Nhắc đến Hội An điều đầu tiên mà mọi người nghĩ đến có lẽ là những ngôi nhà cổ với những bức tường màu vàng nổi bật, mái ngói phủ đầy rêu phong. Hay những ngôi đền, chùa, miếu với những đường nét kiến trúc độc đáo.
Bên cạnh đó, Hội An còn nổi tiếng với những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm như: Làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng Lụa Hội An...
Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu với các bạn làng Lụa Hội An.
1. Vị trí làng Lụa Làng Lụa tọa lạc trên một khu đất rộng hecta, ở số 28 đường Nguyễn Tất Thành, cách phố cổ khoảng chừng 1 km. Làng Lụa được đầu tư và phục dựng bởi công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam với sứ mệnh gìn giữ tinh hoa nghề ươm tơ, dệt lụa ở xứ Quảng.
2. Có gì thú vị ở làng LụaĐến làng Lụa bạn được nghe kể về lịch sử hình thành và phát triển của nghề lụa tơ tằm xứ Quảng, gắn liền với sự tích bà chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi. Chuyện kể rằng, vào một đêm trăng thanh gió mát, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cùng hoàng tử Nguyễn Phúc Loan dạo thuyền trên sông Thu Bồn. Ngồi trên thuyền rồng ngắm cảnh trời mây, hoàng tử bỗng nghe thấy tiếng hát trong trẻo của một thôn nữ ở nương dâu bên bờ. Say đắm bởi tiếng hát người thôn nữ đang tuổi trăng rằm, chàng đã đem lòng yêu nàng từ đó.
Người con gái hái dâu ấy có tên là Đoàn Thị Ngọc, về sau trở thành vợ của hoàng tử Nguyễn Phúc Loan. Khi ông lên ngôi, bà được phong làm Hoàng Quý Phi. Bà là người đã có công khuyến khích người nông dân Quang Nam chú trọng nghề nuôi tằm dệt lụa.
Hiện nay, trong căn nhà to nhất ở làng Lụa Hội An, có đặt bàn thờ của bà chúa Tằm Tang Đoàn Quý Phi.
Ghé thăm Làng Lụa Hội an, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt bạn sẽ là những căn nhà rường truyền thống của Việt Nam, trong một khuôn viên xanh mát. Mỗi căn nhà được thiết kế có chức năng riêng, nhằm tái hiện quá trình từ lúc trồng dâu nuôi tằm cho đến khi cho ra đời một tấm vải lụa đầy màu sắc.
Đến tham quan phòng nuôi tằm, bạn được tận mắt chứng kiến kỹ thuật nuôi tằm lấy kén, đây là công đoạn đầu tiên trong quá trình sản xuất một tấm vải lụa. Những người thợ lành nghề biết cách chọn loại lá dâu phù hợp để cho tằm ăn, tùy thuộc vào độ tuổi của chúng.
Ghé qua phòng quay tơ bạn sẽ được giới thiệu công đoạn ươm tơ. Kén được đổ vào nấu trong chậu nước sôi, rồi sau đó được các người thợ cẩn thận cho kén qua guồng se tơ để tạo thành sợi.
Phòng dệt lụa đặt những khung dệt, là nơi bạn được chứng kiến công đoạn cuối cùng để cho ra những tấm lụa mềm mại, mượt mà.
Khuôn viên làng Lụa còn có hơn 40 gốc dâu Chăm pa cổ thụ quý hiếm, được biết những gốc dâu này đã được tìm thấy ở vùng núi Quế Sơn Quảng Nam. Đây là loại dâu mà những người Chăm Pa cổ xưa dùng để nuôi tằm.
Xem thêm bài viết về thiên đường sống ảo đầm Lập An:
https://my-clownfish.com/dam-lap-an-thien-duong-song-ao-o-vinh-lang-co/