đây là một bến thuyền. Mùa cạn có thể vừa đi thuyền, vừa đi bộ xuống cửa hang. Nguồn nước ở đây từ các khe núi cao đổ xuống, tỏa vào các kênh, các mạch ngầm rồi dẫn ra sông Đáy. Chính vì vậy, nước rất trong và sạch, có thể nhìn thấu đáy. Về mùa mưa, nước dâng lên sát trần hang nhưng cũng chỉ chốc lát là rút hết, chỉ giữ lại một lượng nước vừa đủ để vào hang.


Cửa hang Luồn

Miệng hang Luồn có hình vòm vách núi, chỗ nhô ra, chỗ lõm vào, chỗ thì chạy thẳng xuống lòng hang, vách thì uốn cong. Đặc biệt có vô số các nhũ đá hình thù muôn vẻ, cái từ trần hang rủ xuống, cái từ vách đá chồi ra kéo dài suốt chiều dài cửa hang. Chiều dài hang Luồn khoảng 400m, chiều rộng của hang vừa đủ cho một đoàn khách đi thuyền ngắm các vách núi với các nhũ đá kỳ lạ và nghe tiếng nước rỏ tí tách. Trong ánh sáng mờ ảo du khách sẽ cảm thấy bập bềnh, rồi du thuyền sẽ đưa du khách tới một không gian mở ra choáng ngợp khi gặp ao Dong.


Nhũ đá kỳ thú trong hang

Ao Dong rộng khoảng 300 mẫu, nước trong vắt có thể nhìn thấy từng con cá bơi, thấy cả thảm thực vật, đặc biệt là các loài rong núi, ngay cả ở mực nước sâu tới 3m. Ao Dong được tạo nên bởi các dãy núi cao, với rừng cây bên sườn núi. Động vật ở đây khá đa dạng, cỏ trắng, sơn dương rất nhiều tạo thêm sự sinh động hấp dẫn cho cảnh quan. Các ngọn núi in bóng xuống làn nước trong vắt của ao Dong tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.

Hang Luồn, ao Dong với sự kết hợp hài hòa của núi non cây cỏ, trời xanh, nước biếc, quần thể động thực vật hoang dã phong phú là điểm du lịch sinh thái có giá trị của tỉnh Hà Nam.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam
« Trả lời #4 vào: Tháng Tám 07, 2008, 08:09:34 AM »
Động Phúc Long

Từ thị xã Phủ Lý theo quốc lộ 1A đi về phía Ninh Bình 2km, rẽ phải theo đường qua cầu Đọ về Châu Sơn 4km sẽ đến động.

Động Phúc Long nằm trong khu vực núi Chùa thôn Châu, thuộc núi Kiện Khê (còn gọi là núi Thiên Kiện). Núi Chùa là một trong số những ngọn núi nối đuôi nhau ở địa phận thôn Châu Sơn và thôn La Mát thuộc Kiện Khê. Núi Chùa là ngọn trung tâm, trên đó có chùa Hang, có khu miếu ở phía bắc chùa. Vua Trần Duệ Tông (1373-1377) đã cho lập đền thờ trên núi, đền thờ này bị nhà Nguyễn phá vào năm Tân Dậu (1801) và cho xây lại ở thôn Châu như vị trí hiện nay. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, tục truyền trên núi Thiên Kiện có cây tùng cổ có rồng quần ở trên, vua Trần Thái Tông đã lập hành cung và Trần Đế Nghiễn cho quân vận chuyển tiền đồng về cất giấu năm 1379 ở nơi đây. Thời Pháp thuộc, Viễn Đông bác cổ đã liệt hạng núi Chùa là cổ tích danh thắng (ngày 01 tháng 6 năm 1925).

Núi Chùa do các khối đá vỉa xếp chồng chất, lởm chởm như đầu con rồng. Có mỏm đứng chơ vơ trên đỉnh như sừng rồng, nhiều mỏm đá dựng ngược như tóc rồng, phía nam núi có một mái đá nhô ra, dưới mái đá có những vỉa bò lan, nổi cộm lại thành miệng con rồng mà ngôi chùa như hạt ngọc nằm gọn trong miệng con rồng, nhiều vỉa đá xếp thành các bậc thang rất thuận tiện cho việc lên núi ngắm cảnh. Trên đỉnh núi có nhiều cây cổ thụ kiểu dáng khác nhau, từ đây có thể bao quát cảnh sơn thủy hữu tình của sông Đáy, núi Bút Sơn, thành nhà Hồ, núi rừng Thanh Thủy và dòng sông Đáy.

