Đồng Tháp Mười từng nổi tiếng về di tích lịch sử văn hóa và nhiều khu du lịch sinh thái... Tuy nhiên, trong đó còn có một khu du lịch “mới toanh” cũng thuộc về vùng Đồng Tháp Mười (Long An), khá đẹp và có nhiều nét độc đáo. Đó là ngọn giả sơn (hay còn gọi là Núi Đất) và khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, nằm gần biên giới Mộc Hóa - Campuchia...
Muốn đến Núi Đất và khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, du khách sẽ khởi hành từ thị xã Tân An (Long An) đến ngã ba Bưu Điện, rẽ theo Tỉnh lộ 49 khoảng 65km đến thị trấn Mộc Hóa, gặp ngã tư Biên Phòng, quẹo trái chừng 300m là tới Núi Đất. Khu du lịch Núi Đất nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Hóa - huyện vùng biên giới của tỉnh Long An. Sở dĩ gọi Núi Đất vì nó không phải là núi tự nhiên, mà chính do bàn tay con người tạo nên. Vào năm 1957 đến năm 1960, cùng với việc chấn chỉnh địa lý hành chánh và xây dựng tỉnh lỵ Kiến Tường ở Mộc Hóa, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt tù chính trị đào đất chung quanh khu vực này đắp thành vài khu giả sơn để làm thắng cảnh. Nhìn từ xa, Núi Đất như một hòn non bộ khổng lồ nổi lên trên một hồ nước trong xanh, êm đềm, khá đẹp và thơ mộng. Nối liền Núi Đất với bờ là chiếc cầu xi măng cách điệu uốn cong. Khu Núi Đất chia làm ba tiểu đảo:
Tiểu đảo 1 có núi lớn cao khoảng 10m, núi nhỏ cao 5m và nhiều tảng đá ong rêu phong theo thời gian năm tháng. Xen lẫn vào đó là những cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi, có đường lên xuống bằng những bậc đá đảm bảo an toàn cho khách du ngoạn. Tiểu đảo 2 là một ngọn núi cũng được xây đắp bằng đất nối liền tiểu đảo 1 bằng cây cầu dài nhỏ. Tiểu đảo 3 nằm bên trái hồ sen, được tạo dáng như hòn non bộ bằng đá có hai cây bồ đề phủ trùm bóng mát. Trong lòng hồ còn có 2 nhà thủy tọa để du khách hóng mát, trò chuyện...
Từ Núi Đất đi chưa đầy 1km là đến bến tàu Mộc Hóa. Từ đây khách phải đi ngược dòng Vàm Cỏ Tây về hướng Campuchia để đến với vùng Đồng Tháp Mười... Sau 3 giờ đồng hồ lênh đênh trên sông, thuyền rẽ mũi vào một rạch nhỏ là đến khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười. Trong ký ức của nhiều người, Đồng Tháp Mười là “rừng thiêng nước độc”, nơi đó chỉ có “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh như bánh canh”. Đó là dấu ấn của ngày xưa, còn hôm nay giữa vùng nước mênh mông ấy có cả một khu bảo tồn thiên nhiên có nhiều cây dược liệu quý nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Giám đốc khu bảo tồn cho biết, ngoài nhiệm vụ bảo tồn, phát triển và trồng mới nhiều loại dược liệu, hiện nay có hơn 1.000 loại dược liệu sinh thái. Ngoài ra trung tâm còn trực tiếp sản xuất nhiều loại thuốc chống ung thư, viêm siêu vi, sốt rét, viêm xoang và các loại thuốc đặc trị khác... và làm nhiều loại theo đơn đặt hàng của các xí nghiệp dược trong và ngoài nước.
Hoàng hôn buông xuống, những đàn chim, cò... hàng ngàn con bay về đậu trắng xóa trên những ngọn cây rừng xung quanh khu bảo tồn. Đêm xuống, gió l*ng lộng, cứ tưởng tượng giữa một vùng đồng trống mênh mông cơ man nào là nước, xen lẫn những cánh rừng bạt ngàn, nghe các bản tài tử cải lương Nam bộ, nghe những bản tân cổ giao duyên thật ngọt ngào ngân vang và dường như cánh rừng tràm không dám lung lay, con cá dưới mương cũng không dám vẫy đuôi bơi lội... Những ly rượu thuốc được chế từ cây thuốc địa phương chuyền tay nhau thưởng thức, hương rượu thơm nồng, ngọt ngào. Nhiều người cùng bảo nhau “hãy có một đêm trắng” để mai về thành phố sẽ giữ được mãi trong lòng những phút giây lý thú trong đời.
Nguồn tin: Nguồn báo Cần Thơ