Bao Vinh – khu phố cổ bên bờ sông Hương, từng là một thương cảng nhộn nhịp nhất của xứ Huế thế kỷ XIX. Sự gắn bó chặt chẽ của thị trấn với xứ Huế, khiến cho Bao Vinh đã trở thành một phần của tâm hồn Huế. Dù chỉ còn lại ít ỏi những di tích, nhưng Bao Vinh vẫn còn lại bóng dáng thời xưa, vẫn còn cái không gian sinh tồn hấp dẫn, cảnh trên nước dưới thuyền, trẻ em nô đùa và hong nắng. Và tới đây du khách vẫn có thể biết nhiều hơn về xứ Huế đẹp và mộng mơ.
Đất Thanh Hà trước đây là một thương cảng bậc nhất của xứ Huế, là nơi có nhiều người Hoa sang sinh sống. Nghề buôn bán khá phát đạt. Những thương thuyền từ khắp các nơi trên thế giới đã đến đây trao đổi vật phẩm, hàng hoá và mang lại nguồn lợi cho người dân cố đô. Nhưng đến cuối thế kỷ XVIII những cơn lũ lớn đã mang phù sa tạo nên những cồn nổi ở trước khu phố Thanh Hà, khiến việc đi lại khó khăn hơn. Vì vậy từ đầu thế kỷ XIX vai trò của Thanh Hà chuyển sang Bao Vinh. Nơi này có đoạn sông sâu, rộng rãi, dễ đậu thuyền. Sau gần một thế kỷ tồn tại, Bao Vinh đã từng được ghi lại như một trung tâm buôn bán và du lịch hấp dẫn. Đây là cảng trong đất liền ở Huế, thuyền của người Hoa và người Việt đậu trên khúc sông rộng 150m và sâu từ 4-8m.Hàng hoá hết sức đa dạng, ngoài lụa là gấm vóc còn các sản vật như ngà voi, đường, quế, thuốc nhuộm, vải vóc, đồ sành sứ, mỹ nghệ bằng ngà...
Phố cổ Bao Vinh năm 1943Năm 1885 kinh đô Huế thất thủ. Bao Vinh bị tàn phá và bị mai một dần từ đó. Tuy vậy đến đầu thế kỷ XX đây vẫn là một trung tâm buôn bán quan trọng. Trong những ngôi nhà mặt tiền của thành phố người ta có thể tìm thấy đủ sản vật trong và ngoài nước.
Một số ngôi nhà cổ còn lạiNgày nay Bao Vinh còn lại một số di tích cổ kính, hấp dẫn du khách bốn phương. Từ thành phố Huế khách qua nhánh sông nhỏ Đông Ba (Một nhánh nhỏ của sông Hương) đi một đoạn là tới cầu Bao Vinh. Qua khỏi cầu là thị trấn Bao Vinh có một con phố duy nhất dài chừng 300m.
Từ ngoài sông nhìn vào, Bao Vinh có dáng dấp từa tựa Hội An, với những ngôi nhà nhỏ nhắn, có lưng quay ra sông. Những chiếc đò ngang chở khách nay vẫn còn như nhắc lại một thời hoàng kim của Bao Vinh thuở trước.
Các ngôi nhà cổ tại khu phố Bao Vinh là những nhân chứng đầu tiên được chú ý tới. Nhưng mãi cho đến đầu năm 2005 những ngôi nhà cổ ở Bao Vinh mới có những tia hy vọng về việc được phục hồi. Năm 1991 khu phố Bao Vinh còn 39 ngôi nhà cổ thì hôm nay chỉ còn 15 ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi.Sự biến mất nhanh chóng của những ngôi nhà cổ làm tất cả giật mình và suy nghĩ. Những ngôi nhà được đưa vào danh sách bảo tồn đầu tiên là các ngôi nhà của các ông Đỗ Kỳ Hoàng (số 970) nhà ông Lê Quang Chất(105), Phạm Gia Đắc (77), Nguyễn Thị Thể (99), Nguyễn Thị Kim Thuỷ (53), Nguyễn Thị Tâm (101), Huỳnh Trạch Ốc (107), Âu Đức Tài (111). Mỗi ngôi nhà được dự kiến tài trợ là 100 triệu đồng để phục hồi bằng kinh phí hỗ trợ của Hội đồng vùng Nord Pas Calais (CH Pháp).Song, không chỉ mấy ngôi nhà đó, khu phố cổ Bao Vinh cùng những nét đẹp trong, nếp sống, sinh hoạt truyền thống đang rất cần được khôi phục và gìn giữ.
Nguồn tin: Báo ảnh VN