Hố khai quật sát cạnh điện Bát GiácBảo tàng Bình Định và Viện Khảo cổ VN đang khai quật thành Hoàng Đế tại xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Kết quả của đợt khai quật này giúp cho các nhà khảo cổ và những người nghiên cứu lịch sử có cái nhìn toàn diện hơn về một cung điện thời Tây Sơn bị vùi trong lòng đất cách nay hơn 200 năm.
Một kinh đô bị chôn vùi
Theo sử liệu, thành Hoàng Đế do vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) bắt đầu xây dựng từ năm 1776. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), những gì liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị xóa sạch dấu vết. Thành đã bị nhà Nguyễn san phẳng.
Trên mặt bằng của điện Bát Giác - nơi vua Thái Đức thiết triều - hiện nay là ngôi mộ của Võ Tánh - một viên tướng của Nguyễn Ánh đã tử trận trong cuộc huyết chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn ngay tại thành Bình Định năm 1801.
Nơi chôn Võ Tánh (lăng Ông) và thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn đã bị chôn vùi trong quên lãng. Cả một công trình kiến trúc khá quy mô bị đổ nát hoàn toàn không phải do mưa nắng của thời gian mà là kết quả phủ định của vương triều sau đối với vương triều trước đó. Đây là nét khác biệt về sự tồn tại giữa thành Hoàng Đế của nhà Tây Sơn với các kinh đô khác của chế độ phong kiến VN.
Công trình kiến trúc quy mô
Năm 2004, Bảo tàng Bình Định tiến hành khai quật lần đầu tiên trong khuôn viên của Tử Cấm Thành và bất ngờ phát hiện bên phải của điện Bát Giác có một hồ bán nguyệt còn nguyên vẹn. Năm nay, các nhà khảo cổ tiếp tục khai quật ở ba hố đào thám sát.
Tại hố đào sát cạnh điện Bát Giác, cả một mái hiên của cung điện này đã hiện ra. Ngoài phần đá móng và gạch lát nền còn có một hàng cột trước mái hiên mà dấu vết còn lại chỉ là những lỗ rỗng. Ơ gần đó, người ta cũng phát hiện một công trình kiến trúc khác với những đường nét xây dựng khá tinh tế.
Cách chừng 200 mét phía trước cung điện là một thủy hồ. Trong lòng hồ, người ta đã tìm thấy một hiện vật hình chiếc bát được chạm khắc rất công phu, vẫn chưa xác định được công dụng của hiện vật này.
Những gì thu được từ các hố đào sẽ giúp cho các nhà sử học hình dung được phần nào bố cục của cả thành Hoàng Đế. Theo "Đồ Bàn thành ký" của Nguyễn Văn Hiển - đốc học Bình Định năm 1856 thì trong Tử Cấm Thành của thành Hoàng Đế, ngoài điện Bát Giác còn có toà chính điện, nhà thờ tổ, hai bên có dãy hành lang - nơi chầu của các quan văn, võ...
Những gì thu được từ đợt khai quật đã góp phần khẳng định những sử liệu đã ghi lại về thành Hoàng Đế là hoàn toàn chính xác. Theo đánh giá của tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ) thì đây là công trình kiến trúc thời Tây Sơn duy nhất còn lại ở nước ta, quy mô cũng lớn hơn một số công trình liên quan đến kiến trúc cung đình thời phong kiến được khai quật trước đây.
Trong tiến trình trùng tu các di tích tại Bình Định, ngành văn hóa thông tin tỉnh này đã có kế hoạch phục dựng lại một phần của thành Hoàng Đế. Ông Văn Trọng Hùng - Giám đốc Sở VHTT Bình Định cho biết: "Dựa trên số liệu báo cáo của các nhà khảo cổ học và các nhà nghiên cứu lịch sử từ đợt khai quật này cũng như các tài liệu liên quan, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để lấy ý kiến từ các nhà nghiên cứu trước khi quyết định phục dựng một số công trình kiến trúc trong thành Hoàng Đế".
Còn tiến sĩ Lê Đình Phụng thì tỏ ra cẩn thận: "Thành Hoàng Đế mang đặc thù là các di tích lại chồng lên nhau, cần phải bóc tách ra để có cái nhìn toàn diện hơn. Dẫu sao thì những gì phát hiện tại thành Hoàng Đế đã giúp cho chúng ta có một bộ sưu tập về kiến trúc cung đình khá toàn diện về các vương triều phong kiến VN".
Nguồn tin: Theo Lao động