Đâu là dấu hiệu cơn ho bất thường ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh có hệ hô hấp rất non nớt và dễ bị tấn công bởi các mầm bệnh ở môi trường xung quanh, đặc biệt là trẻ đẻ non, trẻ có miễn dịch yếu do không được bú sữa mẹ, trẻ có các bệnh lý hô hấp bẩm sinh v.v…
- Nếu bé ho kèm theo thở khò khè hoặc hổn hển: đây là dấu hiệu của viêm màng tiểu phế quản, gây ra bởi virus hợp bào đường hô hấp (RSV).
- Tiếng ho khan hoặc ông ổng: dấu hiệu của viêm thanh quản.
- Ho kéo dài và thường ho vào ban đêm: có thể là do dị ứng thời tiết hoặc viêm xoang.
- Bị ho đột ngột, sau đó kéo dài dai dẳng, ho kèm theo tiếng rít khó thở: có thể bé bị hen suyễn do tiếp xúc với khói thuốc, bụi nhà, phấn hoa v.v…
- Ho dai dẳng đi kèm khó thở, sốt và ớn lạnh: triệu chứng của bệnh viêm phổi.
- Các cơn ho đột ngột xuất hiện hoặc do một kích thích nhỏ. Các cơn ho của bé dữ dội và khó kiểm soát, ho kèm theo thở rít và khạc đàm hoặc nôn mửa. Sau mỗi cơn ho da mặt sẽ tím tái do bị ngưng thở, chảy đờm dãi nhiều và nôn mửa. Bé vã mồ hôi và nổi tĩnh mạch cổ và dưới da đầu. Đây là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh ho gà.
Cha mẹ nên làm gì khi bé ho
Cha mẹ không nên tự ý cho bé dùng thuốc ức chế trung tâm ho thần kinh trung ương, thuốc thông mũi cường giao cảm hoặc thuốc chống dị ứng kháng histamine mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Khi trẻ sơ sinh bị ho, có thể giúp làm giảm bớt dịch nhầy trong đường thở của bé bằng cách cung cấp thêm nước cho bé thông qua sữa mẹ hoặc cho bé uống si rô thuốc thảo dược có tác dụng tiêu nhầy, giảm ho để giúp chứng bệnh của bé nhanh thuyên giảm. Lưu ý là không phải thuốc ho thảo dược nào cũng dùng được cho trẻ sơ sinh. Cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết thuốc có dùng được cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (dưới 6 tuổi) hay không.
Trong thời tiết giao mùa thu đông hanh khô, cha mẹ có thể đặt máy làm ẩm không khí trong phòng của bé vào ban đêm hoặc đưa bé vào phòng tắm đầy hơi nước để bé dễ thở hơn.
Nguồn: Nhà thuốc Nghĩa Hưng