Những người lớn tuổi ở thôn Phước Đồng (xã An Hải, huyện Tuy An) vẫn không biết rằng ai đã đặt tên cho khu gành đá đẹp tuyệt ở đây là Hang Cọp. Họ nói chỉ nghe lưu truyền rằng từ lâu lắm, có một con cọp từ trên núi đi lạc xuống vùng biển này rồi chui vào hang ấy trú ngụ. Một thời gian sau không thấy cọp xuất hiện trở lại, người ta bảo rằng con cọp đã chết trong hang. Từ đó, người dân An Hải gọi hang này là
Hang Cọp.
Hang gồm hàng trăm tảng đá lớn nhỏ nằm chồng lên nhau, một bên là núi đá, một bên choài ra sát mé biển, quanh năm sóng vỗ về. Từ đó nhìn ra phía đông thấy rất rõ hòn Lao Mái Nhà vắt ngang trên sóng. Hang có nhiều cửa vào theo các kẽ hở của các tảng đá chồng lên nhau. Anh Ba, một ngư dân thôn Phước Đồng chỉ vào một hốc đá, bảo: “Chui xuống theo ngách đá, luồn sâu vào trong, không khí ở đó mát lạnh. Tôi ở đây từ nhỏ đến nay đã hơn ba mươi năm, thưở nhỏ thường ra chơi trò cút kiếm ở đây nhưng chưa bao giờ thông thuộc hết các ngóc ngách trong hang này!”.
Trong những năm chiến tranh, muốn đến thôn Phước Đồng phải đi bộ hàng cây số qua bãi cát. Do thời ấy chưa có đường đi nên địa bàn gần như bị cô lập với bên ngoài. Huyện Tuy An đã chọn nơi này làm nơi bí mật giấu quân để bất ngờ đánh vào các cứ điểm của lính ngụy và Nam Triều Tiên ở các xã phía bắc Tuy An và phía nam Sông Cầu. Hang ở gần làng nên dân dễ tiếp tế cho bộ đội, lại có nguồn nước ngọt từ trong làng đem ra hoặc từ trên các lõm đá đọng nước mưa nên Hang Cọp có thể chứa được hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phục vụ cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Cuối năm 2010, tỉnh Phú Yên đã công nhận Hang Cọp là di tích
lịch sử cấp tỉnh.
Từ trong Hang Cọp nhìn ra hòn Lao Mái Nhà.
Ông Võ Thanh Hải, một người dân Phước Đồng đã sáng tác một bài hát theo điệu bài chòi về Hang Cọp thế này:
“An Hải nằm dài theo bãi cát
Biển nhấp nhô sóng vỗ ven bờ
Quê ta là cả bài thơ
Trăng reo, gió mát đón chờ bình minh
Nhìn xem lại đất quê mình
Bãi dài cát trắng mặc tình nắng mưa…
…Hòn lao ở tại Phước Đồng
Hang Cọp vững chắc trú quân âm thầm”…
Hiện nay, từ trung tâm xã An Hải đường tráng nhựa rộng thênh thang đã về đến tận chân sóng với bãi cát mịn màng, trắng phau phau của làng biển Phước Đồng. Xuống xe, chỉ cần đi 50m là đã đặt được chân lên gành đá. Leo thêm một vài tảng đá nữa là đã có thể phát hiện các ngóc ngách của di tích lịch sử Hang Cọp. Nhiều du khách đến đây bất ngờ trước vẻ hấp dẫn của biển xanh ngan ngát, của những tảng đá tròn nhẵn nằm san sát bên nhau xô ra tận chân sóng. Nhiều người đem cần câu theo câu cá trên các gành đá. Và nếu vui miệng hỏi thăm một ngư dân vừa đi biển về,
du khách có thể mua được những món hải sản tươi roi rói vừa từ dưới biển đem lên.
Theo TCDL.