Bên chân cầu Chương Dương, có một ngôi đền linh thiêng thờ công chúa Ngọc Hân. Ðó là đền Ghềnh, thuộc thôn Ái Mộ, xã Bồ Ðề, huyện Gia Lâm, nay là phường Bồ Ðề, quận Long Biên.Chúng tôi đến viếng đền Ghềnh và nghe chuyện của cụ thủ nhang Ðặng Ðình Nguyên, hội viên Hội di sản văn hóa Thăng Long. Cụ là cháu đời thứ 5 của cụ tổ Ðặng Thị Bản, người đã có công dựng lại đền từ năm 1858.
Cho đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền sự tích đền Ghềnh gắn với số phận bi thương của công chúa Ngọc Hân: 16 tuổi, công chúa Lê Ngọc Hân, con gái yêu của vua Lê Hiển Tông và Từ cung Nguyễn Thị Huyền kết duyên châu trần với Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải ngay tại kinh thành Thăng Long năm Bính Ngọ (ngày 11-7-1786) rồi lên ngôi Bắc cung Hoàng hậu ở Phú Xuân (1789); nhưng chỉ hai năm sau, vua Quang Trung đột ngột ra đi, để lại cho Ngọc Hân bao nỗi xót xa đau đớn, cơ hàn vì sự trả thù của Nguyễn Ánh.
Bà ở góa tám năm nuôi hai con nhỏ là Nguyễn Văn Ðức, Nguyễn Thị Ngọc và mất ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (4-12-1799) ở tuổi 29.
Năm 1801, Nguyễn Ánh đánh chiếm Phú Xuân, lùng bắt hai con bà đang chạy trốn và giết thảm thương.
Năm 1804, thân mẫu Nguyễn Thị Huyền đã lặn lội vào tận Phú Xuân, tìm cách đưa hài cốt Ngọc Hân và hai cháu ngoại về an táng ở quê bà - làng Nành, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 16-7-1804 tại bãi Cây Ðại đầu làng rồi lập miếu thờ.
Ðến đời Thiệu Trị, vua coi việc lập miếu thờ vợ Quang Trung là một trọng tội nên đã lệnh cho quan quân địa phương khai quật mộ mẹ con Ngọc Hân đổ hài cốt xuống sông.
Vì sông Nguyệt Ðức gần làng, họ phải đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân đổ xuống sông Hồng, cách xa làng Nành. Ðó là quãng sông thuộc địa phận làng Ái Mộ.
Tượng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân được thờ ở đền Ghềnh suốt 200 năm quaThương xót Bắc cung Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân Ái Mộ lập miếu thờ bà chính nơi bờ sông vớt được hài cốt. Dòng sông bên lở, bên bồi; ít lâu sau, ngôi miếu nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi.
Cho đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản, vợ cụ Ðặng Ðình Hinh, vốn là người nhân từ đã hằng tâm công đức để tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú Viên nên được dân làng rất mến mộ, nể trọng.
Cụ quyên tiền khách thập phương và đứng ra xây lại ngôi đền. Ðể bảo vệ đền, không cho quan quân nhà Nguyễn đập phá, nhân dân dùng hình thức "thờ các chư vị", nhưng thực ra là thờ Ngọc Hân.
Mẫu Liễu Hạnh, con gái Ngọc Hoàng và Mẫu Thượng ngàn, con gái thần núi Tản Viên cũng được rước về phối thờ. Năm 1872, đền lại bị giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh Thành Hà Nội. Dốc lòng với việc tín nghĩa, cụ Ðặng Thị Bản lại đi quyên góp xây lại đền. Sau đó, đền được xây lại khang trang hơn trước gồm bảy tòa lợp ngói và hai miếu thờ bà chúa Bé.
Trải bao phen binh lửa, can qua, đền Ghềnh vẫn được con cháu cụ Ðặng Thị Bản trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày nay. Trong cung còn lưu đôi câu đối ca ngợi Lê Ngọc Hân:
Sơn nhạc chung linh, Lê thị chí kim lưu tự điển
Phong vân trường lộ, Nhĩ Hà dĩ bắc ngật sùng từ
Dịch nghĩa:
Núi Nhạc linh thiêng, gương bà họ Lê truyền ghi sử sách
Sóng gió lặng yên, đền dựng to cao đẹp bến sông Hồng
Hội đền Ghềnh thu hút khách thập phương bởi trong tâm thức dân gian, họ đến đền Ghềnh để trình các Thánh trước khi trẩy hội về Kiếp Bạc dự lễ hội giỗ Ðức Thánh Trần theo lệ "Tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ".
Sáng mồng 3-8, dân làng Ái Mộ làm lễ rước nước sông Hồng về đền. Sáng mồng 6-8, vào chính hội. Hội làng tươi vui trong đám rước kiệu bát cống của trai tân và kiệu võng của các cô gái đồng trinh.
Mồng 7-8, đặc sắc nhất là 5 người đóng 5 ông quan Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, Ðệ Tam, Ðệ Tứ, Ðệ Ngũ ngồi trước cửa Ðền. Buổi tối có hát văn ca ngợi Thánh Mẫu, trong đó có l*ng lời ca, ca ngợi vua Quang Trung, anh hùng áo vải và nỗi lòng bi thương của công chúa Ngọc Hân dựa vào bài thơ "Ai tư vãn" nổi tiếng. Sau lễ tạ là các cuộc thi bơi chải, hát sa mạc, trống quân, cò lả.
Do nhiều nguyên nhân, văn hóa dân gian đã dần bị mai một trong lễ hội. Năm Giáp Thân (2004), nhân dân phường Bồ Ðề đã khôi phục được lễ rước nước.
Ðược sự đồng tâm nhất trí của các vị bô lão trong bốn xóm cũ của Ái Mộ, Ban tổ chức lễ hội đã chuẩn bị công phu, chu đáo lễ rước nước trang trọng.
Ðền Ghềnh cũng được tu tạo lại khang trang. Các bộ hoành phi câu đối và tượng các Thánh đều sơn son thếp vàng bằng tiền công đức của khách thập phương. Một cầu thang lớn dài 30 m, rộng 3 m được bắc từ cửa đền xuống bến để nhân dân ra sông dự lễ rước nước an toàn.
Nghi lễ rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân.Hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long, UBND phường Bồ Ðề được sự đồng thuận của nhân dân trong phường tiếp tục thực hiện trùng tu và tôn tạo một số di tích lịch sử - văn hóa nằm trong quần thể kiến trúc ven sông Hồng, phát huy giá trị văn hóa dân tộc vàò sự nghiệp đổi mới và phát triển, làm cho quê hương thêm giàu đẹp.
Phạm Thu (Theo Nhân Dân)