Có dịp đến Ninh Hòa, du khách thường ghé qua Khu
du lịch Suối khoáng nóng Trường Xuân, nơi được nhiều người biết đến từ lâu. Lần này, mời bạn thử khám phá một địa danh khác nghe ngồ ngộ cách đấy không xa. Đó là suối khoáng nóng Ông Mê.
Cuối tuần vác ba-lô rời Nha Trang xuôi theo hướng Bắc qua thị trấn Ninh Hòa, đến Dục Mỹ rồi đi tiếp 5km theo Quốc lộ 26, nhìn về phía tay phải có một tấm bảng lớn màu xanh lá cây của Kiểm lâm, rẽ phải, đi theo con đường nhỏ, hai bên bạch đàn bạt ngàn và ruộng mía mênh mông, bạn hỏi bà con dọc đường, sẽ tìm được nhà vợ chồng ông Mê và bà Lâm. Suối nước nóng mà bạn cần đến nằm trong đất rẫy của họ.
Nằm lọt thỏm trong khu đất canh tác rộng chừng 1,3 ha, không biết con suối nhỏ này hình thành từ khi nào. Gọi tên là suối “Ông Mê” vì không ai biết suối này tên gì, nên đành lấy tên của chủ nhân hiện nay để gọi. Vợ chồng ông Mê đến nơi này lập nghiệp gần 30 năm. Họ sống chủ yếu dựa vào cây mía, thuốc lá và lúa. Thi thoảng có vài người khách từ Nha Trang đến ngâm mình tại con suối nước nóng này để chữa bệnh. Rồi tiếng lành đồn xa, vài nhóm người từ Lâm Đồng, Long An, TP. Hồ Chí Minh cũng đến để thư giãn. Ở xa quá nên người ta mang can lấy nước từ mạch nguồn về uống dần. Điều gì làm cho con suối nhỏ nơi đây làm một số người chú ý đến vậy?
Suối chia làm 3 đoạn, gồm suối trên, giữa và dưới, tương ứng với độ nóng nhiều hay ít ở từng nơi. Suối trên, được bao bọc bởi những ghè đá nhỏ, là nơi nóng nhất. Quanh năm bất kể thời tiết mưa dầm hay nắng hạn, nhiệt độ nước ở đây vẫn giữ ở 78 - 80oC… đủ để bạn luộc trứng hồng đào. Điều kỳ lạ là dù nước nóng bốc khói nghi ngút nhưng cây cối vẫn mọc um tùm, tán lá xòe rộng, rễ mọc sâu xuống lòng suối. Một số người thường hay đến đây ngâm khoáng nóng để chữa bệnh. Đoạn giữa cách mạch nước ngầm chừng 20m, độ nóng 40oC. Nếu không quen mà nhúng chân xuống, bạn dễ bị phồng da. Những người mới đến chưa thích nghi được với độ nóng có thể đến đoạn cuối của suối. Nơi ấy nước chảy tạo thành một cái đầm nhỏ, nước âm ấm ở trên và mát ở dưới đáy nên sen có thể nở được. Bước từ từ xuống suối, bạn cảm nhận được lớp bùn tự nhiên trơn mịn dưới lòng bàn chân. Ngồi trên tảng đá, ngâm bàn chân và không làm khuấy động dòng nước, bạn thưởng thức cái tĩnh lặng và nóng dịu giữa trưa hè tháng năm. Tán cây xanh mọc quanh đầm không làm cho bạn say nắng. Bất chợt, bạn sẽ muốn đi ra giữa đầm ngâm cả người xuống dòng suối. Chú ý phải thật từ từ, chớ nên nóng vội để thân nhiệt thích nghi dần với nhiệt độ của nước; hơn nữa, cần bước nhẹ nhàng để bùn dưới đáy không làm nước đục. Ngâm mình một hồi sẽ thấy da bạn mịn màng hơn vì nước ở đây chứa nhiều khoáng chất, nhất là lưu huỳnh.
Không mang theo đồ ăn, bạn có thể đặt chủ nhân làm một con gà hấp và nồi cháo lòng gà. Chừng ấy thôi cũng kịp giúp bạn lấp đầy dạ dày sau một hồi ngâm nước nóng.
Do ảnh hưởng một phần gió Lào, khí hậu nóng nên người dân quanh đây dễ mắc bệnh ghẻ ngứa ngoài da. Cứ đến tắm ở con suối này hay suối Trường Xuân dăm lần là khỏi bệnh. Nếu vẫn cảm thấy tiếc vì không ngâm mình ở đoạn trên được, bạn cứ việc ngồi trên tảng đá, dùng ca múc nước, dội từ từ vào bàn chân, đến vai, rồi đến đỉnh đầu.
(Theo TCDL).