Hòa Thắng (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) là một trong hai xã thuộc căn cứ cách mạng Khu Lê trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Không chỉ được biết đến bởi sự kiên cường, bất khuất của quân và dân địa phương mà nơi đây khá nổi tiếng với những thắng cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng.
Từ trung tâm Lương Sơn, chỉ cần 20 phút ngồi xe gắn máy là đến được Hòa Thắng, huyện Bắc Bình. Con đường trải nhựa dài phẳng lì giúp du khách có thể quan sát được những cánh rừng Ô rô – Những cánh rừng đã đi vào những bài thơ bất hủ và tiểu thuyết của biết bao nhà văn, nhà thơ. Con đường dài 17km này hoàn thành vào năm 2004 đã mở ra tương lai sáng cho vùng đất căn cứ cách mạng Khu Lê, vùng đất từng một thời bị bom đạn Mỹ cày đi, xới lại nhiều lần. Dốc hầm, một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với những ai ham tốc độ nhưng đó lại là một địa điểm không kém sự hấp dẫn đối với những du khách biết thưởng ngoạn. Từ độ cao của Dốc Hầm, ta có thể nhìn ngắm được rừng và biển mờ ảo trong mây trời. Đến km thứ 15, du khách đã được thỏa thích ngắm nhìn Bàu Sen (Bàu Trắng). Bàu Sen là tên chung mà ta thường gọi nhưng thực chất đó là hai bàu cát riêng biệt với tên gọi Bàu Ông và Bàu Bà. Hai bàu nước này cách nhau chừng 500m. Người ta kể lại rằng ngày xưa Bàu Ông và Bàu Bà là một bàu và là một nhánh sông đổ ra biển Đông. Nhưng một hôm có một vị vua dẫn quân đi đánh giặc bị thất trận. Tướng sĩ và quân lính bị chết trận, vị vua ấy một mình một ngựa chạy về hướng biển. Khi chạy đến đây, nhìn thấy trước mặt là sông sâu không thể nào vượt qua được, trong khi đó phía sau lưng, giặc đang đuổi đến gần. Nghĩ mình đã đến đường cùng, vị vua đã xuống ngựa khấn vái; may thay, một dải đất rộng nhô lên ngăn cách dòng sông giúp ngài vượt qua an toàn. Dù truyền thuyết chưa hẳn là chuyện có thật nhưng câu chuyện về vị vua đã được truyền từ đời này sang đời khác để lý giải cho sự ngăn cách nhau của 2 bàu nước trong xanh này. Trong 2 bàu thì Bàu Ông có diện tích nhỏ hơn với 23ha, độ sâu khoảng 15m. Xung quanh bàu có rất nhiều hoa sen. Mùa hè, sen nở rộ đầy sắc hồng. Nếu đến đây vào mùa hè hoặc mùa xuân sẽ không thể nào tả hết vẻ đẹp hoang sơ của bàu nước này. Riêng Bàu Bà rộng đến 69,3ha. Người dân địa phương cho biết ngày trước Bàu Bà rất rộng nhưng do bị cát bay nên diện tích ngày càng bị thu hẹp dần. Đặc biệt, trước kia Bàu Bà rất sâu, người ta đã tìm mọi cách để đo độ sâu của đáy bàu nhưng đều bất lực nên cái tên bàu không đáy đã ra đời từ đó. Ngày nay, bằng nhiều tiến bộ kỹ thuật và phương tiện máy móc hiện đại các nhà đo đạc đã tính được chỗ sâu nhất của đáy Bàu Bà là 20m. Dưới tán cây dương liễu quanh năm rủ bóng mát, nhìn những làn nước trong xanh gợn sóng lăn tăn mới thấy hết sự thi vị của thắng cảnh thiên nhiên này.
Bàu Trắng có một trữ lượng nước ngọt khá lớn. Phía bên kia bờ bàu là những triền cát trải dài thơ mộng uốn mình như những dải lụa mềm rất thích hợp với việc tổ chức các trò chơi trượt đồi cát. Rời khỏi Bàu Trắng chừng 5km, du khách sẽ đến được Bãi Chùa. Đây quả là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp rất thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Đến đây, du khách có thể thỏa thích ngắm cảnh phong thủy hữu tình núi trên cao và biển bên dưới. Hiện nay, Công ty Cổ phần Đức Khải đang thi công 2,8km tuyến đường ra Bãi Chùa với kinh phí ước tính 17 tỷ đồng.
Cạnh Bãi Chùa là Hòn Hồng. Nhìn từ phía xa, Hòn Hồng trông kỳ vĩ, hiên ngang, bất khuất giữa đất trời. Thực ra, Hòn Hồng là một ngọn núi nằm sát bờ biển thuộc thôn Hồng Chính, có độ cao 236m. Hòn Hồng trải dài hơn 10km dọc bờ biển với nhiều bãi đá tuyệt đẹp như: Bãi Ốc, Bãi Gành, Bãi Xếp, Bãi Dơi… Đứng ở mũi Bãi Xếp ngay dưới chân Hòn Hồng, nơi những ghềnh đá chồng chất lên nhau, sóng biển dội vào vách đá tung bọt trắng xóa tạo nên những khúc nhạc xao động của biển khó mà tả hết được cảm xúc. Người dân ở đây cho biết sở dĩ có tên gọi như vậy vì vào những buổi xế chiều nhìn lên đỉnh núi dễ nhận thấy ánh hào quang màu hồng tỏa ra từ núi đá. Nhìn từ bất cứ góc độ nào thì Hòn Hồng không thể nào giống với những ngọn núi khác bởi nét đặc trưng riêng của nó. Hòn Hồng có cấu tạo địa chất Granít pha lẫn trầm tích núi lửa. Nhưng có điều kỳ thú là trên núi đá ấy là một cánh rừng xanh tươi, tạo thành 3 gam màu khác nhau: xanh, trắng và đỏ xen kẽ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Hòn Hồng là Đài quan sát của quân ta và khắc ghi nhiều chiến công anh dũng. Từ Hòn Hồng nhìn về phía biển rất dễ nhận ra một thắng cảnh khác là Hòn Nghề, hay còn được gọi là Hòn Đú, bởi hình dáng rất giống với một con đú biển. Đó là một cù lao nhỏ nhô lên giữa biển khơi với độ cao trên 15m so với mặt nước. Hòn Nghề cách Hòn Rơm chừng 15km theo đường biển. Mặc dù diện tích chỉ hơn 1,2ha nhưng lại có một di tích lịch sử cách mạng và thắng cảnh xinh đẹp. Nơi đây, vào năm 1946 quân và dân địa phương đã tổ chức một trận đánh lịch sử tiêu diệt nhiều lính lê dương và ngụy quân định đổ bộ vào làng Bình Thiện, nay là thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng. Sóng biển nhấp nhô nối tiếp nhau trườn vào bờ cát trắng hình cánh cung tạo nên những làn gió biển mát rượi. Trong tương lai, nếu được đầu tư tốt, Hòn Nghề sẽ là một thắng cảnh lý tưởng vừa là nơi tắm biển, nghỉ dưỡng và phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Hiện nay, tuyến đường giao thông ven biển từ Mũi Né đến Hòa Thắng và trở ra quốc lộ 1A đã được nối liền là một điều kiện thuận lợi lớn tạo đà để du lịch Hòa Thắng phát triển. Được biết, Công ty Long Yến Hoa vừa được tỉnh Bình Thuận cho phép đầu tư tại Hòn Nghề với nguồn vốn xây dựng 42 tỷ đồng. Chắc chắn trong nay mai nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Nguồn tin: Bình Thuận