THAM KHẢO kinh nghiệm du lịch Bến Tre
Bình Đại là một trong ba huyện ven biển của Bến Tre, nhưng không được nhiều thuận lợi như Ba Tri và Thạnh Phú. Bình Đại nằm trên Cù lao An Hoá, Tây Bắc giáp huyện Châu Thành; Đông Bắc giáp sông Mỹ Tho, ngăn cách với huyện Gò Công - tỉnh Tiền Giang; Tây Nam giáp sông Ba Lai, ngăn cách với các huyện Giồng Trôm, Ba Tri; Đông Nam là biển. So với các huyện khác trong tỉnh Bình Đại nằm lẻ loi trên một dãy cù lao và ở vị trí bốn bên là sông, biển bao bọc. Bình Đại có nhiều lợi thế về giao thông thủy cả giao thông bộ. Từ thành phố Bến Tre đi bằng ô – tô đến trung tâm huyện Bình Đại 51km.
Theo sách sử ghi lại trận bão năm Thìn (1904) đã tàn phá nặng nề và vùng này, thường xuyên chịu sự xâm nhập của nước mặn tràn vào tận các xã ở giữa cù lao như Lộc Thuận, Vang Quới Đông, biến nơi đây thành khu vực hoang vu mà người dân gọi là đồng Bưng Lớn. Người dân nơi đây đã vô cùng gian nan vất vả, đổ ra biết bao nhiêu công sức để phục hồi lại sản xuất đắp bờ thay chua, rửa mặn, xây dựng lại ruộng vườn.
Là huyện vùng biển, nên người dân Bình Đại rất sành điệu với nghề đánh bắt hải sản và nuôi trồng thủy sản. Gắn liền với nghề này ở Bình Đại có nghề đóng ghe nổi tiếng của cánh thợ vùng Thới Thuận. Hay một nghề không thể không kể đến và có truyền thống lâu đời, có những nét độc đáo riêng như: nghề đánh cá mòi do một số ngư dân gốc Quảng Ngãi mang vào xã Thới Thuận hay nghề câu kiều.
Từ cuối cuộc chiến tranh đến nay, cá mòi dần dần vắng bóng. Ngư dân chuyển sang nghề lưới sỉ, lưới cào. Một nghề có tính chất riêng biệt của vùng biển Bình Đại nữa là nghề đáy sông cầu, nghề này ở Bình Đại có rất sớm và phát triển mạnh, rồi lan sang các cửa biển ở Ba Tri và Trà Vinh. Đáy sông cầu được cắm thành hàng ngang giữa dòng nước chảy xiết nhưng không có những hàng rào chắn ngược dòng như đáy rạo. Tùy địa thế từng nơi, người ta đặt nhiều hay ít khâu đáy.
Người dân Bình Đại ngoài nghề truyền thống làm vườn, làm ruộng, làm muối, còn có nghề trồng giồng và nghề đánh cá biển, chế biến những sản phẩm của biển. Đặc sản “dưa hấu Cửa Đại” từng được bằng khen trong hội chợ đấu xảo canh nông Nam Kỳ do Pháp tổ chức vào đầu những năm ba mươi của thế kỷ này và được ca ngợi: “Tư bề Thừa Đức nội thôn, Đất trồng dưa hấu ngọt ngon quá chừng”. Ngoài ra, còn có bí đỏ Giồng Giếng (Thạnh Phước), mãng cầu Thới Thuận cũng là đặc sản có tiếng trong vùng.
Về du lịch, Bình Đại chưa có nhiều điểm đến, nhưng trên đường đến biển Thừa Đức, du khách ghé thăm di tích lịch sử cấp tỉnh Đình Tân Hưng và đền thờ Huỳnh Tấn Phát, tọa lạc tại xã Châu Hưng. Đình được xây dựng trên mảnh đất rộng 2.100m2 gồm 03 ngôi nhà ba gian, hai chái liền nhau theo kiểu “sắp đọi”, mái lợp ngói âm dương. Ngôi đình chính gồm: gian đầu là nhà võ ca, gian giữa là nơi chức sắc trong làng hội họp, gian thứ 3 thờ thần. Tất cả vì kèo, xuyên, trính, bao lam, thành vọng, hoành phi, câu đối, long trụ, khánh thờ đều được làm bằng các loại gỗ quý và được chạm khắc hoa văn phong phú như chim, hoa lan, hoa cúc, trúc, lưỡng long tranh châu, kỳ lân,…đều được sơn son thếp vàng.
