Quá trình xây dựng lăng Đồng Khánh khá phức tạp. Nhà vua không ngờ mình chết sớm giữa lúc mới 25 tuổi sau khi tại vị chỉ 3 năm (1886-1888), cho nên chưa nghĩa đến việc xây lăng.
Nhìn chung, công việc xây dựng lăng tẩm vua Đồng Khánh đã được bắt đầu từ năm cuối đời vua (1888: khu vực điên Truy Tư sau đổi tên thành điện Ngưng Hy), làm thêm từ năm đầu thời Thánh Thái (1889: khu vực lăng mộ) rồi sửa chữa và mở rộng quy mô dưới thời Khải Định (các năm 1915,1917,1921,1923).
Qua lịch sử xây dựng trên đây, chúng ta thấy rõ ý đồ kiến trúc lăng Đồng Khánh không phải do chính nhà vua đưa ra, và tổng thể măt bằng kiến trúc lăng tẩm ấy đã không được lựa chọn quy hoạch và thiết kế trong cùng một lượt ngay từ đầu.
Trên thực tế, công việc kiến trúc lăng Đồng Khánh đã diễn ra nhiều đợt trong một giai đoạn lịch sử dài ngót 35 năm (1888-1923) qua 4 thời vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Trong giai đoạn lịch sử ấy. Việt Nam đã thực sự mất hết chủ quyền vào tay thực dân Pháp. Nền văn hoá và nghệ thuật dân tộc không còn giữ được tính thuần tuý như trước nữa. Vua Đồng Khánh là người đã từng cho chụp ảnh mình để chưng trong các cung điện, đã từng dùng nước hoa “Eau de cologne” bình xịt dầu thơm, đồng hồ báo thức, rượu chát, rượu bai sản xuất tại Pháp. Cho nên khi thấy ở lăng Đồng Khánh, nền mỹ thuật thuần tuý Á Đông đã phôi pha phần nào, chúng ta cũng không lấy gì làm lạ.
Chẳng hạn trong khu vực lăng mộ, từ Bái đình, qua Bi đình các tầng sân tế, đến Bửu thành, người ta đã sử dụng những vật liệu mới như xi măng, gạch ca rô, gạch hoa tráng men màu, hoặc chung quanh điện Ngưng Hy, người ta đã dùng kính màu để l*ng vào hệ thống cửa bảng khoa và cửa sổ.
Về mô thức kiến trúc, lăng Đồng Khánh chẳng có gì khác lạ đáng kể so với các lăng trước đó. Ở cả hai khu vực lăng và tẩm có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ với mật độ tương đối dày. Khu vực tẩm quay về hướng đông nam, ngay trước mắt có đào hồ bán nguyên để làm yấu tố “minh đường” và ngọn đồi Thiên An cách đó khoảng 3 kim được dùng làm tiền án. Khu vực lăng mộ lại quay về hướng đông-đông nam, tiền án của nó là núi Thiên Thai...
Nếu tượng các quan viên ở lăng Tự Đức được tạc bằng đá với cỡ người quá thấp, thì ngược lại, tượng các quan viên ở lăng Đồng Khánh chỉ được đắp bằng voi gạch với dáng cao ngưng gầy.
Công trình kiến trúc nổi tiếng bật nhất về mặt mỹ thuật ở lăng Đồng Khánh là điện Ngưng Hy. Nó có giá trị cao về kiến trúc, hội hoạ và trang trí. Điện ngưng Hy là một toà nhà kép làm theo kiểu thức chung của loại cung điện Huế, nhưng ở phần sau lại được gia tăng thêm một toà nhà thứ ba nữa (nhà hậu). Thành ra ở đây có đến 3 hệ thống vì kéo được ghép lại với nhau theo hình chữ “tam” với hai hệ thống máng xối ở giữa. Mặt bằng thực tế của toà nhà rất rộng, nhưng trông vẫn gọn gàng xinh xắn, có lẽ nhờ cách trang trí ở nội ngoài thất.
Vật liệu trang trí trên các bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm, đầu hồi, đều làm bằng pháp lam ngũ sắc hoặc đất nung tráng men màu. Được phân khoản trong từng ô hộc, hàng trăm hình ảnh và câu thơ xen kẽ nhau chạy quanh trên cả toà nhà. Ở đó người xưa đã diễn tả rát nhiều sinh hoạt cổ truyền và cảnh vật dân gian như ngư tiều canh mục, cầm kỳ thi tửu, ngư ông đắc lợi...con gà, con rắn, cắc kè, voi, ngựa, các thứ động vật và cây cỏ thông thường khác. Có giá trị đặc biệt nhất ở đây là loại đất nung tráng men màu. Loại này được phát triển mạnh ở điện Ngưng Hy để sau đó ít thấy dùng trong trang trí cung điện và lăng tẩm. Đây là một loại hình tạo tác thủ công mỹ nghệ đặc sắc và quý hiếm của địa phương.
Bên trong điện, các nghệ nhân đầu thế kỷ đã tạo ra được một không gian nội thất vàng son lộng lẫy. Hàng trăm hình ảnh và câu thơ được chạm khắc hoặc viết vẽ lên các panô và hệ thống kiên ba đồ bản. Hệ thống cột kèo tiền điện cũng sơn son thép vàng. Màu sắc mọi hình ảnh trang trí đều còn đậm đà, chói lọi.
Một loại hình ảnh trang trí độc đáo ở nôi thất Ngưng Hy là vẻ cảnh sinh hoạt của 24 câu chuyện trong “Nhị thập tứ hiếu”. Đề tài trang trí ấy chỉ thấy được dùng ở đây mà thôi.
Khi nhận xét chung về lăng Đồng Khánh, người ta thường khen rằng điện Ngưng Hy đã bảo lưu được nền nghệ thuật sơn mài truyền thống của dân tộc, phát huy tối đa những hình ảnh nồi bằng đất nung tráng men mào vào trong trang trí ngoại thất để có thể chịu đựng với nắng mưa, và người ta cũng thường khen rằng tổng thể kiến trúc lăng này nhỏ gọn, xinh đẹp, giản đơn, thích hợp với bối cảnh thôn trang điền dã ở xung quanh.
Nhưng dù sao, nó đã mang ít nhiều dấu ấn của lịch sử và văn hoá của Việt Nam bấy giờ.
Nguồn tin: Di sản thế giới