Từ đất bằng leo lên chừng 2m tới cửa động, từ cửa động đi vào chừng 5m tới một ngã ba, rẽ bên phải đi xuống dần hàng chục mét là động có nhiều thạch nhũ đẹp, rẽ bên trái là đường lởm chởm nhũ đá nhô lên, rủ xuống tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ. Động Phúc Long có dáng một con rồng thắt túi, có nhiều dơi bám trên vách nên nhân dân địa phương còn gọi đây là hang dơi. Động Phúc Long có sức chứa vài trăm người. Động hài hòa với cảnh quan núi Chùa, ngay bên cạnh là đình và chùa thôn Châu, tạo thành một di tích thắng cảnh hấp dẫn đối với du khách gần xa.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam
« Trả lời #3 vào: Tháng Tám 07, 2008, 08:04:31 AM »
Bát cảnh sơn

Quần thể di tích thắng cảnh Bát cảnh sơn nằm ở xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Từ thị xã Phủ Lý, theo quốc lộ 22 đi 13km là đến quần thể danh thắng Bát cảnh sơn (hoặc có thể đi từ Đồng Văn theo quốc lộ 60).


Vùng núi Bát Cảnh Sơn

Xã Tượng Lĩnh được thiên nhiên ưu đãi với địa hình tự nhiên có nhiều tiềm năng phong phú. Dãy Bát cảnh sơn đứng bên tả ngạn sông Đáy, dựa lưng vào vòng cung Nam Công (Kim Bảng – Hà Nam và Tuyết Sơn, Hương Tích – Hà Tây), tạo thành thế núi hình sông kỳ thú. Xét theo tổng thể ở phạm vi rộng thì Bát cảnh sơn là một cụm du lịch của quần thể Hương Sơn bởi hai thắng cảnh này rất gần gũi, tiếp giáp với nhau liền mạch trong dãy núi đá vôi Hà Nam – Hà Tây. Theo vị trí địa lý hành chính. Bát cảnh sơn là "tiểu thắng cảnh", là cửa ngõ Hương Sơn, nằm trong xã Tượng Linh, nơi ngã ba của 3 huyện Kim Bảng (Hà Nam), Mỹ Đức, Ứng Hoà (Hà Tây).

Từ lâu, dãy Bát cảnh sơn (dãy núi có 8 cánh) được coi là một thắng cảnh của trấn Sơn Nam. Theo Lịch triều hiến chương loại chí (phần Dư địa chí) của Phan Huy Chú thì vào thế kỷ thứ XVI, Nghị tổ Trịnh Doanh qua đây chiêm ngưỡng đã ví Bát cảnh sơn với Tiêu Tương bên Trung Quốc và cho lập hành cung để đi về thưởng ngoạn. Xưa kia, ở Bát cảnh sơn có 8 ngôi chùa và một ngôi miếu thờ thổ đại thần linh được bài trí xây dựng theo thuyết bát quái ngũ hành. Có thể do tám ngôi chùa mà vùng núi này được đặt tên là Bát cảnh sơn? Ngày nay, mặc dù một vài cảnh quan đã bị hủy hoại vì chiến tranh nhưng hàng năm khách vãn cảnh chùa Hương và khách du lịch thập phương vẫn về thăm với một số lượng khá đông.

Bát ảnh sơn bao gồm:

1. Đền Tiên Ông (đền Ông) được xây dựng vào đời vua Trần Nhân Tông trên lưng chừng núi Tượng Lĩnh, cao khoảng 200m giống hình con vui phủ phục (nhân dân thường gọi là voi quỳ). Núi Tượng Lĩnh là điểm đầu tiên trong hệ thống Bát cảnh sơn.