Vào năm 1905, toàn thể nhân dân làng Tân Hưng thống nhất cùng đóng góp sức người, sức của xây dựng ngôi đình làng, nơi trung tâm thôn Tân Hưng (đình Tân Hưng ngày nay), phong ông Huỳnh Văn Thiệu làm Thành Hoàng bổn cảnh của làng và đưa vào thờ trong đình. Vì vào khoảng đầu thế kỷ XIX, vùng Bình Đại đã có cư dân đông đúc, làng mạc đã rải rác nhiều nơi nhưng một số nơi vẫn là vùng đất hoang vu đầy thú dữ. Ông Huỳnh Văn Thiệu đã đứng ra tập hợp cư dân ngoài thân tộc để khai phá đất đai và chống thú dữ. Dần dần đời sống dân cư ổn định, mọi người sống quây quần bên nhau thành thôn xóm. Qua đó, ông Huỳnh Văn Thiệu được người dân mến mộ, dân làng theo ông rất nhiều. Ông từ chối ra làm việc làng mà tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng theo phong trào khởi nghĩa của Trương Định nổi lên chống Pháp.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Tân Hưng là nơi tập trung những người yêu nước để học tập, bàn bạc kế họach thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chi bộ cơ sở. Trong suốt thời kỳ đấu tranh chính trị (1954 – 1959), đình là nơi tập hợp nhân dân để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng bộ Châu Hưng nhằm gây dựng cơ sở và tổ chức lực lượng, phát động đấu tranh chính trị “chống chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, chống bắt lính, kêu gọi chồng, con, em về với nhân dân”, tổ chức mít tinh lên án bọn việt gian bán nước hại dân và trừng trị thích đáng bọn này.
Cạnh bên Đình Tân Hưng là đền thờ của cụ Huỳnh Tấn Phát, là cháu cố của Ông Huỳnh Văn Thiệu. Người ta biết đến kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát như một trí thức yêu nước lớn, một nhà họat động chính trị suốt đời theo đuổi lý tưởng cách mạng, gắn liền hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông cũng là điển hình của thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”(8-1945). Ông sinh ngày 15-2-1913 tại Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (trước thuộc Mỹ Tho) trong một gia đình địa chủ phá sản. Hồi nhỏ học Trường trung học Mỹ Tho, lớn lên Ông theo học ở Trường Petrus Ký - Sài Gòn để có thêm kiến thức làm được những điều lớn lao tốt đẹp.
Năm 1933, ông ra Hà Nội thi đỗ vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Để có tiền ăn học ông tham gia giảng dạy ở Trường Thăng Long - Hà Nội, viết báo La Lutte (Tranh Đấu), báo Le Travail (Lao Động) ở Bắc Kỳ. Thiết kế nhà dân để có thêm thu nhập.
Sau Hội nghị Geneve, năm 1954, ông được Đảng phân công hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Để tạo thế công khai hợp pháp, ông làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện. Từ đấy ông lại có dịp sáng tác và thiết kế nhiều dự án. Đồ án thiết kế của ông tham dự cuộc thi thiết kế Nhà Văn hoá dự kiến xây dựng ở Khám Lớn - Sài Gòn đoạt Giải Nhì (không có Giải Nhất). Những năm kháng chiến chống Mỹ, với cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, bận rộn suốt ngày đêm, song ông vẫn không rời cây bút vẽ. Ông đã thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều phòng họp, hội trường, nơi ăn chốn ở phục vụ cho các đại biểu về dự các hội nghị tại vùng căn cứ cách mạng. Đặc biệt là hội trường cho Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Hội trường đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam lần thứ nhất ở R (Lò Gò) đều bằng tre gỗ nứa lá, nhưng đã khéo xử lý rừng cây tán lá rậm rạp để có hội trường rộng rãi khang trang đẹp đẽ.
