Trở thành một khu du lịch sinh thái, nhân văn và tâm linh nổi tiếng của cả nước, Côn Sơn mỗi năm tiếp đón hàng vạn lượt du khách thập phương về tham quan, lễ bái, vui chơi và nghỉ dưỡng. Độc giả Nguyễn Văn Hưởng viết.
Nằm cách Hà Nội 80km về phía đông bắc, khu du lịch Côn Sơn thuộc địa phận xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh (Hải Hương) là một điểm đến đầy lý tưởng trong tuyến hành hương về miền đất Phật (Côn Sơn-Kiếp Bạc-Yên Tử-Quỳnh Lâm).
Không ồn ào, sôi động và chen lấn xô bồ như những ngày hội chính vào đầu tháng Giêng và tháng Tám, tôi có dịp trở lại Côn Sơn vào những ngày cuối tháng Tám, đúng vào thời điểm lễ hội mùa thu Côn Sơn vừa kết thúc trong ít ngày trước nên không khí ở đây rất tĩnh lặng, bình yên.
Trong không gian, cảnh quan yên ả và thanh bình, một cảm giác thật trái ngược với những lần đến trước đó, tôi cảm nhận được Côn Sơn như ẩn mình, nép bóng dưới những tán rừng thông cổ thụ để chuẩn bị cho một mùa hội xuân tấp nập và đông vui sắp tới. Vì vậy, đây chính là cơ hội để du khách dạo bước một vòng và cảm nhận cái đẹp, cái hồn riêng của cảnh vật ở thắng tích Côn Sơn, nơi mà mấy trăm năm trước người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau khi từ bỏ mũ áo chốn quan trường đã chọn làm nơi để sống tu ẩn cuộc đời thanh bạch, an nhàn.
Đền thờ Nguyễn Trãi. Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng.
Vãn cảnh Côn Sơn tự, chùa có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, được khởi dựng vào thời Trần. Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm ở Quảng Ninh và chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, chùa Côn Sơn (Hải Dương) là một trong bốn trung tâm lớn của Thiền phái trúc lâm thờ Tam tổ. Với lối kiến trúc theo chữ công (I), chùa Côn Sơn có quy mô bề thế, nguy nga và lộng lẫy gồm các toà Tam quan nội, tam quan ngoại, Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, nhà tổ, nhà bia và tả hữu hành lang… bên trong chùa hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật, cổ vật, tượng cổ. Đặc biệt, chùa còn tấm bia đá cổ có tên “Thanh hư động”. Tương truyền đó là bút tích của nhà vua Trần Huệ Tông khi về thăm Côn Sơn năm 1373.
Chùa Côn Sơn là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Sau khi Huyền Quang mất, vua Trần Minh Tông đã cho xây Đăng Minh bảo tháp bằng đá xanh, cao 3 tầng, bên trong đặt xá lợi và tượng Huyền Quang, từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân ở Côn Sơn.
Mỗi năm ở Côn Sơn có hai mùa hội chính gồm hội mùa Xuân (tháng Giêng) để tưởng nhớ ngày Tổ Huyền Quang viên tịch và hội mùa thu (tháng Tám) để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Giếng Ngọc nằm ở phía chân núi sau chùa Côn Sơn, nước ở giếng ngọc có màu trong xanh và mát lạ kỳ. Tương truyền, một hôm thiền sư Huyền Quang đang ngủ bỗng có thần linh báo mộng và ban cho nguồn nước quý này. Ngày nay, nhiều du khách thường lấy nước giếng để uống và rửa mặt với quan niệm nguồn “nước thánh” này sẽ giúp cho con người được mát mẻ, thanh tịnh trong sạch.
Toàn cảnh khu đền thờ Nguyễn Trãi. Ảnh: Nguyễn Văn Hưởng.
Nằm trên đỉnh núi Côn Sơn với độ cao hơn 200m, nơi đây khí hậu ôn hoà mát mẻ, mùa đông thường có mây mù che phủ, đến Bàn Cờ Tiên, du khách phải chinh phục qua 600 bậc đá liên tiếp dưới khu rừng thông già theo tiếng gió vi vu, âm thanh đó đã tạo thêm cho du khách một cảm giác linh thiêng chốn cửa Thiền. Bàn cờ tiên là một lầu nhỏ trên đỉnh núi, đứng ở đây có thể bao quát được một vùng rộng lớn của hai tỉnh Bắc Giang, và Hải Dương.
Đền thờ Nguyễn Trãi là một quần thể các công trình kiến trúc đồ sộ, nguy nga và lộng lẫy mới được nhà nước tu bổ. Đền toạ lạc phía tả ngạn dưới chân núi Phượng Hoàng, phía sau đền là dòng suối trong mát chảy suốt bốn mùa, suối có di tích Thạc Bàn, chính tại dòng suối này hơn năm trăm năm trước nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của dân tộc Việt Nam- Nguyễn Trãi đã “tức cảnh sinh tình” viết Côn Sơn Ca:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm”.
Đi lên phía lưng chừng núi, du khách bắt gặp một khu đền thờ lớn, là nơi thờ Trần Nguyên Đán phụ thân của Nguyễn Trãi và một khu nền nhà cũ nơi ở của Nguyễn Trãi trong những ngày ông về Côn Sơn ẩn cư.
Không chỉ là nơi có nhiều các công trình kiến trúc và huyền thoại cổ, Côn Sơn còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh vật thật đẹp và có hồn. Đến Côn Sơn, du khách tha hồ được dạo mát dưới những bóng hàng thông cổ thụ, càng lên cao cảnh vật, không gian càng như mở ra để đón nhận lòng người. Giữa bạt ngàn rừng thông đua nhau vươn lên cao tít, mùi nhựa thông dìu dịu lan tỏa khắp không gian, những dòng suối và thác nước quanh năm róc rách, tuôn ra những bọt trắng loà như muốn níu chân du khách lại, quả thực thực đúng là “tiên cảnh”. Không chỉ có vậy, mùa này đến Côn Sơn còn được thưởng thức món hạt dẻ rừng thơm ngon được mang về từ khu rừng thiêng Yên Tử, hay nếm thử món cốm Nam Sách, bánh đậu xanh…. những sản vật rất nổi tiếng của tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Văn Hưởng