Tân Lạc có tiềm năng du lịch dồi dào, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên với hệ thống các hang động, thác nước đẹp, hùng vĩ như: động Hoa Tiên - xã Ngòi Hoa, động Tớn - xã Nam Sơn, thác Trăng - xã Do Nhân, thác Khanh - xã Phú Cường và có núi Cột Cờ - niềm tự hào của vùng đất cổ Mường Bi.
Tân Lạc (Mường Bi) là một trong 4 Mường lớn của tỉnh Hoà Bình và có nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng. Người mường Tân Lạc còn giữ được nhiều nét đặc sắc của bản sắc văn hoá mường như: áng mo Mường với sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, hát ví Thường đang, Bọ mẹng, nhạc cụ dân tộc (nổi bật là cồng chiêng). Nhiều phong tục, tập quán cổ vẫn được duy trì trong đám cưới, đám tang và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Được thiên nhiên ưu đãi Tân Lạc được biết đến với những phong cảnh đẹp, sản phẩm du lịch độc đáo về văn hoá, sinh thái... Tân Lạc có nhiều Di tích văn hoá cấp quốc gia, như: Di tích khảo cổ Hang Muối; động mường Chiềng - danh lam thắng cảnh; động Hoa Tiên - di tích danh thắng; hang Bưng - di tích lịch sử; động Thác Bờ, động Nam Sơn di tích danh thắng; hang Bụt - di tích văn hoá cấp tỉnh... Ngoài ra, còn có nhiều núi đá, rừng nguyên sinh và những con suối nhỏ trong lành tạo thành một bức tranh phong cảnh đẹp. Với địa hình khá bằng phẳng, giao thông thuận lợi cách trung tâm tỉnh lỵ 30km, cách trung tâm thủ đô Hà nội 100km, có đường Quốc lộ 6 đi qua trung tâm huyện để đến với các tỉnh miền Tây Bắc và quốc lộ 12A chạy tới các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Những tiềm năng sẵn có này là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển ngành du lịch.
Trăn trở với việc khơi dậy tiềm năng du lịch của huyện nhà, Trưởng phòng Văn hoá - Thể thao & Du lịch huyện cho biết: Thực tế, việc phát triển du lịch của huyện mới chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng. Trong các cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện uỷ đã nhận định: Với tiềm năng sẵn có, huyện có thể đưa ngành du lịch, dịch vụ lên vị trí mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội sau này. Từ ý tưởng ban đầu đó, huyện đã mời Công ty cổ phần xây dựng và đầu tư khu du lịch sinh thái CAVICO (Hà Nội) về khảo sát giúp huyện quy hoạch, phát triển du lịch huyện giai đoạn 2005-2020 với những lộ trình cụ thể. Mới đây, Phòng Văn hoá- Thể thao & Du lịch cũng đã tham mưu cho huyện kế hoạch Bảo tồn, khai thác di sản văn hoá, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh để phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2008-2015 với những công việc cụ thể như: Giữ gìn, bảo tồn di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, bản sắc văn hoá Mường như: Nhà sàn, trang phục, tiếng nói, nhạc cụ dân tộc, hát ví, Thường đang, áng mo Mường, các phong tục tập quán của dân tộc; giữ gìn rừng nguyên sinh, bảo vệ môi trường sinh thái và các danh lam thắng cảnh, giữ nguyên hiện trạng các di tích lịch sử văn hoá và có kế hoạch bảo tồn, khai thác hợp lý; bảo tồn làng Mường truyền thống xóm Luỹ - Ải và phát huy Lễ hội “Khai hạ” Mường Bi thành lễ hội truyền thống của người Mường để quảng bá du lịch. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như: Xây dựng khách sạn, nhà nghỉ, hệ thống điện, đường giao thông, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo di tích... Một mặt, thực hiện việc quảng bá, giới thiệu cảnh quan, con người và bản sắc văn hoá dân tộc của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để tạo nền tảng ban đầu cho việc phát triển du lịch, huyện sẽ bắt đầu từ Lễ hội “Khai hạ” 2009. Lễ hội sẽ được tổ chức quy mô hơn, dài ngày hơn để thu hút khách du lịch tham quan các di tích, danh thắng ở vùng lân cận. Huyện dự kiến xây dựng 3 tua du lịch sinh thái văn hoá, nhưng trước mắt từ nay đến 2010 sẽ thực hiện tua du lịch Mường Khến - Phong Phú - Địch Giáo - Quyết Chiến - Lũng Vân - Nam Sơn - Bắc Sơn - Mai Châu - lòng hồ Sông Đà. Những kế hoạch, hướng đi cụ thể đã được huyện thông qua và đưa vào định hướng, chiến lược phát triển kinh tế của huyện.
Một hướng đi mới đã hình thành, du lịch Tân Lạc sẽ tạo được điểm nhấn để trở thành nền kinh tế mũi nhọn, phát triển tương xứng với vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo báo Hòa Bình