Hôm nay, đi giữa đường Trường Sơn, tôi mới thấy thế nào là "sông núi hùng vĩ". Trải qua một quãng đường dài gần 200km từ ngã ba Đồng Lộc đến khu vực bến phà Xuân Sơn - Phong Nha, hầu như chúng tôi không gặp bất cứ một người dân địa phương nào. Đường thì đẹp, mềm như một dải lụa nằm vắt qua những sườn đồi, nằm cạnh vách núi, hay bên mép vực. Xe chạy liên tục, thỉnh thoảng mới dừng lại hít thở không khí và thư giãn lấy le rồi lại tiếp tục cuộc hành trình "xẻ dọc Trường Sơn" thăm lại chiến trường xưa.
Ba tiếng đồng hồ trôi qua, tính từ lúc rẽ tại ngã ba Đồng Lộc, không có cột cây số, chỉ dựa vào linh cảm và nhìn lên công tơ mét xe mà đoán mình đã đi được bao nhiêu km và còn lại bao nhiêu cây số nữa cần phải vượt qua để đến cái đích trong ngày hôm nay là Thành phố Huế thơ mộng.
Xe đang bon bon đi trên đường lòng vui như mở hội thì bỗng nhiên xe dở chứng, lúc này là 16h, cả xe bỗng chốc nóng lên một cách bất thường, mặc dù không hề bật điều hòa nóng và nhiệt độ ngoài trời lúc đó khoảng 18độ. Lái xe vội dừng lại để kiểm tra, phát hiện ra rằng: thiếu nước làm mát máy - vội chạy đi lấy cái xô nhựa mang theo để xuống suối lấy nước. Lúc này, xe đang ở dưới dốc, có nghĩa là rất gần suối. Nhưng than ôi! mùa này đâu phải mùa mưa, các sông suối đều cạn nước. Lúc này, phải huy động nguồn lực sẵn có và dùng đủ mọi phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để làm sao lấy đủ một xô nước cho bác Tài đổ vô xe...
Các loại chai Lavie được cưa đôi để làm cốc múc nước dưới suối cạn, sau gần 1giờ đồng hồ hì hục dưới lòng suối cạn cũng lấy được nửa xô nước suối loại trong (Theo kinh nghiệm của mấy bác cựu chiến binh), giành cho lái xe.
Đến hơn 17h, xe vẫn nóng. Tôi thấy một người đi xe máy ngược chiều, mừng quá, vội làm hiệu ngăn anh ta lại để hỏi đường. Anh ta cũng mừng rỡ khi gặp đoàn để... nói chuyện, và để gọi nhờ điện thoại về nhà...Khổ nỗi là vùng này không có sóng điện thoại, anh ta cứ khăng khăng đòi mượn điện thoại để gọi điện về nhà??? Theo lời anh ta nói thì chúng tôi chỉ còn cách Phong Nha 30km và có thể rẽ ra Thành phố Đồng Hới để đi cho nhanh...Tôi cám ơn vì anh đã chỉ đường nhưng Anh ta vẫn cứ nán lại xem sửa xe và liên tục mở máy nói chuyện với các bác "bộ đội cụ Hồ" như chưa bao giờ được nói! Theo anh nói thì: Quãng đường này hiếm người qua lại lắm, thi thoảng có vài chiếc xe con và xe tải thôi, xe chở khách thì hầu như không rồi vì vùng này làm gì có khách mà chở???
17h10' xe sửa xong, tạm biệt anh trai Quảng Trị tốt bụng, vui tính, cả đoàn lên đường cho kịp, không biết là ra khỏi đường Trường Sơn lúc mấy giờ đây vì cả đoàn vẫn đồng lòng nhất trí đi xẻ dọc Trường Sơn....
Đến lúc sau 17h30', chúng tôi mới gặp được vài người dân tộc Vân Kiều mang họ Bác Hồ trên đường đi và được biết chỉ còn cách bến phà lịch sử Xuân Sơn và động Phong Nha không xa.
