Nói đến Quảng Bình, hẳn ai cũng nhớ đến mẹ Suốt với câu thơ của Tố Hữu: Mẹ rằng quê mẹ Bảo Ninh, chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình. Bảo Ninh - trong ký ức của nhiều khách du lịch thì đó chỉ là doi cát nhỏ nhoi ăn ra cửa sông Nhật Lệ lô nhô những căn nhà lụp xụp núp dưới thân dừa gầy guộc. Trong ký ức của nhiều người, Bảo Ninh là quê hương của người mẹ anh hùng đã không quản tuổi già, chống thuyền vượt sông đưa bộ đội đi đánh Mỹ, người mẹ mà dáng đứng đã đi vào thơ ca, tạc vào lịch sử cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc - Mẹ Suốt: Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung, gió lay như sóng biển tung trắng bờ.
Nhiều người con của Bảo Ninh đã tự hào nói về quê hương mình: Người dân các nơi khác có thể không biết Đồng Hới, không biết Quảng Bình, nhưng đều đã nghe nói về Bảo Ninh. Cái đồi cát nhỏ nhoi nằm án ngữ ngay trước thành phố Đồng Hới xinh xắn này cũng là nơi sinh ra một bà mẹ Việt Nam Anh hùng nữa, mẹ Nguyễn Thị Khíu.
Theo cụ Nguyễn Tú, một nhà địa phương học, thì những cư dân đầu tiên định cư ở làng cát đã từ khoảng 400 năm nay, nhưng riêng Mỹ Cảnh là bãi cát không có người ở, mãi đến năm 1920 dân làng Trung Bính mới xuống trồng dừa và phải đến năm 1936 mới bắt đầu có người ở.
Dân Bảo Ninh nói rằng, vào trưa nắng cát ở Mỹ Cảnh nóng bỏng, (và tất nhiên cát ở các nơi khác ở Quảng Bình cũng thế) đến mức, muốn vượt qua những cồn cát đó, không thể đi chân không (và không thể đi dép nhựa, dày da nói chung) mà phải dùng guốc gỗ rộng bản.
Và chính nơi mũi cát mênh mông, trắng rực dưới ánh mặt trời đổ lửa này đã gợi nguồn cảm xúc cho nhà thơ Tố Hữu viết nên những câu thơ in đậm tâm trí người đọc hình ảnh một Quảng Bình khắc nghiệt trong gió, cát:
Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình. Thế nhưng, đó đã là chuyện của ngày xưa, bây giờ nhắc đến Bảo Ninh, người ta nghĩ ngay đến
Khu du lịch với một vị trí có một không hai, phía Đông là biển, phía Tây là sông Nhật Lệ huyền thoại, phía Bắc là của biển làng chài Bảo Ninh - địa điểm lý tưởng cho du khách
du lịch.
Từ bên này bến đò mẹ Suốt nhìn sang Bảo Ninh như một hòn non bộ sơn thủy hữu tình. Những ngôi nhà cao tầng lợp ngói đỏ xen lẫn với những hàng dừa và rừng phi lao xanh ngát làm cho Bảo Ninh có sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách tham quan.
Bảo Ninh có bờ biển nguyên sơ mịn màng trải dài như vô tận, nơi tuyệt vời để trở thành bãi tắm với tiêu chuẩn quốc tế. Bán đảo Bảo Ninh còn có di tích thành luỹ cổ và Đền thờ Cá Ông đậm nét văn hóa ngư dân. Ngoài cơ hội thưởng thức biển xanh, cát trắng, hải sản tươi ngon và những đặc sản của Quảng Bình, du khách còn có có hội thăm Lũy Trường Sa, Đồn Sa Chùy và Tượng đài mẹ Suốt anh hùng.
Với bố cục hài hoà đồi cát, biển, sông hồ chen lẫn cây xanh, Bảo Ninh gần đây ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Một ngày không xa Bảo Ninh sẽ có bộ mặt hoàn toàn mới mẻ, sẽ không còn là làng biển nhỏ bé khiêm nhường nép mình bên bờ sông Nhật Lệ nữa mà trở thành một điểm sáng trên bản đồ
du lịch Việt Nam.