Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc của tổ quốc, tỉnh có nền Văn hoá Hoà Bình nổi tiếng trong nước và thế giới, là cái nôi của người Mường (người Việt cổ) với 4 Mường nổi tiếng: Bi, Vang, Thàng, Động. Sự độc đáo về bản sắc văn hoá được thể hiện qua phong tục, tập quán của các dân tộc Mường, Dao, Thái, Tày, Mông, Hoa, còn được lưu giữ khá nguyên vẹn với trên 30 lễ hội cộng đồng dân tộc.
Trong những năm qua, Hòa Bình đã phát triển mạnh hoạt động du lịch, trong đó, lựa chọn trọng tâm là loại hình du lịch văn hoá - sinh thái. Hiện nay, nhiều bản làng du lịch đã tạo được ấn tượng với du khách. Đáng chú ý là các bản làng của người Mường ở bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong; bản Luỹ, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc... Nơi đây, người dân vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt truyền thống trong những ngôi nhà sàn cổ truyền. Các tập tục gần như còn nguyên vẹn với “Cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui”. Những giá trị truyền thống văn hoá được người dân bảo tồn qua các lễ hội, hoạt động văn hoá, như: Cồng chiêng, hát thường rang, bọ mẹng, ném còn, đánh mảng... Đặc biệt là giá trị văn hoá ẩm thực được người dân coi trọng, đó là rượu cần, cơm lam, măng rừng, thịt chua ... cùng nhiều sản vật từ rừng. Không chỉ có những nếp nhà sàn thấp thoáng trong rặng cây, nằm xen những chân ruộng bậc thang, mà không gian của bản làng người Mường còn được nhấn mạnh qua các vật dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, như: Guồng quay bằng tre lấy nước từ suối về đồng ruộng, hay bể nước sinh hoạt của người dân; cối giã gạo bằng nước; khung dệt vải... Những giá trị văn hoá đó đã tạo nên ấn tượng sâu sắc với du khách khi đặt chân đến các bản làng của người Mường.
Bản làng của người Thái cũng giống như bản làng của người Mường, đều nằm ven sông, suối, nơi có đất đai phì nhiêu, cây cối tươi tốt. Nhưng, mỗi phong tục, tập quán lại mang bản sắc riêng có của từng dân tộc. Bản làng của người Thái được biết nhiều nhất ở huyện Mai Châu với cái tên: Bản Lác, Bản Văn, bản Pom Coọng... Cuộc sống quần tụ của người Thái đã tạo nên những nếp sinh hoạt độc đáo. Không chỉ vì những bản làng gọn gàng, sạch sẽ với hình ảnh những người phụ nữ chăm chỉ dệt vải bên khung cửi, mà còn ấn tượng bởi nét sinh hoạt cộng đồng. Vào các dịp lễ, tết, người Thái thường tập trung quanh sân giữa làng để tổ chức các hoạt động văn hoá. ở đó, các chàng trai, cô gái Thái xum vầy bên đống lửa, cùng nhau vào hội xoè, vít cần rượu, hát khắp... Lời ca, điệu múa của người Thái mang đậm hơi thở của cuộc sống, chứa đựng ước vọng bình yên, cầu mong mùa màng tươi tốt, người người vui vẻ, gia đình ấm no.
Trong không gian văn hoá đó, cuộc sống của đồng bào Mông ở huyện vùng cao Mai Châu đã tạo ra một điểm nhấn độc đáo nơi núi non hùng vĩ, quanh năm sương phủ. Trước đây, đồng bào Mông thường du canh, du cư, nên bản làng không ổn định, những nét sinh hoạt truyền thống cũng dần bị mai một. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào Mông đã định canh, định cư, lập bản để ổn định cuộc sống. Từ đó, những hoạt động văn hoá riêng có cũng dần được khôi phục. Đáng chú ý là chợ của người Mông, nơi được coi là hội tụ văn hoá của rừng núi. Đồng bào thành lập chợ không chỉ để mua, bán, trao đổi hàng hoá, mà còn là nơi để tập trung sinh hoạt văn hoá công đồng. Người Mông đến chợ để khoe những bộ áo, váy lộng lẫy do chính tay các cô gái tự làm; để tìm bạn trò chuyện tâm giao; cùng nhau kết thành những vòng múa khèn; nô nức với trò đua ngựa... Qua các buổi sinh hoạt chợ này, trai, gái Mông tìm hiểu nhau, để rồi thực hiện những nghi lễ quan trọng nhất của đời người là “bắt vợ”. Tập tục này trở thành nét đẹp truyền thống hiếm có nơi vùng núi cao.
Từ những hoạt động cộng đồng mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc, Hòa Bình đã định hướng phát triển du lịch thông qua việc bảo tồn các lễ hội, các hoạt động văn hoá, sinh thái. Nhiều Lễ hội lớn đã được khôi phục và phát triển như: Lễ hội Khai hạ, xuống đồng của người Mường; lễ hội chá chiêng của người Thái; Tết nhảy của người Dao; hội gầu tào của người Mông... Những hoạt động này tạo nên ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu văn hoá. Đây cũng chính là tiền đề để tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, tỉnh giành nhiều ưu đãi cho các dự án du lịch đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn văn hoá, bảo vệ sinh thái, khai thác tiềm năng thiên nhiên, văn hoá, lịch sử. Nhiều khu du lịch văn hoá, sinh thái được hình thành, xây dựng và phát triển đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, như: Khu du lịch suối khoáng Kim Bôi, khu du lịch V-resort, Thác bạc Long Cung huyện Kim Bôi; khu du lịch Trang trại vịt cổ xanh, làng văn hoá Việt - Mường, sân golf Phượng Hoàng, khu du lịch trượt cỏ Minh Hạnh huyện Lương Sơn; khu du lịch thác Thăng Thiên huyện Kỳ Sơn; khu du lịch Chùa Tiên huyện Lạc Thuỷ... Những khu du lịch này đều khai thác triệt để những nét đẹp truyền thống của cộng đồng các dân tộc, làm nền tảng phát triển các loại hình dịch vụ du lịch.
Mới đây, Hòa Binh đã tổ chức thành công ngày Hội văn hoá Mường. Hoạt động này không chỉ nâng tầm văn hoá của tỉnh, mà còn tạo ra một hướng đi mới trong việc liên kết văn hoá cộng đồng của các vùng dân cư, từ đó khai thác để phát triển thành vùng du lịch, khôi phục các làng nghề và những lễ hội dân tộc để tạo nên sự đa dạng trong hoạt động du lịch. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư các tuyến nối điểm du lịch chính trong tỉnh với các điểm du lịch của các tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ... dần dần hình thành các chương trình du lịch liên vùng vừa đa dạng, vừa hợp lý về hành trình.
Mỗi năm, tỉnh Hòa Bình đón tiếp khoảng 60 vạn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu văn hoá. Mục tiêu đặt ra đến năm 2010, tỉnh sẽ có trên 1 triệu lượt khách và đến năm 2015 sẽ có trên 2 triệu lượt khách đến với các điểm du lịch của tỉnh. Với hướng đi đúng như hiện nay trong việc bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, hy vọng Hòa Bình sẽ sớm thực hiện được những mục tiêu đề ra, để du lịch thực sự là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội.
Theo báo Hòa Bình