18h, biển báo hiệu đã đến khu vực động Phong Nha, tôi thở phào nhẹ nhõm vì biết đã đến khu vực quen thuộc. Hàng năm, tôi vẫn đi Phong Nha vài lần nên quen đường. Đoạn đường 15 và đường 20 vắt ngang nhau rất đẹp, vẫn như một dải lụa mềm mà ai đó bỏ quên giữa núi rừng...
Từ đây, về đến thành phố Đồng Hới còn trên chục cây nữa, nếu rẽ theo con đường dẫn về Thành phố Đồng Hới để ra Quốc lộ 1 thì đoàn chúng tôi sẽ đến Huế sau khoảng 3 tiếng nữa. Cả đoàn vẫn một lòng một dạ theo hướng thẳng tiến chứ không rẽ ra Quốc lộ 1.
Đoạn đường Trường Sơn từ đây đến Quảng Trị không còn vòng vèo qua nhiều núi cao, khe sâu nữa, với độ dài từ bến phà Xuân Sơn đến ngã ba Quảng Trị đường 9 nam Lào, rẽ phải đi sang nước bạn Lào, còn rẽ trái lại về Quốc lộ 1 tại Thị xã Đông Hà là trên 80 cây số, con số "muỗi" với lái xe "cứng" và lái xe có thể chạy với tốc độ khoảng 75km/h, nghĩa là mất khoảng 1 tiếng mười lăm phút là tới Đông Hà. Còn nếu đi theo Quốc lộ 1 = 95km thì mất gần 2 tiếng hoặc hơn vì nhiều CÁ (tiếng lóng chỉ Công An) bắn tốc độ. Với cánh lái xe ví von: "Lái xe là chùm khế ngọt, cho Công An trèo hái mỗi ngày". Ngày nào cũng bị "trèo - hái" thì làm sao mà chịu nổi??
Từ đây, dọc hai bên đường có nhiều dân cư sinh sống vì nơi đây cũng gần QL1, hai bên đường là bạt ngàn những cánh rừng cao su đang thời lấy mủ, gần như song song phía trên cao là đường dây 500KV mang theo điện từ nhà máy Thủy điện Hòa Bình cung cấp cho miền Trung và miền Nam, và sắp tới đây sẽ có thêm một đường dây nữa đưa điện ra miền Bắc từ nhà máy thủy điện Yaly - Gialai.
Xe chạy liên tục, chỉ dừng nghỉ 1 lần gần khu vực Nghĩa trang Trường Sơn, nơi có hàng chục ngàn ngôi mộ được quy hoạch rất khoa học, sắp xếp theo từng tỉnh thành, thuận tiện cho người đến thăm viếng - nơi mà vào dịp 27/7/2004, đã có lễ kỷ niệm không thể nào quên với đêm Trường Sơn lung linh huyền ảo trong ánh nến, mỗi ngôi mộ là một ngọn nến...
Hơn 20h, cả đoàn chúng tôi đã đến thị xã Đông Hà, từ đây đến cái đích đêm nay chỉ còn 60km. Dừng ăn tối tại Thị xã Đông Hà một thời khói lửa, các thành viên trong đoàn kể cho nhau nghe những kỷ niệm đáng nhớ về cái thời đó, về chiến thắng của Quân và dân ta tại Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm khói lửa và đau thương (Từ 28-6-1972 đến 16-9-1972)...
Các thành viên trong đoàn đều nhất trí khi quay về sẽ đi qua những di tích lịch sử nằm trên QL 1A như: Sông Bến Hải - cầu Hiền Lương; Dốc Miếu; Cồn Tiên; hàng rào điện tử MacNamara; thăm ngôi trường Bồ Đề là công trình duy nhất còn sót lại trong cuộc chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị. Quảng Trị ơi, ta hẹn ngày trở lại...
22h00, đoàn nhận phòng nghỉ tại khách sạn mang tên một ông vua nhà Nguyễn - Duy Tân, nằm tọa lạc gần cầu Trường Tiền 6 vài 12 nhịp. Sau đó, cả đoàn ra phố dạo chơi, ngắm cảnh Huế về đêm...
Xuyên Việt xuân 2005
Hôm sau đi tiếp....kể sau...
diendandulich