Đền Tiên Ông

Từ km 13 quốc lộ 22, theo đường đá thoai thoải tới phía bắc chân núi Tượng Lĩnh, qua 5 gian nhà khách, 3 gian nhà tổ, du khách đi 108 bậc đá lên đền. Đền hình chữ tam: tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, và hậu cung 1 gian. Đền trước vốn nhỏ, sau nhiều lần trùng tu mới có được quy mô đồ sộ như ngày nay. Tiền đường được kiến trúc kiểu chồng diêm tám mái cong, 4 góc đầu dao hình rồng mềm mại, mái lợp ngói nam đều đặn. Tòa trung đường xây kiểu hồi văn cánh bảng tam đấu, hậu cung cuốn vòm. Ở đây còn lưu giữ được nhiều thần phả, sắc phong và nhiều đồ thờ tự quý hiếm như hoành phi, đại tự, câu đối, bát hương bằng đá, bằng đồng. Đặc biệt ở đây còn có 2 pho tượng, 1 bằng gỗ, 1 bằng đồng được thờ trong hậu cung.

Đền Tiên Ông thờ Nam thiên đại thành hoàng Thánh tổ Thiên vương Bồ Tát. Sự tích Tiên Ông được truyền thuyết kể rằng cha của Tiên Ông quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh), là quan to trong triều nhà Trần, có tới 23 thê thiếp mà vẫn chưa có con trai. Đến khi đi kinh lý ở trấn Sơn Nam, tại xã Thịnh Đại (nay là xã Đại Cương) huyện Kim Bảng, thân phụ ngài lấy tới thê thiếp thứ 24 mới sinh được ngài. Ngài sinh ra đã có tướng mạo khác thường, lớn lên chỉ một lòng đèn hương thờ Phật. Ngài chu du khắp nơi tìm thầy học đạo. Vào một ngày, ngài đến khu Quang Thừa (nay là xã Tượng Lĩnh) thấy dãy Bát cảnh sơn hùng vĩ bèn lập một ngôi chùa dưới chân núi động Tam Giáo để thờ Phật và thờ tổ tiên cha mẹ, gọi là chùa Tam Giáo. Sinh thời ngài có rất nhiều công lao đối với nhân dân địa phương như cứu giúp kẻ nghèo khó, chữa bệnh cứu người. Khi đắc đạo, ngài hóa thân vào cây "Đại nại" và dặn rằng hãy lấy cây gỗ đó để tạc tượng thờ, còn lấy đồng tạc tượng thờ thần. Dân nhớ ơn lập đền thờ tạc tượng gỗ và tượng đồng theo lời dặn của ngài.

Các pho tượng rất linh thiêng, trải bao lần đền bị chiến tranh giặc giã phá hủy, pho tượng đã nhiều phen bị mang đi nhưng không ai đụng tới được. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã mang tượng đồng ở đền thờ ngài đi đúc tiền đồng nhưng búa rìu không chạm được vào tượng, tượng chỉ đổ mồ hôi, còn quân lĩnh chạm vào tượng thì bị rìu chặt vào chính chân mình. Nguyễn Hữu Chỉnh sợ hãi khấn rằng, nếu Ngài linh thiêng thì hãy cho sông Châu bên mưa, bên tạnh. Quả nhiên là ứng nghiệm. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Chỉnh phải sai quân lính mang tượng trả lại về đền. Nhiều vị vua, chúa như Lê Thái Tổ, Lê Dụ Tông, Trịnh Doanh, Trịnh Tùng, Trịnh Sâm, Mạc Phúc Hải đã tới thăm đền. Tương truyền, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh là con cầu tự của ngài.

Nhớ ơn ngài, cứ đến ngày rằm tháng 6 hàng năm, hai làng Thịnh Đại, Quang Thừa tổ chức lễ hội rất long trọng, khách thập phương ở nhiều nơi cùng về tham dự.

2. Chùa Ông

Phía trước đền Tiền Ông là một hồ nước lớn hình bán nguyệt bao quanh phía bắc núi Tượng Lĩnh. Hồ có diện tích 320 mẫu, có nước quanh năm, độ sâu trung bình là 4 đến 5m. Truyền thuyết kể lại trước đây ở giữa hồ có một ngôi chùa, gọi là Chùa Ông. Năm 1901, do ảnh hưởng của lũ lụt, chùa bị cuốn trôi. Hiện nay, hồ có nhiều loại cá to, diện tích mặt nước có thể khai thác du thuyền và câu cá.

