LĐ) - Bài toán liên kết phát triển du lịch vùng đã và đang được Tổng cục Du lịch bàn tính trên cơ sở khảo sát lại chất lượng sản phẩm du lịch của từng địa phương nhằm tránh sự trùng lặp và phát hiện thêm nhiều địa chỉ mới.
PGS-TS Vũ Tuấn Cảnh nhận định: "Tất cả các địa phương đua nhau làm du lịch, tỉnh nào cũng tự phát nên địa chỉ thì nhiều mà sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chất lượng dịch vụ yếu, đội ngũ nhân viên không chuyên nghiệp và cơ sở hạ tầng chắp vá...".
Chất lượng... phong trào!
Trung tuần tháng 8, Tổng cục Du lịch đã tổ chức đoàn khảo sát điều kiện thực tế và chất lượng dịch vụ du lịch tại 7 tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Với tư cách là trưởng đoàn, ông Vũ Thế Bình - Vụ trưởng Vụ Lữ hành nhận xét: "Tỉnh nào cũng giới thiệu thế mạnh tiềm năng là núi, rừng, biển, đảo... cùng với bề dày lịch sử và bản sắc văn hoá các dân tộc cư trú trên địa bàn. Hầu hết sản phẩm đều ra đời theo cảm tính, tỉnh này học tập kinh nghiệm của tỉnh kia nên na ná giống nhau nhưng chất lượng không đồng đều và phần lớn chưa đáp ứng những yêu cầu nhỏ nhất của du khách".
Đại diện Công ty Viettraval than phiền vì số lượng khách du lịch đến VN tăng từng ngày và ngày nào cũng đòi hỏi thông tin mới nhưng sản phẩm của chúng ta "chỉ có vậy!".
Bàn về chất lượng dịch vụ tại các địa điểm tham quan du lịch, tất cả thành viên đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch đều nhận xét: "Phí vào cổng không cao nhưng vẫn không xứng "đồng tiền, bát gạo". Nhiều địa phương vội vàng tôn tạo, nâng cấp các khu di tích lịch sử văn hoá đã làm biến dạng di tích hoặc phá vỡ không gian văn hoá.
Gần đây, nhiều tỉnh MT-TN đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, số lượng khách sạn và các khu resort ven biển tăng nhanh, bước đầu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Theo quy định, sau 3 tháng chính thức hoạt động, các DN phải nộp hồ sơ đăng ký xếp hạng.
Trong thực tế, không ít khách sạn đã kinh doanh 2-3 năm nhưng vẫn "nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật" và tự mình phong hạng. Một số khách sạn tại Phan Thiết thường xuyên in danh thiếp, brochure... giới thiệu rất lập lờ rằng chất lượng "tương đương" 3 sao, 4 sao để mời gọi du khách nhưng năng lực và trình độ đội ngũ nhân viên phục vụ yếu kém.
Mùa cao điểm, nhiều hãng lữ hành phải bấm bụng trả tiền với giá 700.000-800.000đ/phòng/ngày,đêm để khỏi mất khách để rồi ngay sau đó nhận lại thông tin phản hồi... "một lần đi không bao giờ trở lại!".
Khai phá tour mới
Theo PGS-TS Vũ Tuấn Cảnh, Tổng cục Du lịch xác định, năm 2007, xây dựng sản phẩm đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm thúc đẩy liên kết vùng là mục tiêu quan trọng nhất.
Đoàn khảo sát đã kiến nghị lên Tổng cục Du lịch rất nhiều nội dung, trong đó có những gợi ý, phát hiện rất hay; như sẽ nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận các di tích tháp Chăm của Ninh Thuận là di sản văn hoá (vật thể) của thế giới hoặc đề nghị Tổng cục Du lịch sắp tới cho ra đời sản phẩm mới tạm gọi là "Lữ hành xuyên qua không gian văn hoá Chăm" bên cạnh "Con đường di sản miền Trung".
Khai phá tuyến mới là ý tưởng hay xuất phát từ khả năng và nhu cầu thực tế, dải đất miền Trung hiện còn lưu giữ khoảng 20 cụm đền tháp Chăm, riêng Ninh Thuận là nơi mà cộng đồng người Chăm sinh sống từ lâu đời, đồng thời đã và đang bảo tồn nguyên vẹn kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú, độc đáo của dân tộc Chăm.
Rất hợp lý nếu chọn Ninh Thuận là điểm nhấn để tạo cực phát triển mới ở Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, trước mắt, Tổng cục Du lịch và các tỉnh trong khu vực cần hỗ trợ Ninh Thuận để tô đậm Phan Rang - Tháp Chàm giữa tam giác phát triển du lịch Phan Thiết - Đà Lạt - Nha Trang.
nguon:bao lao dong