Du lịch ở miền Tây là về với một vùng sông nước thanh bình, sống lại với nền văn hoá sông nước cổ truyền sôi động mà sâu lắng. Trong cơ chế hội nhập quốc tế hiện đại văn minh đến đâu, nhưng chợ nổi trên sông nước vẫn tồn tại phát triển như một yếu tố văn hoá tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dân cư vùng sông nước thanh bình ở ĐBSCL. Nét độc đáo của chợ nổi sông nước kết hợp với
du lịch miệt vườn chỉ có ở nơi này, bởi ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi là xứ sở của sông ngòi, kinh rạch chằng chịt đan xen, ghe xuồng đi lại như mắc cửi, cùng sự định cư trải dọc hai bên bờ sông của các cộng đồng dân cư. Trên những con rạch, con kinh đó, trải qua bao đời nay đã hình thành hàng chục chợ nổi, những chợ nổi này hiện vẫn còn giữ nguyên nét sinh thái đặc trưng là trung tâm buôn bán luân chuyển hàng nông sản ở đồng bằng châu thổ. Cũng tại nơi đây, từ lâu đã hình thành giới thương nhân lấy tàu ghe để kinh doanh làm văn phòng, làm nhà lênh đênh trên sông nước.
Nhộn nhịp Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) Chợ nổi ĐBSCL có từ bao giờ chẳng ai nhớ. Nhưng bao đời nay, nơi đây đã hình thành một nền kinh tế - văn hoá sông nước mang tính cộng đồng. Việc đi lại giao lưu văn hoá, phát triển kinh tế hàng hoá bằng đường thuỷ, nhóm họp buôn bán trên sông, giúp người dân dễ dàng hoà nhập cộng đồng. Phải chăng, chính vì thế đã tạo nên tính cách phóng khoáng cởi mở của người dân sông nước Nam bộ.
Ở Nam Bộ có nhiều chợ nổi tiêu biểu như: Chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Chợ nổi Trà Ôn, Măng Thít (Vĩnh Long), Chợ nổi Cái Răng, Phong Điền (T.P Cần Thơ), Chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), Chợ nổi Cà Mau… Chợ nổi khác với chợ trung tâm đô thị, chợ xã, chợ nông thôn và càng khác xa với chợ tình, chợ phiên… ở miền Bắc. Các chợ nổi có điểm chung là không có nhà để họp chợ, không có sạp bày bán hàng hoá.
Hàng ngày, khi mọi người còn đang ngon giấc, chợ nổi đã bắt đầu nhộn nhịp nhóm họp với hàng trăm ghe tàu lớn nhỏ, đậu san sát vào nhau, trước mũi hay hai bên mui treo lủng lẳng các thứ hàng đủ loại màu sắc, đong đưa mời gọi khách mua hàng thay cho những tấm bảng hiệu như cách kinh doanh trên bờ. Tại ĐBSCL, có không ít chợ nổi vừa là đầu mối bán sỉ hàng nông sản, thực phẩm, đồng thời vừa là điểm tập kết xuất khẩu trái cây. Trong ánh sáng mờ mờ của buổi bình minh, đứng trên bờ nhìn xuống, chợ nổi hiện ra lung linh với đủ loại màu sắc của các loại đèn như đêm hội hoa đăng, cùng với cảnh tấp nập người mua mặc cả, thương lượng vang cả một khúc sông. Vui nhất là cảnh giao hàng với cảnh người tung, người đỡ như những nghệ sĩ xiếc đang biểu diễn trên sông.
Buôn bán trên sông -nét đặc trưng ở Chợ nổi Nam Bộ
Mặt hàng chủ lực của chợ nổi là các loại hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng… Ở đây, hình ảnh các mẹ, các chị đi chợ trên một chiếc xuồng ba lá lướt nhẹ nhàng trên sông có điều gì đó khác hẳn với hình ảnh người đi chợ xứ Bắc với quang gánh trĩu nặng hay xe cộ cồng kềnh… Đông vui nhất là những ngày giáp Tết, chợ nổi nhộn nhịp, náo nhiệt hơn, cảnh trên bờ người chen lấn qua lại, dưới sông ghe tàu chen chúc ra vào để mua hàng hoá cho kịp chuyến hàng, kịp con nước.
Du lịch chợ nổi, du khách không những tìm hiểu được cách mua bán trên sông, sự phong phú, giàu có của nông sản miền Tây, mà còn tìm hiểu nét sinh hoạt đặc trưng văn hoá của chợ nổi Nam Bộ.
Cần Thơ được mệnh danh vùng đất Tây Đô - trung tâm của ĐBSCL. Du khách khi tham quan trên sông nước Cần Thơ là đi trong cảnh tàu thuyền tấp nập, bên mạn thuyền là những vườn trái cây rộng lớn với nhãn, cam, xoài, bưởi, măng cụt… Khởi hành từ bến tàu
du lịch Ninh Kiều, khách sẽ được đưa đến tham quan ngôi nhà cổ 135 năm tuổi ở Bình Thuỷ - một trong những ngôi nhà cổ nhất ở Cần Thơ. Tiếp đó, tàu sẽ đưa du khách dọc theo sông Cần Thơ ngắm công trình hiện đại nhất ở miền Tây là cầu Cần Thơ, ngắm cảnh sinh hoạt của người dân địa phương ở hai bên sông, tham quan chợ cổ Cần Thơ. Tới thăm chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, du khách bắt gặp cảnh sông, rạch chằng chịt, hai bên toàn là vườn cây xanh, các hàng dừa cao bóng mát chạy dài đến các vùng ven sông Hậu, được ngắm cảnh sinh hoạt đậm chất miệt vườn, đi chơi kênh rạch, xem lò hủ tíu, lò cốm…
Du thuyền trên sông nước chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Nếu có thời gian, du khách nên tham quan một vài điểm
du lịch sông nước miệt vườn tiêu biểu ở miền Tây như
du lịch vườn trái cây Mỹ Khánh, Cồn Ấu (Cần Thơ) hay qua Cồn Thái Sơn, Tân Long - chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cồn Phụng (Bến Tre), Cồn Phong Nẩm (Sóc Trăng)... Có dịp bách bộ trên các cù lao, dưới những tán lá của vườn cây trĩu quả thơm mùi trái chín hẳn lòng bạn sẽ cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, sự mệt mỏi dường như tan biến
Du lịch miền Tây là tuyến
du lịch sinh thái phù hợp với mọi giới, mọi lứa tuổi, tạo cho du khách những giờ phút sống với thiên nhiên sông nước miệt vườn trong lành và tận hưởng thú vui đồng nội. Du khách một lần được bồng bềnh trên sông nước miền Tây hẳn sẽ không bao giờ quên được kỷ niệm về vùng đất với sông nước, chợ nổi kết hợp
du lịch miệt vườn sinh thái, với những người dân quê chân chất, cởi mở, mộc mạc, hiền lành và giàu lòng hiếu khách, nhớ những vị ngọt của trái cây, những món ăn dân dã Nam Bộ tuyệt vời./.