3. Chùa Tam Giáo


Chùa Tam Giáo

Từ đền Tiên Ông, men theo sườn núi khoảng 1km là đền chùa Tam Giáo, Chùa Tam Giáo xưa kia có hàng trăm gian với hàng trăm pho tượng Phật uy nghi tráng lệ. Truyền thuyết kể rằng, khi xây dựng chùa, có rất đông thợ làm. Tiên Ông có nồi cơm và lọ muối vừng ăn hết lại đầy.

Chùa được xây dựng dưới chân núi, ở đây có một suối nước chảy từ lòng núi ra, tương truyền, dòng suối này mỗi ngày chảy ra hai bát gạo và hai đồng tiền đủ cho nhà sư sinh sống. Sau có kẻ tham biết chuyện đã đục cho miệng suối rộng ra, từ đấy gạo tiền không chảy ra nữa.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa là căn cứ hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh, chùa từng là kho tiếp liệu của công binh xưởng Liên khu III, lại vừa là Văn phòng thường trực Liên khu ủy và Ủy ban kháng chiến Liên khu III những năm 1947– 1950. Trên đường từ đền Tiên Ông đến chùa Tam Giáo trước đây có rất nhiều hang động đẹp, đến nay do biến động của thiên nhiên, do sự khai thác của con người, nhiều hang đã bị phá hủy.

Chùa Tam Giáo mới được khôi phục lại những năm gần đây. Chùa hình chữ đinh, có 5 gian đại tế và một hậu cung, đại tế tạo 8 mái chồng diêm, lợp ngói nam.

4. Chùa Kiêu, chùa Bà, chùa Dâu, chùa Cả, chùa Bông, chùa Vân Mộng

Tất cả những ngôi chùa trên từng tạo thành một quần thể vừa linh thiêng, vừa là danh thắng đẹp mắt. Tiếc rằng, cho đến nay, 6 ngôi chùa kể trên đều không còn, có chùa đã bị san bằng, có chùa chỉ còn lại nền móng.

Cách chùa Tam Giáo 150m đi ngược lên đỉnh núi là chùa Kiêu. Chùa Kiêu nằm trên đỉnh núi cao, từ đây có thể bao quát một vùng rộng lớn phía đông nam xã Tượng Lĩnh. Hiện nay chùa chỉ còn nền móng và một động nhỏ rộng 10m2. Dọc đường có 3 tấm bia khắc vào vách núi. Bên cạnh động có khối đá vuông mặt nhẵn nhụi trên có ghi chữ Hán: "Nhật nguyệt trường quang". Tục truyền ngày xưa cứ đêm trăng sáng, Tiên Ông cùng ngồi đánh cờ với các quan nhà trời.

Từ chùa Kiêu, vượt qua đường đèo và 3 thung lũng, qua 5 ngọn núi là đến chùa Vân Mộng. Tương truyền chùa Vân Mộng là nơi mà Thiền sư Nguyễn Minh Không đã từng tu hành và trụ trì. Ngôi chùa cũng đã đi vào sách vở với ghi chép của Lê Quý Đôn trong Vân đài loại ngữ. Tục truyền, vua nhà Lý bị đau mắt không thuốc nào chữa khỏi. Nghe tin ở chùa Vân Mộng có Quỷ Cốc tiên sinh thông tuệ thiên địa bèn đến cầu thì được biết nhà vua đau mắt là do động huyệt xoáy rồng ở khúc sông Hồng, cần có người hiến tế thì nhà vua mới khỏi bệnh. Sau có ông bà bán dầu Vũ Phục nhảy xuống sông, quả nhiên nhà vua lành mắt.

Chùa Vân Mộng nằm trên sườn núi chênh vênh quyện cùng khói mây huyền ảo, xung quanh có rất nhiều hang động lớn nhỏ kỳ thù bí ẩn, có những hang sâu 30m, rộng khoảng 300m2 như hang Dơi, hang Bạc, hang Vàng… Từ đây có thế đến thung Bế, thung Vạc của xã Tân Sơn. Hiện nay chùa chỉ còn nền móng cũ và một vài hiện vật như bia khắc vào vách núi, bát hương đá, đá tảng kê chân cột. Phía tây chùa có núi Hai Quả cao chót vót, lưng chừng núi có hang Dơi, vì ở đây có rất nhiều dơi đến trú ngụ, có những con to như cái quạt giấy. Cửa hang hình miệng rồng, hang sâu 50m. Đặc biệt trong hang có một hồ nước nhỏ, vòm hang có nhiều nhũ đá tự nhiên với nhiều hình thù kỳ lạ, đẹp mắt.

