Địa chỉ: Lăng nằm ở góc đường Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu, Q. Bình Thạnh.
Lăng tả quân Lê văn Duyệt (1763 - 1832) thường được gọi là Lăng Ông hay Lăng Ông Bà Chiểu. Lăng được xây trong khuôn viên 18.500m2. Người xây lăng này cũng là người xây lăng Tự Đức ở Huế.
Lăng có mộ Lê Văn Duyệt và phu nhân. Ngoài khuôn viên có hai mộ của hai nàng hầu. Sau khi Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) khởi binh chống lại triều đình, vua Minh Mạng ra lệnh xiềng mộ Lê Văn Duyệt, đến đời vua Tự Đức mới được giải oan.
Lăng được trùng tu nhiều lần. Đáng chú ý là bốn cây cột gỗ chạm rồng khá đẹp ở chánh điện. Cổng tam quan, cây thốt nốt tạo cho lăng một vẻ trang nghiêm u nhã, mặc dầu bên ngoài khuôn viên là đường phố và chợ búa.
Trong nhà bia có tấm bia đá cẩm thạch lớn dựng năm Thành Thái thứ 6 (1896). Ngôi lăng cao và rộng, chiều dài 80m, gồm nhà hương, trung điện - nơi đặt bàn thờ, đồ lỗ bộ, chiêng trống - phía trong là chánh điện. Gian giữa là bàn thờ Tả quân (có bức họa truyền thần của ông từ thời làm Tổng trấn GĐ). Bên phải là bàn thờ Phan Thanh Giản (có ảnh mặc triều phục), bên trái là bàn thờ Lê Chất (nguyên là Tổng trấn Bắc Thành), mất năm 1826, về sau đã bị Minh Mạng ra lệnh san bằng mộ, đến thờ Tự Đức mới được truy phục chức cũ.
Hàng năm, tại Lăng Ông có hai lễ hội lớn: ngày giỗ Tả quân 1 tháng 8 âm lịch và ngày hội đầu Xuân mồng 1 và mồng 2 tết. Số người đến dự hội hàng năm lên đến hàng chục vạn. Đáng chú ý số khách người Hoa đi lễ rất lớn, chiếm khoảng 50%. Lý do, người Hoa coi ông như một vị phúc thần mà lúc sinh thời làm Tổng trấn, đã có nhiều chủ trương, chính sách nâng đỡ họ, tạo điều kiện cho họ an cư lạc nghiệp.
Ngày 16-11-1988 lăng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật theo quyết định số 1288-VH/QĐ.
<www.tourism.hochiminhcity.gov.vn>