Theo Tiến sĩ Trần Triết - công tác tại Trường Ðại học khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, một nhà khoa học đã nhiều năm nghiên cứu về vùng đất ngập mặn Hà Tiên - Kiên Lương thì đây là khu vực có các đặc điểm rất đa dạng về sinh cảnh, có lẽ vào hạng BẬC NHẤT ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG. Ở ĐÂY VỪA CÓ RỪNG NGẬP MẶN, ĐẦM NƯỚC LỢ, SÔNG, RẠCH, RỪNG ngập nước ngọt, đồng cỏ ngập theo mùa vừa có các sinh cảnh trên núi, đồi đất và hang động đá vôi. Nếu ở Vườn quốc gia Tràm Chim (Ðồng Tháp) có 130 loài thực vật bậc cao, khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng (Kiên Giang) có khoảng 230 loài thực vật bậc cao thì vùng đất ngập mặn Hà Tiên - Kiên Lương có 250 loài thực vật bậc cao (bao gồm 20 loài khuyết thực vật, 121 loài song tử điệp và 119 loài đơn tử điệp). Các loài này được phân bố trong khoảng 70 họ thực vật khác nhau.
Vùng đồng cỏ ngập nước theo mùa ở đây thuộc hạng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long còn sót lại hiện nay. Có hai trảng cỏ chính: Một ở phía bắc thị xã Hà Tiên còn khá nguyên vẹn rộng gần 7.000 ha gồm các trảng cỏ hỗn giao và tràm gió tái sinh tự nhiên trên đất phèn và trầm tích phù sa cổ. Một ở khu vực Ba Hòn, MoSo rộng gần 8.000 ha gồm các trảng cỏ có đặc trưng nước lợ trên đất phèn. Những đồng cỏ ngập nước theo mùa có: Quần xã năng, quần xã mầm mốc, quần xã xuân thảo (phân bố trên các gò phù sa cổ), quần xã cỏ lông tượng và quần xã còng còng. Các cây cỏ này có giá trị cao về bảo tồn sinh học và là nguồn thức ăn cho một số loài chim quý như sếu đầu đỏ và các loài động vật khác. Do nằm trong vùng lũ Tứ giác Long Xuyên, nên vùng đồng cỏ Hà Tiên - Kiên Lương có khác biệt về thành phần loài so với đồng cỏ ngập ở Tràm Chim vốn nằm trong vùng lũ kín Ðồng Tháp Mười. Ðặc biệt là sự hiện diện của nhiều loài thực vật chịu mặn, lợ, cũng như chuỗi biến đổi liên tục từ sinh vật cảnh thực vật vùng mặn sang sinh vật thực vật trên vùng nước ngọt. Ngoài ra, vùng đất này còn có những gò phù sa cổ (sinh cảnh này gần như đã bị tuyệt diệt ở đồng bằng sông Cửu Long). Ðây cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự đa dạng thực vật trên đồng cỏ mà chỉ ở khu vực này mới có.
Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học nhiệt đới - Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia đã tiến hành nghiên cứu khu vực núi đá vôi ở vùng này. Ông Trương Quang Tâm - chuyên viên Viện Sinh học nhiệt đới, người đã trực tiếp nghiên cứu, cho biết: cuối năm 2000, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Sinh học nhiệt đới và Ðại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu khảo sát hơn 10 ngày tại dãy núi đá vôi thuộc khu vực Hòn Chông - Kiên Lương - Hà Tiên qua hầu hết các khu núi đá vôi còn nguyên vẹn có thể đến được như: MoSo lớn, MoSo nhỏ, núi Bà Tài, hang Cây ớt, hang Tiền, Hòn Chông, Thạch Ðộng và các đảo gần bờ là hòn Cóc, hòn Ðá Lửa. Kết quả ghi nhận được thật bất ngờ: Phát hiện 155 loài động vật có xương sống, trong đó có một số loài chim, thú quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ.
Phần lớn động vật có xương sống sinh sống tại khu vực Hòn Chông - Kiên Lương nơi các núi đá vôi đang bị khai thác làm vật liệu xi-măng. Thú có bảy bộ, 15 họ, 21 loài; chim có 12 bộ, 45 họ, 101 loài; bò sát có hai bộ, 9 họ, 17 loài; lưỡng thể có một bộ, BA HỌ, SÁU LOÀI. Ở KHU VỰC núi đá vôi còn phát hiện có 11 loài thú, 43 loài chim, 13 loài bò sát và năm loài lưỡng thể đang trú ngụ và sinh sống. Bất ngờ là tại khu vực Hòn Chông có sáu loài thú, sáu loài chim và năm loài bò sát quý hiếm hiện diện trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, mà hầu như chưa công trình nghiên cứu nào trước đây ghi nhận được là: loài Voọc mào, sóc đỏ, rái cá lông mượt, mèo cá cheo cheo, tắc kè, trăn gấm, trăn móc, kỳ đà hoa, rắn hổ chúa, sếu đầu đỏ, chàng bè... Ðặc biệt, các nhà khoa học đã phát hiện một đàn ít nhất 135 con sếu cổ trụi thuộc phân loài phương Ðông (ở đây có lượng sếu cổ trụi chỉ sau Tràm Chim của Ðồng Tháp) và chiếm khoảng 1/4 QUẦN THỂ CỦA LOÀI NÀY TRÊN THẾ GIỚI. Ở ĐÂY CŨNG THẤY LOÀI CÒ QUẮM XANH, CHÀNG BÈ, CHÂN XÁM, GIANG SEN, hạc cổ trắng... là những loài quý hiếm trên toàn cầu. Ðáng chú ý nhất là loài voọc mào (có mầu xám, giống khỉ nhưng đuôi dài hơn) được phát hiện ở núi MoSo lớn và MoSo nhỏ, đều rất hiếm thấy ở các núi đất ở Việt Nam. Các loài thú quý hiếm vừa được phát hiện ở khu vực này đang có nguy cơ bị đe dọa bởi việc khai thác núi đá vôi sản xuất xi-măng và săn bắn trái phép của cư dân địa phương.
Ông Nguyễn Ðức Trí, cán bộ điều phối viên thuộc tổ chức "Hội chim quốc tế tại Việt Nam" đã về đây nghiên cứu từ năm 1999, cho biết: "Trước mắt cần ngưng ngay việc trồng tràm và bố trí dân cư vào các vùng mà các nhà khoa học đã khuyến cáo cần bảo vệ. Nên ưu tiên thành lập hai khu bảo vệ liên kết các trảng cỏ. Hạn chế tối đa các tác động có hại của việc xây dựng kênh xả lũ ở vùng Kiên Giang bằng cách thiết lập khu bảo tồn".
Ông Nguyễn Ðức Tú cho biết: Hội chim quốc tế tại Việt Nam và cá nhân ông sẵn sàng và rất mong muốn kết hợp với tỉnh Kiên Giang xây dựng, phát triển các dự án nhằm quản lý và sử dụng bền vững tính năng đa dạng sinh học đất ngập nước vùng Hà Tiên - Kiên Lương. Trước mắt xây dựng ngay hai khu bảo tồn tại đây.
Nguồn tin: Báo Tiền phong