Ngoài ra, ở vùng Bát cảnh sơn xưa kia còn các ngôi chùa Bà, chùa Dâu, chùa Bông, chùa Cả hiện nay không còn dấu tích để lại.

Địa linh nhân kiệt, Bát cảnh sơn không chỉ nổi tiếng là danh thắng mà còn nổi tiếng về người hiền tài. Huyện Kim Bảng có 5 nhà khoa bảng thì Tượng Lĩnh có tới 3 người. Tượng Lĩnh còn được coi là nơi phát tích truyện trầu cau vì ở đây còn có suối Cau trong dãy núi đá vôi (nay gọi là suốt Tân Lang), có chợ trầu (này là chợ Dầu).

Với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với những dấu tích xưa còn lại, quần thể Bát cảnh sơn nếu được khai thác đúng hướng chắc chắn sẽ trở thành một điểm du lịch sinh thái – văn hoá hấp dẫn trên đất Kim Bảng, Hà Nam.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Re: Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam
« Trả lời #2 vào: Tháng Tám 07, 2008, 07:59:29 AM »
Núi Ngọc

Núi Ngọc nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc. Từ thị xã Phủ Lý, ngược sông Đáy 7km, tới bến Đanh, đi tiếp 100m là đến núi Ngọc.


Núi Ngọc

Quả núi nằm sát mặt nước sông Đáy. Núi Ngọc là một ngọn núi đá vôi trong hệ thống núi đá kéo dài từ Hòa Bình xuống hướng tây bắc đông nam qua xã Tượng Lĩnh – Khả Phong – Liên Sơn của huyện Kim Bảng. Tuy nhiên núi Ngọc nằm tách riêng, ngăn cách vệt dãy núi kia bằng con sông Đáy.

Núi Ngọc không cao lắm. Ở đây cây cối mọc nhiều, cây to cây nhỏ mọc chen nhau cành lá xum xuê do dân địa phương có ý thức giữ gìn. Trên núi có một cây si cổ thụ, tương truyền có tới hàng trăm tuổi. Đứng trên ngọn núi, du khách có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ. Ngay dưới chân núi có một ngôi đền cổ thờ một ông nghè có công với dân làng.

Nối giữa chùa Bà Đanh và núi Ngọc là một bãi rộng trồng cây lưu niên, chủ yếu là vải thiều, nhãn, tùy thời vụ có xen cả ngô lúa. Nằm hoàn toàn biệt lập với khu dân cư, trên núi, dưới sông, gần đền, gần chùa, núi Ngọc quả là một thắng cảnh của đất Kim Bảng, một địa điểm du lịch đầy hấp dẫn.
 

Đã thoát ra Manga4vn

  • Lữ hành cấp 3
  • ***
  • Bài viết: 632
    • Diễn đàn hội du lịch
Các địa chỉ du lịch hấp dẫn - Hà Nam
« vào: Tháng Tám 07, 2008, 07:55:06 AM »
Tất cả các bài viết trong topic này đều thuộc bản quyền  UBND tỉnh Hà Nam


Một số điểm du lịch làng nghề

Làng thêu An Hòa thuộc xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, cạnh quốc lộ 1A, cách thị xã Phủ Lý 4 km về phía Nam. Sản phẩm chính của làng nghề An Hoà là hàng thêu ren nổi tiếng. Từ nhiều năm nay, hàng thêu ren An Hoà đã có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới. Doanh số bán hàng của An Hoà đạt từ 1 - 2 triệu/USD/năm. Nhiều khách hàng trong và ngoài nước thường xuyên đến tham quan và mua hàng tại đây. Với vị trí thuận lợi, có nhiều ưu thế về văn hóa và là một làng nghề truyền thống đã tạo cho An Hoà thành điểm tham quan hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Sở Thương mại - Du lịch Hà Nam đã xây dựng mô hình làng nghề du lịch An Hoà và đã được UBND tỉnh phê duyệt.


