Đến Kon Tum là đến với dãy núi Ngọc Linh kỳ vĩ, khu rừng Chư Momrây có nhiều sản vật, loài cây quý hiếm; dòng sông Đăk Bla hiền hoà thơ mộng, khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum và những ngôi nhà rông uy nghi...
Bà con dân tộc Ba Na kể rằng: Sở dĩ có tên gọi Kon Tum bởi từ thuở hồng hoang, trên cao nguyên xanh này vốn là hồ nước rất lớn. "Kon" gọi theo tiếng Ba na nghĩa là "làng", còn "Tum" là "hồ". Du khách đến với Kon Tum rất thích thú bởi được thưởng thức nhiều trái cây thơm ngon của vùng nhiệt đới như cam, quýt, bơ, nhãn, mãng cầu... Có lẽ tại vùng đất phân định rạch ròi hai mùa mưa - nắng, nên vào dịp xuân về cả cao nguyên ấy vàng rực những loài hoa: mai, cúc, phong lan vũ nữ v.v... Màu sắc ấy càng thêm sinh động, quyến rũ dưới bầu trời xanh mây và nắng chan hoà.
Lấy thị xã Kon Tum làm tâm điểm, du khách có thể đi khoảng 34km vào Rừng Quốc gia Chư Momrây để hưởng một khoảng không gian còn nguyên chất hoang sơ huyền bí; hoặc 50-100km để đến với bà con dân tộc Xơ Đăng mà các địa danh Đăk Tô, Tân Cảnh, Ngọc Hồi đã lưu danh sử sách bằng những trận chiến thắng xâm lăng. Nghe nói, Nguyễn Nhạc (anh em nhà Tây Sơn) trên đường chinh chiến, đã dừng chân ở chốn ấy để cưới người con gái một tù trưởng Ba Na làm vợ... Nét đặc sắc của nơi đây (và cả Tây nguyên) chính là những ngôi nhà rông oai phong, mang hình lưỡi rìu - hình ảnh đầu tiên gây sự chú ý cho mọi người ở nơi xa đến. Nếu bạn được già làng mời vào nhà rông để uống rượu, nghĩa là dân làng đã quý bạn nhiều lắm.
Và ngay trong lòng phố núi đẹp như bức tranh phong cảnh, du khách sẽ bồi hồi khi thắp nén hương cho những liệt sĩ quả cảm đã hy sinh thời kháng Pháp. Ba năm trở lại đây, lãnh đạo Kon Tum mới nghĩ nhiều về tiềm năng du lịch của tỉnh nhà, và Ngục Kon Tum là địa chỉ đầu tiên được quan tâm đầu tư.
Xuân đang về, Tây nguyên đã vào mùa khô, nắng và gió tràn ngập cao nguyên cùng với những đường hoa cúc quỳ vàng thắm
Nguồn tin: Theo LĐ