Nếu đến Đà Nẵng, núi Ngũ Hành Sơn, bãi Cô Tiên hay Bà Nà làm cho
du khách thấy không còn gì nữa để khám phá thì nên đi khoảng 20km về phía Đông, đến chân núi Sơn Trà là một dải biển đẹp. Phong cảnh ở đây có thể làm cho du khách ngạc nhiên vì vẻ hoang sơ.
Con đường chạy ven chân núi đưa
du khách vào một cuộc khám phá cảnh quan đẹp mắt. Càng ra xa, nhìn về thành phố Đà Nẵng sẽ thấy cửa sông Hàn tấp nập thuyền bè. Trong lịch sử các hải cảng miền Trung, có thể chứng kiến sự dịch chuyển vị trí thế này: khoảng vào đầu thế kỷ XIX khi bến Lâm Âp phố (Hội An) cạn nước, thì Đà Nẵng trở thành một hải cảng quốc tế cho tàu thuyền đi lại giao thương. Đứng từ một ngọn đèo nào đó trên đường ra bãi Bụt - Sơn Trà để có thể nhìn vào khu cảng sầm uất tàu bè. Nhất là trong những buổi chiều, cái vẻ đẹp phố phường bến cảng hiện lên như bức tranh không hoành tráng nhưng đầy thơ mộng. Con đường sẽ chạy băng qua một bên là hồ xanh, một bên là biển để theo những khúc quanh ngoặt, dẫn lên một ngọn đồi có thể đứng phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh bãi Ông và một vài làng chài nhỏ bé lân cận. Trước đó, du khách sẽ qua bãi đá. Nơi đây có khoảng vài ba cánh vó giăng giữa biển, ghé lên bãi đá để ghi lại những tấm ảnh đẹp trong ráng chiều, ngửi thấy mùi tôm cá như một đặc trưng xứ sở. Bãi Bụt được coi là vùng chân núi chân sóng của bán đảo Sơn Trà. Hơn 2 năm nay, du khách nội địa và nước ngoài đã bắt đầu đặt chân đến bãi Bụt thưởng ngoạn cảnh quan kỳ thú. Ở đây, những bãi cát không dài, nhưng có những bãi đá được tạo nên từ sự ngẫu hứng của tạo hoá bên cạnh những cây dừa lẻ loi hướng ra biển, những rặng thuỳ dương xanh. Hiện nay, khu du lịch bãi Bụt đang thành hình. Đây là vùng hứa hẹn hấp dẫn bởi những tiện nghi dịch vụ mang lại, song người ta cũng lo sợ vẻ hoang dã kia sớm bị đánh mất. Tiếp bãi Bụt là bãi Chẹ. Đây là một bãi hẹp, nối sang eo biển ghềnh Rạng. Vùng này đã có vài nhà hàng có dịch vụ picnic, tắm biển, nghỉ dưỡng, hải sản tươi sống… Đường đi xuống bãi biển khá dốc và phải băng qua những đồi dây leo có lá xanh um, hình trái tim mọc um tùm. Nhưng điều làm du khách háo hức nhất trong chuyến đi này là đến ghềnh Bàng để tìm chỗ “lặn bụi” và với tham vọng được chén những món hải sản tươi sống do mình “câu được” từ trong khoang thuyền của ngư dân. Ghềnh Bàng được ví là nơi thần tiên. Cứ lặn thử sẽ thấy dưới đáy biển kia là một thuỷ cung với san hô, rong biển nhiều màu, những loài cá nàng đào, cá thia… mang trên mình sự long lanh của thứ ánh sáng trong lòng biển. Nhưng cũng khuyến cáo rằng đây là vùng có nhiều hàu, hà bám trong các vách đá, phải rất cẩn thận khi “lặn bụi” vì những cái dao sắc kia sẽ liếm vào chân tay bất cứ lúc nào. Từ ghềnh Bàng này, có nhiều chỗ ngồi câu cá lý tưởng. Không có được cơ hội lặn biển, nhưng được ngồi câu cá ở đây đã làm cho du khách thấy hài lòng. Hơn nữa, ngồi trên vách đá nhô ra biển, buông câu vừa hóng gió, hóng sóng, vừa thú vị và hồi hộp khi sợi cước căng lên theo đường cá chạy. Tiếp đó, món cá nướng và tiếng sóng lâng lâng sẽ làm du khách nhớ ghềnh Bàng da diết. Ở đây còn có những món ngon đặc trưng như nộm sứa, mực hấp, cá hấp tươi ngon… vừa từ những thuyền bè làng chài ở ghềnh Rạng mang lên như những quà tặng biển khơi dưới chân sóng Sơn Trà.
(Theo TCDL).