Trong những ngày cuối tháng 10-1995, được sự giúp đỡ của người thân cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - đã phát hiện hơn 60 bản vẽ trên giấy pơluya đã ố vàng do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát - lúc bấy giờ là Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam thiết kế về Thủ phủ Lộc Ninh (1972) - căn cứ Cách mạng của Chính phủ lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Tập bản vẽ này gồm thiết kế quy hoạch hàng chục công trình công cộng như nhà hành chính, Đài Liệt sĩ, Đền thờ Bác, khu giao tế, cung thiếu nhi, nhà văn hoá - thông tin, nhà hát ngoài trời, hội trường, khách sạn, cửa hàng bách hoá, chợ, trường học, bệnh viện, khu thể dục thể thao, vv… Những phác thảo này là bút tích duy nhất về sáng tác kiến trúc của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát còn lưu lại, qua đó minh chứng thêm ông là người uyên bác, có đầu óc thiết kế về quy hoạch đô thị và công trình. Bố cục phân khu chức năng chặt chẽ, tổ chức không gian rất sinh động. Đồng thời, cũng cho thấy bút pháp thể hiện già dặn, là cây bút vẽ phối cảnh cừ khôi, độc đáo. Tập bản vẽ này còn cho thấy những ý tưởng lớn lao của ông về xây dựng một Thủ phủ của chính quyền cách mạng Miền Nam trong một giai đoạn lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc.
Sau ngày Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông lại có dịp bình tâm hoạt động nghề kiến trúc sư. Ông làm Trưởng ban chỉ đạo Quy hoạch Thủ đô và chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng thủ đô Hà Nội. Đồ án này đã vạch ra những nét cơ bản cho sự phát triển Thủ đô sau này. Ông đã chỉ đạo và góp ý kiến các dự án thiết kế quy hoạch các đô thị trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn,… Ông đã trực tiếp sơ phác tìm ý cho Nhà hát Hoà Bình, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, đồng tác giả với kiến trúc sư Nguyễn Thành Thế về công trình này. Ông đã trực tiếp chỉ đạo và góp nhiều ý kiến phác thảo kiến trúc cho các công trình ở Thủ đô như Sân bay Quốc tế Nội Bài, Cung Thiếu nhi Trung ương, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Với cương vị Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam (1983-1989), ông đã làm Chủ tịch Hội đồng chấm thi đồ án kiến trúc dự thi Quốc tế, ông đã góp ý các đồ án nâng cao hơn về ý tưởng, giải pháp kiến trúc cũng như trong việc xét chọn những đồ án chất lượng cao để dự giải như đồ án:
“Nhà ở làng hoa Hà Nội”, “Không gian Alibaba”, “Tồn tại hay không tồn tại”,… Kết quả là cuối thập niên 80 của thế kỷ XX kiến trúc sư trẻ nước ta có nhiều đồ án đoạt Giải Nhất trong các cuộc thi kiến trúc Quốc tế.
Tháng 4 năm 1989, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng toàn thể Đại hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ IV vẫn bầu ông làm Chủ tịch Danh dự.
Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được bầu vào Đại biểu Quốc hội các khoá 1,2,3,6,7,8. Nhà nước đã thưởng ông nhiều Huân huy chương. Năm 1996, cố kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát có vinh dự được Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật, đợt I, với các tác phẩm: Quy hoạch thủ đô Hà Nội thiết kế năm 1981; chỉ đạo trực tiếp tham gia thiết kế các công trình: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Trung ương, thiết kế năm 1978; Bảo tàng Hồ Chí Minh, thiết kế năm 1979-1985. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là nhà chính trị lớn - nhà văn hoá lớn, xứng đáng là một trí thức cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Trên vùng đất huyện Bình Đại còn có công trình cống đập Ba Lai tại xã Thạnh Trị và một phần của xã Bình Thới. Cống đập Ba Lai là một hạng mục trong hệ thống thuỷ lợi, có các công trình lớn đồng bộ, khép kín các công trình đê - cống ven sông Cửa Đại, sông Hàm Luông. Công trình với mục đích tưới tiêu, giữ ngọt, ngăn mặn cho khoảng 90.000ha đất nông nghiệp, hệ thống này sẽ phân rõ vùng mặn, vùng ngọt và sẽ thuận lợi bố trí sản xuất ở vùng mặn (nuôi thuỷ sản), vùng ngọt sẽ đưa sản xuất lúa từ 2 vụ lên 3 vụ, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn. Sông Ba Lai sẽ trở thành hồ chứa nước ngọt kết hợp với sản xuất nông nghiệp lẫn sinh hoạt cho các trung tâm dân cư các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Châu Thành và thành phố Bến Tre... Nói chung công trình là tiền đề thuận lợi cho sự phát triển của Bến Tre như chương trình phát triển kinh tế vườn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung thâm canh vườn dừa, triển khai dự án trồng xen ca cao, dự án phát triển bưởi da xanh, măng cụt, xây dựng lúa cao sản xuất khẩu, thúc đẩy chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản bền vững (bên ngoài dự án Ba Lai)...
Đến với Bình Đại, du khách khám phá bãi biển Thừa Đức, nơi đây vào các dịp lễ hàng ngàn du khách từ các nơi đổ về để vui chơi, tắm biển, thưởng thức các món ăn đặc sản biển như: Cá, mực, tôm, cua, nghêu, sò... và độc đáo là món bánh xèo xứ biển.
Hầu hết các địa phương có biển đều có tục thờ cá Ông và Lễ hội nghinh Ông là lễ hội phổ biến của các làng ven biển của Việt Nam, trong đó có Bến Tre. Hàng năm, vào các ngày 16/6 âm lịch tại các đình, đền hay miếu của các xã thuộc huyện Bình Đại đều mở lễ hội này. Trong ngày hội tất cả tàu thuyền đánh cá đều về tập trung neo đậu để tế lễ, vui chơi và ăn uống. Lễ hội Nghinh Ông lớn nhất hàng năm tổ chức ở lăng Ông xã Bình Thắng huyện Bình Đại. Lễ gồm ba phần: túc yết, nghinh ông, tế tiền hiền và hậu hiền, lễ chánh tế và xây chầu đại bội. Vào lễ, các thuyền đánh cá đều chăng đèn, kết hoa rực rỡ. Ở đầu mũi thuyền, chủ nhân bày mâm cúng gồm trái cây, xôi thịt, thường là cặp vịt luộc, chiếc đầu heo cùng với hương hoa Lễ hội nghinh ông ở xã Bình Thắng tuy ra đời muộn màng hơn so với các địa phương khác trong tỉnh, nhưng lễ hội không chỉ thể hiện đầy đủ tính vốn có của lễ hội dân gian, mà còn phản ánh sinh động cả nội dung và hình thức của nghề hạ bạc trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Đến Bình Đại du khách còn khám phá, tham quan mô hình nuôi trồng thủy sản (nuôi tôm xú công nghệp hay quảng canh, nuôi sò huyết, cua...).
Ngoài các sản phẩm về biển thông thường như cá, tôm, cua, mực, nghêu, điều thú vị vùng này còn có rừng ngập mặn, có nhiều cây chà là mọc, nên cũng có lắm đuông chà là. Người dân nơi đây đã khai thác, chế biến làm món nhâm nhi đặc biệt trong các quán nhậu. Ở đây, còn có đặc sản con rươi dùng để làm nước nắm rất độc đáo.
Du khách có thể chọn nghỉ qua đêm tại vùng đất biển yên ả - tại thị trấn Bình Đại và thưởng thức đặc sản biển thỏa thích, cũng như mua sắm quà lưu niệm nhân chuyến đi du lịch tại vùng đất biển của xứ dừa Bến Tre./.
THAM KHẢO kinh nghiệm du lịch Bến Tre