Thêu ren ở Thanh Hà


Làng dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên). Sản phẩm chính ở đây là lụa tơ tằm và đũi. Sản phẩm không chỉ nổi tiếng với các cô, các mẹ trong nước mà cả trên thị trường thế giới. Với quy mô hiện đại, 500 khung dệt công suất đạt 900.000 - 1.000.000 mét lụa/năm. Làng dệt nằm ngay bên bờ sông Hồng, tại vùng dâu nổi tiếng của huyện Duy Tiên. Làng Nha Xá cũng có nhiều dấu ấn của làng Việt cổ, cạnh các điểm di tích văn hoá lịch sử như đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn... tạo cho làng dệt ngày một phát triển.
Đan mây tre ở Ngọc Động


Dệt lụa ở Nha Xá

Làng nghề song, mây tre đan xã Ngọc Động, huyện Duy Tiên. Làng nghề đã có tiếng từ lâu, sản phẩm chủ yếu là hàng mây, giang, mỹ nghệ xuất khẩu. Thị trường chính là Châu Âu, châu Mỹ và một phần Bắc Á. Nằm sát thị trấn, khu công nghiệp Đồng Văn và ngay cạnh quốc lộ 1A với phong cảnh làng quê trù phú, có dòng Nhuệ giang chảy qua. Đây là một điểm du lịch hấp dẫn nếu được đầu tư.


Đan mây tre ở Ngọc Động

Làng nghề trống Ðọi Tam, thuộc xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Thợ làng Ðọi Tam làm đủ các loại trống: trống dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường, trống trung thu… Gần đây, Đọi Tam nổi tiếng hơn bởi các nghệ nhân ở đây được vinh dự làm 285 chiếc trống hội đầu tiên của lễ kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Dân làng Đọi Tam cũng đang háo hức chuẩn bị hàng trăm chiếc trống nhân dịp Thăng Long - Hà Nội kỷ niệm 1000 năm. Đến Đọi Tam, du khách được thưởng thức các nghệ nhân làm trống cũng như được biết đến những chiếc trống dân làng đã “đóng góp” cho ngày vui của đất nước.


Làm trống ở Đọi Tam
« Sửa lần cuối: Tháng Tám 07, 2008, 07:58:58 AM Gửi bởi Manga4vn »
 

Tags:
 

Related Topics

  Tiêu đề / Tác giả Trả lời Bài mới
2 Trả lời
4579 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 25, 2008, 10:15:14 AM
Gửi bởi boydeptrai
1 Trả lời
5243 Lượt xem
Bài mới Tháng Sáu 23, 2015, 09:21:51 AM
Gửi bởi hoanganha1q2
1 Trả lời
4921 Lượt xem
Bài mới Tháng Sáu 19, 2012, 02:47:40 PM
Gửi bởi blogdiscovery
0 Trả lời
2188 Lượt xem
Bài mới Tháng Tám 03, 2008, 12:43:38 PM
Gửi bởi bin_lin
0 Trả lời
1749 Lượt xem
Bài mới Tháng Mười 07, 2016, 02:08:26 PM
Gửi bởi caoxilu

Nha Trang - Hang Rái - Vĩnh Hy - Bình Hưng - Bình Lập 1 ngày
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
828,000
Đặt ngay
Tour 1 ngày: Đồng Tháp - Gáo Giồng
Tour: Khám phá
1 ngày 0 đêm
695,000
Đặt ngay
Tour miền Tây 2N1Đ (Mỹ Tho - Bến Tre - Cần Thơ)
Tour: Thám hiểm
2 ngày 1 đêm
610,000
Đặt ngay
Tour Hòn Khô – Eo Gió 1 ngày - QN7
Tour: Thám hiểm
1 ngày 0 đêm
750,000
Đặt ngay
Tour tham quan Sài Gòn 1/2 ngày (Saigon City Tour)
Tour: Ghép đoàn
1 ngày 0 đêm
160,000
Đặt ngay

Vui lòng tắt chặn quảng cáo (uBlock, AdBlock, Adblock Plus Adblock Pro, Ghostery ...) để giúp chúng tôi có nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Chân thành cảm ơn!

Thông tin đăng nhập

 
 
Chào Bạn. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký.

Đối tác

Topo.vn - Địa điểm du lịch

Có thể bạn quan tâm

Đối tác


Mobile View