Quả không hổ danh những nhân tài đến từ một trong những học viện khoa học top đầu thế giới.
Nổi tiếng là một trong những cơ sở đào tạo đứng top đầu trên toàn thế giới, chẳng có gì xa lạ khi nghe đến những tên tuổi lỗi lạc bắt nguồn từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Thậm chí ngay cả cơ sở vật chất của MIT cũng đang ngày càng trở nên “thông minh và tài năng” như những học viên của mình vậy.
Đây là công nghệ được phát triển bởi những nhà nghiên cứu MIT dưới hình thức một hệ thống máy tính có chức năng phân tích những rung động xung quanh tác động bởi các yếu tố ngoài môi trường – chẳng hạn như khi có phương tiện giao thông đi qua – sau đó sử dụng dữ liệu thu được để tính toán và đánh giá những tổn hại và ảnh hưởng nếu có.
Tính đến nay, phát kiến này đã được thử nghiệm và áp dụng cho tòa Green Building 21 tầng của MIT, một công trình kiên cố được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng I.M. Pei vào những năm 1960, thuộc vào hàng cao nhất trong số những cơ sở tại Cambridge, Massachusetts.
Thông tin và dữ liệu lấy từ cảm biến sẽ được xử lý qua những thuật toán thông minh, sau đó áp dụng và trình giả lập chuyên sâu cho tòa nhà và nhóm nghiên cứu sẽ có thể dự đoán chi tiết được tác động và áp lực mà chúng gây ra.
Hệ thông này không chỉ xét đến khía cạnh kích cỡ của tòa nhà mà còn cả những giới hạn như độ cứng và mật độ kết dính giữa các tấm bê-tông, phiến đá, rầm nhà và cả kết cấu cầu thang giữa các tầng.
Càng ngày, hệ thống sẽ càng được cải tiến và hoàn thiện để thích nghi với mọi hoàn cảnh và tác động.
“Có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ đem áp dụng công nghệ này lên mọi công trình trong thành phố,” chủ dự án Hao Sun phát biểu trong một cuộc họp báo. “Được tích hợp và trang bị với nhiều cảm biến và thuật toán xử lý nhanh nhạy, ngay cả những ngôi nhà cũng trở nên thông minh và có khả năng tự ‘cảm nhận’ được những tác động từ bên ngoài theo thời gian thực.”
Một ngôi nhà có chức năng báo động cho chủ nhân nếu xuất hiện nhiều nguy cơ rủi ro đang chực chờ quả thực là viễn cảnh đáng mơ ước phải không?